Đang online: 83
Hôm nay: 364
Trong tuần: 5612
Trong tháng: 133640
Tổng truy cập: 10300607

Chi tiết câu hỏi/ trả lời

Câu hỏi: cây ăn quả
Tôi sống ở Quảng Nam, tôi muốn phát triền cây ăn quả tại Bình Thuận cùng với người bạn tại địa phương. Anh/Chị tư vấn nên trồng những cây gì là khả thi. Xin cảm ơn

Cám ơn bạn đã quan tâm đến trang web của đơn vị !

Bình Thuận có điều kiện sinh thái đa dạng với chế độ khí hậu nhiệt đới cận xích đạo cùng với sự phân hóa địa hình tạo nên các tiểu vùng sinh thái có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại cây ăn trái khác nhau, trong đó có nhiều loại cây ăn trái có chất lượng, có lợi thế xuất khẩu như thanh long, sầu riêng, nhãn, xoài, mít, bưởi, nho.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái hàng hóa tập trung quy mô lớn như: thanh long (Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân); sầu riêng (Hàm Thuận Bắc, Đức Linh), xoài (Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình), mãng cầu (Bắc Bình, Hàm Tân), mít (Hàm Tân, Đức Linh), nhãn (Hàm Tân, Đức Linh), bưởi (Bắc Bình, Hàm Tân, Tánh Linh); nho, táo xanh (Tuy Phong), chuối (Hàm Tân, Hàm Thuận Nam),... Thị trường tiêu thụ trái cây thời gian qua có nhiều thuận lợi; tăng cả về số lượng, chủng loại mặt hàng trái cây và đa dạng hóa về thị trường.

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, sản xuất cây ăn trái của tỉnh cũng đứng trước khá nhiều thách thức, khó khăn cần tháo gỡ để phát triển bền vững, trong đó hạn chế lớn nhất là quy mô sản xuất phân tán; năng suất, chất lượng trái cây chậm được cải thiện so với tiềm năng; diện tích sản xuất an toàn, liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ trái cây còn hạn chế; số lượng cơ sở bảo quản, chế biến trái cây còn hạn chế, chưa đáp ứng được về quy mô, công nghệ; việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cây ăn trái nói riêng. Cạnh tranh thương mại và rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu cũng đang là một thách thức lớn đối với ngành sản xuất cây ăn trái của địa phương.

Chính vì vậy, tỉnh Bình Thuận đã lập “Đề án phát triển các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2030”  nhằm phát triển sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, đảm bảo phát triển bền vững, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên, phục vụ chủ trương cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt.

Theo đó, Đề án sẽ lựa chọn phạm vi đối tượng cây trồng cho từng vùng như sau:

- Đối với cây Thanh long: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, La Gi, Hàm Tân.

- Xoài: Hàm Tân, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh.

- Sầu riêng: Hàm Thuận Bắc, Đức Linh.

- Nhãn: Hàm Tân, Hàm Thuận Nam.

- Bưởi: Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh.

- Chuối: Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Bắc Bình.

- Nho: Tuy Phong.

- Mãng cầu: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân.

- Mít: Hàm Tân, Đức Linh.

Tại Bình Thuận, ngoài cây thanh long là chủ lực thì hiện nay cây sầu riêng rất “hót”, được người dân địa phương quan tâm phát triển. Việc chọn loại cây ăn quả nào thì bạn bám sát đề án để có những tính toán phù hợp; đối với tính khả thi như bạn hỏi còn phụ thuộc vào trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật; liên kết tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch vùng sản xuất; giá cả thị trường…

Theo tôi, bạn nên liên kết với nhiều người cùng sở thích để thành lập Tổ hợp tác/HTXDVNN theo Luật HTX mới năm 2023, khi đó việc thành lập HTX chỉ cần 5 thành viên là đủ điều kiện, còn Luật HTX cũ cần tới 7 thành viên.

Một vài thông tin chia sẻ cùng bạn. Chúc bạn thành công !

                                                                                     Hồ Công Bình