Đang online: 7
Hôm nay: 43
Trong tuần: 367
Trong tháng: 6826
Tổng truy cập: 658862

Công nghệ đóng hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá bằng vật liệu cách nhiệt POLYURETHAN (PU)

Chủ Nhật 27/12/2009 16:27
794

I. ƯU ĐIỂM CỦA PHƯƠNG PHÁP LÀM HẦM BẢO QUẢN SỬ DỤNG VẬT LIỆU CÁCH NHIỆT POLYURETHAN(PU):

 

   1. PU là chất liệu có tính dẫn nhiệt thấp hơn so với xốp thông thường như EPS (Polystyrene, thường gọi là mút). Hệ số truyền nhiệt của EPS là 0,037 Kcal/m/h/oC, còn PU là từ 0,018 - 0,020 Kcal/m/h/oC. Vì vậy, PU cách nhiệt tốt hơn do hạn chế tối đa tổn thất nhiệt qua mối nối, ngàm nối, tránh được hiện tượng thất thoát nhiệt do bị rỗng.

   2. Đáp ứng mọi quy cách hình dạng, ngõ ngách và không hạn chế độ dày cách nhiệt.

   3. Dễ dàng thi công, thi công an toàn và rút ngắn được thời gian thi công.

   4. Có kết cấu vững chắc, thích hợp cho việc nâng cao độ bền của hầm bảo quản trên tàu cá.

   5. Có khả năng chịu nhiệt tốt, có sức bám mạnh đối với các vật liệu như kim loại, gỗ, thủy tinh và sành sứ.

   6. Có khả năng điền đầy với mọi hình dáng phức tạp.

   7. Vật liệu nhẹ, có cường độ chịu nén cao.

   8. Có cấu tạo kín nên ít thấm nước.    

 

II. GIỚI THIỆU VẬT LIỆU CÁCH NHIỆT (PU) VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP GIA CÔNG HẦM BẢO QUẢN BẰNG VẬT LIỆU PU:

 

    1. Thành phần và các thông số của vật liệu cách nhiệt PU:

    Polyurethan được cấu tạo từ hai hợp chất cơ bản là Dalto foam MP 50155 và Suprase 5005 được pha chế với nhau theo tỷ lệ 1/1. PU có các thông số kỹ thuật như sau:

    * Tỷ trọng tiêu chuẩn: 40 - 45kg/m3

    * Lực kéo nén: P = 1,7 - 2,2kg/cm2

    * Khả năng chịu nhiệt: Từ  - 60oC  đến  + 80oC

    * Hệ số giãn nở: 25 – 50 lần

 

    2. Các phương pháp gia công hầm cách nhiệt bằng vật liệu PU:

    a. Phương pháp thủ công:

      - Tạo khoảng trống cách nhiệt trong hầm: gỗ - khoảng trống – tôn ở mặt ngoài(được cố định).

 

     - Cho hai dung dịch (màu trắng) Suprase 5005 và dung dịch (màu vàng) Dalto foam MP 50155 vào dụng pha theo tỷ lệ 1/1.

    - Khuấy đều dung dịch đến khi có bọt giãn nở thì đổ chậm hỗn hợp vào khoảng trống cách nhiệt.

    - Tạo độ rung cho dung dịch nở đều vào đầy khoảng trống cách nhiệt

    * Ưu điểm của phương pháp này: Dễ thi công, giá thành thấp nhưng có nhược điểm là khả năng cách nhiệt hạn chế hơn do có thể còn những khoảng trống mà bọt xốp PU nở không chèn kín được nên chưa điền đầy  khoảng trống trong khuôn.

    * Chú ý: Làm đến phần nào tạo khung phần đó để đảm bảo chất lượng.          

b. Phương pháp phun bằng máy:

      - Tạo khoảng trống cách nhiệt trong hầm: gỗ - khoảng trống – tôn ở mặt ngoài (được cố định).    

 

 

       - Cố định lớp tôn ở ngoài vững chắc.

       - Tiến hành cho máy bơm phun PU vào khoảng trống cách nhiệt.

 * Ưu điểm của phương pháp gia công này: Thi công nhanh, đảm bảo chất lượng, chắc chắn, cách nhiệt tốt do bọt xốp PU nở đều nhưng có nhược điểm là giá thành cao.

* Chú ý: Làm đến phần nào tạo khung phần đó, đồng thời cố định lớp tôn thật kỹ để đảm bảo chất lượng và hình dạng của hầm.    

 

 

 

Khuyến cáo: Theo kinh nghiệm đóng hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu cách nhiệt PU, để tạo độ kết dính chắc chắn giữa lớp vỏ và lớp lõi cách nhiệt trong hầm, người ta thường sử dụng tôn mạ kẽm để thi công ban đầu. Sau một thời gian 2 đến 3 năm, khi lớp tôn này xuống cấp người ta bắt đầu tạo lớp vỏ mới bằng tôn inox để đảm bảo vệ sinh trong hầm. Không nên sử dụng tôn inox để tạo lớp vỏ ngay từ đầu thi công vì lớp vỏ tôn inox có độ kết dính rất hạn chế với lớp lõi cách nhiệt PU nên lớp vỏ dễ bị bong dưới sự co giãn của nhiệt độ. Vì vậy để đảm bảo kết cấu vững chắc và độ bền cao, giá thành thấp người ta thường tạo lớp vỏ bằng tôn mạ kẽm trước sau một thời gian mới dùng tôn inox lại sau.