Đang online: 91
Hôm nay: 372
Trong tuần: 5620
Trong tháng: 133648
Tổng truy cập: 10300615

Kỹ thuật nuôi cá rô phi

Thứ Hai 28/12/2009 14:00
4458

    Cá rô phi là cá đặc trưng ở vùng nhiệt đới, phân bố tự nhiên ở nhiều nước châu Phi, châu Á.... Cá ăn tạp, dễ nuôi, có khả năng sử dụng nhiều loại thức ăn khác nhau như cám, tấm và cả chất thải của chăn nuôi, có thể coi là "con cá xóa đói giảm nghèo".

    Thịt cá rô phi được công nhận là có chất lượng cao, ngon, ít xương, dễ chế biến phi lê, đông lạnh, giữ tươi, cá tươi dễ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Là một đối tượng được phát triển mạnh trong những năm qua và sản phẩm được thừa nhận tại nhiều thị trường thế giới. Theo công bố của FAO, hiện nay có hơn 100 quốc gia trên thế giới nuôi cá rô phi; trong đó đứng đầu là Trung Quốc, Thái Lan, Philippine, Indonesia.... Có 2 loài chiếm sản lượng chủ yếu là rô phi vằn và rô phi đen. Hiện nay nước ta đang đẩy mạnh phát triển rộng rãi nuôi cá rô phi để cải thiện đời sống nhân dân và phục vụ xuất khẩu.

    Nhằm trang bị cho  bà con trong nông, ngư dân tỉnh Bình Thuận những kiến thức về kỹ thuật nuôi cá rô phi, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bình Thuận biên soạn tài liệu "Kỹ thuật nuôi cá rô phi". Tài liệu chắc chắn còn nhiều thiếu sót rất mong nhận được những ý kiến đóng góp để tài liệu ngày càng hoàn thiện hơn.

 

PHẦN I:  NGUỒN GỐC CÁ RÔ PHI

    Cho đến nay người ta đã biết khoảng 80 loài rô phi. Loài rô phi bé nhất là loài Tilapia grahami ở hồ Madagi thuộc Kenya, loài này khi thành thục dài khoảng 5 cm và nặng khoảng 13g; lớn nhất là loài Oreochromis niloticus ở hồ Rudolf, loài này có thể nặng tới 7kg và dài khoảng 67 cm. Trong số 80 loài rô phi đã biết chỉ có khoảng 10 loài có giá trị kinh tế trong nghề nuôi thủy sản.

    Từ năm 1958 Việt Nam nhập cá rô phi đen có tên khoa học là Oreochromis  mossambicus. Loài rô phi này có đặc tính mắn đẻ, cỡ cá nhỏ, giá trị thương phẩm thấp nên sau này ít được chú ý.

    Năm 1974  rô phi vằn (Oreochromis niloticus)  được nhập vào miền Nam nuôi thử và kết quả cho thấy đây là loài cá lớn nhanh, kích cỡ lớn và đẻ ít nên được nhiều người ưa chuộng.

    Năm 1994 cá rô phi dòng GIFT (dòng cá rô phi vằn thuần chủng Oreochromis niloticus) liên tiếp được du nhập vào nước ta từ Đài Loan, Ai Cập, Thái Lan, Philippin.

 

PHẦN II: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA CÁ RÔ PHI

 

Cá rô phi thuộc Bộ perciformes

                               Họ Cichlidae

                                        Giống Oreochromis

                                                  Loài O.niloticus

    Hiện nay ở nước ta đang nuôi các loài rô phi sau: loài rô phi đen, loài rô phi vằn và hai dạng đột biến của rô phi vằn là rô phi dòng GIFT và rô phi đỏ (điêu hồng). Một số đặc điểm sinh học của các loài rô phi:

    - Loài rô phi đen  O.mossambicus: Toàn thân phủ vẩy, vẩy ở phần lưng có màu xám tro đậm hoặc xanh đen nhạt, phần bụng có màu trắng xám hoặc màu xám ngà. Trên thân có từ 6 - 8 vạch sắc tố màu xanh đan xen lẫn chấm sắc tố màu tím chạy từ lưng tới bụng. Những vạch sắc tố ở các vây không rõ ràng. Hiện nay, do công tác quản lý giống không tốt nên  loài rô phi đen thuần chủng không còn nữa.

    - Loài rô phi vằn O. niloticus: Toàn thân phủ vẩy, vẩy ở phần lưng có màu sáng vàng nhạt hoặc xám nhạt, phần bụng có màu trắng ngà hoặc màu vàng nhạt. Trên thân có từ  6-8 vạch sắc tố chạy từ lưng tới bụng. Các vạch sắc tố ở các vây như vây đuôi, vây lưng rõ ràng.

    - Rô phi đỏ (Điêu hồng): Là một dạng đột biến của loài O. niloticus: Vẩy trên thân có màu vàng đậm, hoặc vàng nhạt hoặc màu đỏ hồng, cũng có thể gặp những cá thể có màu vàng, màu hồng xen lẫn những đám vẩy màu đen nhạt.

    - Rô phi dòng GIFT: Sinh trưởng nhanh, ngoại hình đẹp, chất lượng thịt thơm ngon và kích cỡ thương phẩm lớn đạt yêu cầu cho chế biến xuất khẩu.      

 

1. Đặc điểm dinh dưỡng

    Tất cả các loài rô phi đều có tính ăn tạp, thức ăn của chúng có thể là các loại rong bèo, tấm cám, bã đậu, khô dầu...... Nhưng thức ăn ưa thích của chúng là những sinh vật thủy sinh lơ lửng trong nước.

2. Đặc điểm sinh sản

    Hầu hết các loài cá rô phi sinh sản gần như quanh năm, nó đẻ nhiều vào những tháng nóng ấm, nhất là mùa mưa. Khoảng cách giữa hai lần đẻ trứng khoảng 20 - 30 ngày. Số trứng trong một lần đẻ phụ thuộc vào kích cỡ cá cái, cá càng lớn số trứng đẻ ra trong một lần càng nhiều. Trung bình một cá cái có trọng lượng 200 - 250g đẻ được 1.000 - 2.000 trứng.

    Tuổi thành thục lần đầu tùy thuộc vào từng loài. Đối với cá rô phi vằn (O. niloticus) là 4 -5 tháng. Cá rô phi đen là 3 tháng.

    Những loài rô phi nuôi ở nước ta hiện nay đều có tập tính làm tổ đẻ ở đáy ao. Khi sinh sản con đực sẽ dùng đuôi quẫy bùn làm tổ đẻ ở chỗ nước sâu 0,3 - 0,6 m ít bùn (nếu nhiều bùn khi cá quẫy mạnh bùn sẽ lấp mất trứng khiến cá cái không thể đớp vào miệng để ấp được). Đường kính của tổ đẻ phụ thuộc vào kích cỡ con đực. Sau khi làm tổ xong cá tự ghép đôi và tiến hành đẻ trứng.

    Sau khi đẻ xong, con cái sẽ ngậm trứng ấp trong miệng (cá con được giữ trong miệng cho đến khi hết noãn hoàng). Sau khi hết noãn hoàng cá con vẫn còn phản xạ đi theo mẹ, gặp nguy hiểm sẽ trốn vào miệng mẹ, phản xạ này mất hẳn khi cá sống tự lập. Và trong thời gian  ngậm trứng cá cái không bắt mồi nên cá không lớn, cá chỉ bắt mồi trở lại khi đã giải phóng hết con trong miệng.

3. Đặc điểm sinh trưởng

    Sau khi tham gia sinh sản cá cái sẽ lớn chậm hơn cá đực. Thường sau 5 - 6 tháng nuôi cá rô phi vằn đực có thể đạt 400 - 600 g/con, rô phi đỏ và rô phi dòng GIFT có thể đạt từ 600 - 800g/con.

4. Khả năng thích nghi với các yếu tố môi trường

    Cá rô phi là loài nươc ngọt nhưng có thể sống trong môi trường lợ, mặn. Là loài cá ưa nhiệt, khả năng chịu nhiệt từ 14 - 400C, nhiệt độ gây chết cá khoảng dưới 11 oC. Ở những ao hồ nhiễm bẩn có hàm lượng NH3 trên 0,3mg/l cá có thể sống bình thường.

 

PHẦN III: KỸ THUẬT NUÔI CÁ RÔ PHI

    Kỹ thuật nuôi cá rô phi tương đối đơn giản và cá rô phi đơn tính được ưu tiên chọn nuôi nhiều vì cá lớn nhanh.

1. Điều kiện ao nuôi:

    - Có nguồn nước cấp sạch.

    - Hình dạng ao tốt nhất là hình chữ nhật hoặc hình vuông.

    - Diện tích ao: 500 – 5.000m2

    - Ao phải có cống cấp và cống thoát ở 2 đầu đối diện.

    - Chất đáy tốt nhất là đất thịt pha cát.

    - Đáy ao bằng phẳng và có độ dốc nghiêng về cống thoát

    - Bờ ao phải đủ cao để đảm bảo độ sâu nước trong ao từ 1,5 – 2,0 m. Bờ ao có mái taluy thoai thoải để không sạt lở.

2. Chuẩn bị ao nuôi:

    Tát cạn nước, dọn cây cỏ xung quanh bờ ao, tu sửa và đắp bờ ao chắc chắn, vét bùn đáy ao chỉ chừa một lớp bùn dày 10 - 15 cm, rồi tiến hành diệt tạp, bón vôi, gây màu nước.

a. Diệt tạp:

    Dùng rễ dây thuốc cá: Liều lượng 5kg/1000m3 hoặc dùng Saponin (liều lượng dùng theo hướng dẫn trên bao bì) để diệt hết các cá tạp, cá dữ còn trong ao. Thời gian xử lý thuốc diệt cá tốt nhất là vào lúc 7-8h sáng. Sau 1 ngày làm vệ sinh ao, vớt xác sinh vật chết đưa ra khỏi ao.Chú ý sau khi xử lý thuốc diệt cá phải để 7-10 ngày sau mới thả cá giống

b. Bón vôi:

    Đối với ao mới:

    - Sau khi xây dựng ao xong, cho nước vào tháo rửa ao 2 -3 lần để  rửa bớt phèn và phù sa có trong ao.

    - Tiến hành rải vôi ở khắp đáy ao và mái bờ. Liều lượng vôi tùy thuộc vào độ phèn của ao. Nếu ao ít phèn (pH trên 4,5) dùng 70 - 150 kg/1000m2, nếu ao nhiều phèn (pH dưới 4,5) dùng 150 - 200kg/1000m2.

    Đối với ao cũ:

    - Liều lượng dùng 70 - 100kg/1000m2.

    Sau khi bón vôi xong phơi nắng đáy ao từ 2 - 3 ngày.

c. Bón lót:

    Các loại phân dùng để bón gồm phân chuồng ủ hoai, phân xanh. Mục đích của việc bón lót là để tạo thức ăn tự nhiên cho cá.

    - Bón phân chuồng với liều lượng 10 - 15 kg/1000 m3, rải đều khắp đáy ao.

    - Bón phân xanh: Dùng các cành cây họ đậu bó lại từng bó và dìm ở 4 góc ao.

    Ngoài ra, nếu sau này lọc nước vào ao có thể bón phân vô cơ như  urê, NPK với liều lượng 2kg/1000 m3 để gây màu nước.

d. Cấp nước vào ao:

    Lấy nước vào ao qua lưới lọc (có mắt lưới 0,5mm), độ sâu mức nước 1,2 – 1,5m.

    Sau 3 ngày kiểm tra các yếu tố môi trường thấy phù hợp (nhiệt độ 26-30oC, pH từ 7-8, Oxy hòa tan lớn hơn 4mg/lít, độ trong 30-40cm…) thì tiến hành thả giống nuôi.

3. Thả giống - Mật độ:

    Mùa vụ thả giống: Thích hợp nhất là vào đầu mùa mưa từ tháng 4-6.

    - Chọn cá giống khỏe mạnh, kích thước đồng đều, cơ thể cân đối, không bị xây xát hay bị bệnh.

    - Kích cỡ cá giống: 4 -6 cm.

    - Trước khi thả cá phải để túi chứa cá xuống ao từ 10 - 15 phút cho nước vào từ từ sau đó mới thả ra ao.

    - Để phòng ngừa cá bị bệnh ngoại ký sinh trước khi thả cá xuống ao nuôi ta nên tắm cho cá bằng nước muối 2-3% (20-30gam muối/1lít nước) trong 3 -5 phút.

    - Mật độ thả: 5 con/m2.

4. Chăm sóc quản lý:

4.1. Thức ăn và cách cho ăn:

    Có thể sử dụng nhiều loại thức ăn để nuôi cá rô phi, nên sử dụng nguồn thức ăn tại chỗ, rẻ tiền để nuôi cá.

    Nếu sử dụng thức ăn công nghiệp  phải xem xét giá cả hợp lý để đảm bảo nuôi có lãi.

    Cho cá ăn 2 lần mỗi ngày vào sáng sớm và chiều mát, lượng thức ăn sử dụng tùy thuộc vào tháng tuổi của cá.

    - Tháng đầu tiên: dùng thức ăn dạng bột như cám nhuyễn, bột cá, hoặc bột đậu nành rải trên mặt nước. Lượng cho ăn là 5kg/1000 m3.

    - Tháng thứ 2 đến tháng thứ 4:

    Cho cá ăn từ 10 - 15% trọng lượng thân, thành phần thức ăn gồm:

    + Cám gạo                  : 40%

    + Bột cá (cá tạp)         : 50%

    + Rau xanh                  : 10%.

    Trộn thêm vào một ít vitamine và khoáng chất. Các nguyên liệu trên được hấp chín (trừ cám và vitamin) trộn đều và đưa vào máy xay ép thành sợi cho cá ăn.

    - Từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 6:

    Khẩu phần ăn là 5% trọng lượng thân, thành phần thức ăn như sau:

    + Cám gạo                  : 40%

    + Bột bắp                   : 20%

    + Bột cá (cá tạp)         : 30%

    + Rau xanh                  : 10%

    Trộn thêm vào một ít vitamine và khoáng chất.

    - Để giảm thất thoát thức ăn và cũng để kiểm tra lượng thức ăn hàng ngày thì nên có sàng đựng thức ăn đặt trong ao. Nên đặt nhiều sàng cho ăn trong ao để tạo điều kiện mỗi cá thể trong ao đều được ăn.

    - Hàng tuần kiểm tra cá để điều chỉnh thức ăn.

    - Cá rô phi thuộc loại phàm ăn, ăn nhiều, nhưng để cá mau lớn thì phải cho cá ăn đều và ăn đủ.

4.2. Quản lý các yếu tố môi trường:

    - Trong quá trình nuôi thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường trong ao, đảm bảo  sao cho:

    + Nhiệt độ        : 26 - 320C.

    + pH                 : 7,5 - 8,5.

    + Nước ngọt hoặc nước lợ: 7-150/00. Từ 15-200/00 cá chậm lớn, trên 200/00 cá bị nổ mắt

    + Độ sâu           : 1,0 - 1,5m

    + Độ trong        : 30 - 40 cm.

    + Hàm lượng oxy hòa tan: bằng hoặc lớn hơn 4mg/lít.

    (Đối với những ao nuôi thâm canh mật độ cao cần bố trí quạt nước hoặc máy sục khí trong ao để cung cấp oxy cho ao vào những thời điểm oxy bị thiếu, thường vào khoảng 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng).

    - Hằng ngày quan sát bờ ao, cống và mọi hoạt động của cá để khi có sự cố xảy ra xử lý kịp thời.

4.3. Thay nước - Cấp nước:

    - Tháng đầu không thay nước.

    - Từ tháng thứ hai trở đi mỗi tháng thay 2-3 lần, mỗi lần thay 30%.

    - Ngoài ra, có những trường hợp cần phải thay nước ngay như độ trong quá thấp hoặc có nhiều bọt khí ở góc ao cuối gió, mỗi lần thay khoảng 40-50%.

    - Buổi sáng trời âm u, cá thường bơi ngớp thành đàn trên mặt nước là do cá bị thiếu oxy, những lúc này nên cấp thêm nước hoặc thay một ít nước cho ao.

5. Thu hoạch:

    - Sau thời gian nuôi 5 - 6 tháng, cá đạt kích thước 0,4 - 0,6 kg/con thì tiến hành thu hoạch. Nếu thấy cá lớn đều thì có thể thu hoạch một lần. Nếu không thì thu những con lớn trước, những con nhỏ để lại nuôi thêm khoảng 1 tháng nữa để đạt cỡ cá theo ý muốn (không thả bù).

    - Nếu ao cạn, bùn đáy nhiều hoặc nước dơ thì cá sẽ có mùi, để loại bỏ mùi cần phải xử lý chế phẩm sinh học vào tháng cuối hoặc đưa vào hệ thống xử lý nước chảy từ 2-4 ngày giúp loại bỏ mùi bùn, nâng cao chất lượng cá khi chế biến.

 

PHẦN IV: NUÔI GHÉP CÁ RÔ PHI VỚI CÁC LOÀI CÁ KHÁC

    Do thức ăn tự nhiên trong thủy vực phân bố ở nhiều tầng khác nhau, để nâng cao hiệu quả kinh tế người ta thường nuôi ghép các loài cá không cùng một loại thức ăn với nhau. Cá rô phi thuộc loại cá hiền, ăn tạp, có thể nuôi ghép với một số loài cá khác. Một số công thức nuôi ghép sau:

    - Công thức 1: Rô phi 45%, mè trắng 20%, mè hoa 5%, trôi 20%, trắm cỏ 4%, chép 6%;

    - Công thức 2: Trê lai 90%, rô phi 10%;

    - Công thức 3: Cá lóc 70%, rô phi 20%, cá hường 10%.

    - Công thức 4: Trắm cỏ 50%, mè trắng 20%, mè hoa 2%, Trôi 18%, chép 4%, rô phi 6%;

    - Công thức 5: Cá tra 90%, rô phi 5%, cá hường 5%;

 

PHẦN V: BỆNH CỦA CÁ RÔ PHI

    Cá rô phi là loài cá dễ nuôi, rất ít bệnh tật, cá có sức đề kháng cao và có khả năng chịu được những biến động của môi trường. Khi nuôi ở mật độ thưa thì hầu như cá không bị bệnh. Nhưng khả năng thích ứng của cá cũng có giới hạn, khi nuôi cá với mật độ cao thì cá rô phi bắt đầu xuất hiện một số bệnh. Có thể gặp một số bệnh ở cá rô phi khi nuôi thâm canh như sau:

1. Bệnh do virus và vi khuẩn gây ra: Như Flexibacterioz, Pseudomonas, Edwardlsielloz, Aeromonas, Streptococcus, Microbacterioz.

    Khi cá bị bệnh virus và vi khuẩn gây ra thường có một số triệu chứng như sau:

    Triệu chứng bên ngoài:

    - Bơi phân tán, không định hướng và khi chết thường chìm dưới đáy.

    - Mang, xung quanh mắt và da xuất huyết, toàn thân có màu tối (xám đen)

    - Những chỗ bị viêm có nhiều chất nhầy, mắt lồi, mang nhợt nhạt và các tơ mang dính lại với nhau.

    - Khi bệnh nặng có máu chảy ra ở vùng hậu môn

    Triệu chứng bên trong:

    - Trong xoang bụng xuất huyết và chứa nhiều dịch nhờn, có dấu hiệu tích nước.

    - Bóng hơi xuất huyết và teo dần một ngăn.

    - Tim, gan, thận đều có hiện tượng xuất huyết.

    Cách chữa trị:

    Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm được phương pháp chữa trị hữu hiệu đối với những bệnh do virus và vi khuẩn gây ra. Do đó đối với loại bệnh này phòng là chính, bằng các cách sau:

    - Tẩy dọn ao theo đúng quy trình kỹ thuật.

    - Cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

    - Giữ nước ao trong sạch, đầy đủ dưỡng khí.

2. Bệnh ký sinh do trùng bánh xe (Trichodina)

    Triệu chứng bệnh:

    - Trên thân cá tiết nhiều nhớt màu hơi trắng đục, da cá có màu xám.

    - Cá thường bơi nổi thành đàn trên mặt nước hoặc ven bờ, vừa bơi vừa cọ thân vào cây cỏ, bờ ao.

    - Khi cá bệnh nặng mang thường lở loét, tiết đầy dịch màu trắng khiến cá không thở được, bơi không định hướng cuối cùng cá lật bụng vài vòng và chìm xuống đáy ao rồi chết.

    Bệnh thường phát triển nhanh vào những dịp trời âm u, không nắng hoặc mưa kéo dài, nhiệt độ tương đối thấp.

    Cách phòng và chữa trị:

    - Phòng bệnh bằng cách dọn ao thật kỹ, giữ môi trường nước trong sạch và cho cá ăn đầy đủ.

    Cách chữa trị:

    Có hai phương pháp chữa trị hiệu quả và an toàn cho cá như sau:

    + Dùng muối ăn (NaCl) với nồng độ 2 - 3% tắm cho cá 5 - 10 phút.

    + Dùng phèn xanh (CuSO4) với nồng độ 3 - 5 ppm (3 - 5 g/m3 nước) tắm cho cá 5 - 10 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,7 - 1,5 ppm (0,7 - 1,5g/m3 nước).

    Sau khi chữa trị như trên, 2 - 3 ngày sau cá sẽ hết bệnh.

3. Bệnh ký sinh do trùng quả dưa (Ichthyophthyrius)

    Triệu chứng bệnh:

    - Trên thân cá có những đốm màu trắng đục, da tiết nhiều nhớt.

    - Cá bơi nổi thành đàn, lờ đờ trên mặt nước, màu sắc cá nhợt nhạt.

    - Khi mới nhiễm bệnh cá bơi co cụm ven bờ nơi có cỏ rác, khi bệnh nặng, mang bị hủy hoại không hô hấp được, đuôi cá bất động, sau cùng cá cắm đầu xuống đáy và chết.

    Cách phòng và trị:

    - Phòng bệnh bằng cách dọn ao thật kỹ, giữ môi trường nước trong sạch và cho cá ăn đầy đủ.

    - Chữa trị:  Dùng nước vôi phun xuống ao cho đến khi pH của ao đạt tới trị số 7,5 - 8,5 cũng có tác dụng diệt trùng rất tốt.

4. Bệnh do sán lá đơn chủ 16 móc (Dactylogyrus), sán lá 18 móc (Gyrodactylogyrus):

    Sán lá đơn chủ thường ký sinh ở mang, da, hốc mắt và hút máu cá, khi bị bệnh cá có triệu chứng như sau:

    - Cá gầy yếu, mù mắt, khi bệnh nặng tiết nhiều dịch nhờn màu trắng xám và hô hấp khó khăn.

    - Cá thường nằm dưới đáy, ít hoạt động, thỉnh thoảng nổi lên mặt nước và bơi ngửa bụng

    - Cá thường chết rải rác, ít khi chết hàng loạt.

    Các vết thương do sán lá đơn chủ gây ra tạo điều kiện cho một số vi khuẩn, virus tấn công tạo thành bệnh thứ phát rất khó chữa trị.

    Cách phòng :

    - Tẩy dọn ao và sát trùng thật kỹ, bón vôi đúng liều lượng

    - Không thả cá quá dày.

    - Thường xuyên theo dõi mức độ ăn mồi của cá và quản lý tốt môi trường nước.

    - Trước khi thả cá xuống ao nên tắm cá trong dung dịch thuốc tím 20 ppm hoặc dung dịch nước muối 2 - 3% trong 5 phút.

    Cách chữa trị:

    - Dùng Novadazol với liều lượng 1kg thuốc/ 2.500 – 3.000 kg cá mỗi ngày một lần vào buổi sáng, sử dụng liên tục trong 03 ngày.

    - Sử dụng lần đầu  vào lúc cá được 03 tháng, lần thứ hai khi cá được 5 – 6 tháng

    - Không sử dụng lúc cá bệnh, cá yếu

    - Ngừng sử dụng 04 tuần trước khi xuất bán.

 

TTKNKNBT