Đang online: 11
Hôm nay: 168
Trong tuần: 1879
Trong tháng: 8338
Tổng truy cập: 660374

Hội nghị tổng kết : Chiến dịch phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long và định hướng phát triển sản xuất thanh long an toàn, bền vững

Thứ Hai 17/10/2016 09:33
27

        Chiều ngày 14/10/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị tổng kết chiến dịch phòng chống bệnh đốm nâu hại trên thanh long tại 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và định hướng phát triển sản xuất thanh long an toàn, bền vững. Tham dự có các đồng chí: Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận, Phạm Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đại diện nông dân trồng thanh long 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang.

        Thanh long được trồng tập trung nhiều nhất ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang với tổng diện tích gần 40.000 ha. Trong đó Bình Thuận có diện tích thanh long lớn nhất với gần 27.000 ha. Dịch hại chủ yếu trên cây thanh long là bệnh đốm nâu, bệnh thán thư, bệnh thối cành thối quả, ruồi đục quả… Trong thời gian gần đây, bệnh đốm nâu xuất hiện và lây lan làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, tiêu thụ cho người trồng thanh long. Tính đến tháng 8/2014, diện tích nhiễm bệnh đốm nâu tại 03 tỉnh là 16.349 ha, trong đó Bình Thuận có diện tích bị nhiễm bệnh nhiều nhất với 12.550 ha. Trước tình hình này, cuối năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động chiến dịch phòng chống bệnh đốm nâu hại trên thanh long, qua ba năm triển khai, chương trình đã mang lại hiệu quả bước đầu khi diện tích thanh long nhiễm bệnh ngày càng thu hẹp.

 

Toàn cảnh hội nghị

        Từ khi phát động chiến dịch đến nay, cả 3 tỉnh đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân phương pháp phòng ngừa bệnh đốm nâu. Tổ chức 210 lớp tập huấn với sự tham gia trên 10.000 người; cắt tỉa hàng trăm tấn cành thanh long nhiễm bệnh đi tiêu hủy… Nhờ vậy tổng diện tích bện đốm nâu tính đến ngày 7/10/2016 chỉ còn 5.830 ha. Tổng diện tích bệnh đốm nâu năm 2016 là 6.791 ha, giảm 2.069 ha so với năm 2015 và giảm 9.264 ha so với năm 2014.

        Riêng tỉnh Bình Thuận, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND các địa phương trong tỉnh đã thường xuyên phát động các đợt cao điểm phòng chống bệnh đốm nâu trên địa bàn tỉnh, tổ chức ra quân vệ sinh vườn, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phòng, chống bệnh đốm nâu; đến nay, diện tích thanh long bị nhiễm bệnh đã giảm nhiều cả về tổng số và mức độ nhiễm bệnh nặng; tính đến ngày 05/10/2016, diện tích bị nhiễm bệnh toàn tỉnh là 4.953,5 ha.

        Tại Hội nghị, nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống bệnh đốm nâu hiệu quả cũng được các đại biểu chia sẻ. Theo đó, để phòng chống hiệu quả thì những vườn trồng thanh long trên 4 năm cần cắt tỉa bớt cành già phía trong để trụ thông thoáng, giảm nguồn bệnh và giảm ẩm độ. Không vận chuyển cành, quả bị bệnh sang vườn khác; không tưới nước cho cây lúc chiều tối. Phun phòng bệnh các loại thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hàng năm như hoạt chất Phosphorous acid (Agri – Fos 400)…

        Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Cần phải thay đổi tư duy, nhận thức việc phòng, chống bệnh không phải theo phong trào chiến dịch, mà phải làm thường xuyên, liên tục kể cả trong mùa nắng và mùa mưa. Qua 3 năm triển khai chiến dịch, bệnh đốm nâu có giảm nhưng chưa loại bỏ được hoàn toàn, do đó cần phải kiên trì phòng chống bệnh hơn nữa. Cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của nông dân trong thực hiện công tác phòng chống bệnh. Bên cạnh đó, cần nhân rộng các mô hình đã triển khai hiệu quả trong công tác phòng, chống bệnh đốm nâu. Đồng chí lưu ý tỉnh Bình Thuận cũng nên chú trọng việc quy hoạch phát triển thanh long, không chú trọng tăng diện tích, mà cần tăng chất lượng trong khâu sản xất thanh long, đặc biệt là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

BBT