Đang online: 5
Hôm nay: 271
Trong tuần: 1397
Trong tháng: 7856
Tổng truy cập: 659892

TỔ CHỨC XÂY DỰNG MÔ HÌNH - CHUỖI LIÊN KẾT TỪ SẢN XUẤT ĐẾN TIÊU THỤ CÂY MÈ

Thứ Sáu 11/11/2016 15:46
486

        Việc chủ động chuyển một diện tích lúa nước sang cây trồng cạn là giải pháp “đón đầu” hợp lý, tránh tình trạng bỏ phí đất sản xuất do thiếu nước hoặc sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn ít cần nước, nhưng có giá trị kinh tế cao.

        Các mối liên kết giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với các đối tác khác chưa được phát trển và vì thế nông dân gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn cung cấp vật tư cần thiết cho sản xuất cũng như trong tiêu thụ sản phẩm. Một số ít các công ty bắt đầu có các mối liên kết với nông dân, hoặc thông qua hợp tác xã nông nghiệp, hoặc qua nhóm nông dân. Các công ty này cung cấp một số vật tư cho nông dân sản xuất và thu mua sản phẩm của nông dân.

        Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Thuận (Trung tâm) đã chuyển giao nhiều mô hình cây trồng cạn trên đất lúa đem lại hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân như cây đậu phộng, đậu nành, cây bắp lai… và được bà con tự nhân rộng trong cộng đồng; nhằm đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa vụ đông xuân để bà con có nhiều cơ hội lựa chọn cây trồng phù hợp với đất canh tác và thị trường tiêu thụ tại địa phương, hạn chế rủi ro tối ưu nhất do thời tiết nắng hạn gây ra trong vụ đông xuân; năm 2016 Trung tâm xác định chuyển đổi cây mè vụ đông xuân trên đất lúa là khả thi do cây mè có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 75 ngày. Tuy nhiên, đây là cây trồng mới nên việc tiêu thụ sẽ khó khăn và khó thực hiện mô hình. Trước những thực trạng đó, ngày 10/11/2016 Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Hưng Nông Phát, Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh và hơn 30 nông dân họp bàn tổ chức thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ cây mè với qui mô 16 ha; trong đó Trung tâm sẽ hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư (phân bón, thuốc BVTV), tổ chức tập huấn kỹ thuật và cung cấp tài liệu cho nông dân; đối với công ty sẽ thu mua với giá sàn là 30.000 đồng/kg mè; trường hợp tại thời điểm thu mua nếu giá sàn thấp hơn giá thị trường thì công ty mua theo giá thị trường; nếu giá thị trường thấp hơn giá sàn thì công ty thu mua theo giá sàn là 30.000 đ/kg; còn trách nhiệm của nông dân là đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn, trong đó phải tự đầu tư 70% phân bón, nếu khó khăn về kinh tế thì công ty sẽ cho ứng phân bón một phần nhất định sau đó trừ vào sản phẩm mè khi thu mua.

        Có thể khẳng định, việc chuyển sang cây trồng cây mè đang có những thuận lợi nhất định, do có sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, địa phương và nông dân. Ước tính, nếu năng suất đạt khoảng 12 tạ/ha, với giá sàn 30.000 đồng/kg thì doanh thu 36.000.000 đồng/ha; trừ chi phí đầu tư khoảng 15.000.000 đồng/ha thì nông dân có lợi nhuận trên 20.000.000 đồng/ha.

        Do đó, việc xây dựng được các mô hình cây trồng cạn thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tái cơ cấu nền nông nghiệp nhằm xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững.

Hồ Công Bình