Đang online: 11
Hôm nay: 317
Trong tuần: 1443
Trong tháng: 7902
Tổng truy cập: 659938

Nhìn lại một năm hoạt động khuyến nông Bình Thuận

Thứ Ba 07/03/2017 09:55
60

  Ngay từ đầu năm 2016, trên cơ sở quán triệt Chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, đồng thời tranh thủ sự chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp & PTNT; Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Thuận (Trung tâm) đã cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm được giao, khắc phục mọi khó khăn, phát huy tính năng động, sáng tạo của tập thể cán bộ viên chức; đôn đốc, kiểm tra để triển khai có hiệu quả các hoạt động của công tác khuyến nông- khuyến ngư; các mô hình khuyến nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; các mô hình khai thác và nuôi trồng thủy sản; các tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao và áp dụng rộng rải vào sản xuất trong năm 2016.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tâm năm 2016:

          Đối với Chương trình chuyển đổi cơ cấu Giống – Mùa vụ theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, Trung tâm đã thực hiện các mô hình cụ thể như:

Mô hình luân canh 02 lúa + 01 bắp trên đất 3 lúa, quy mô 10 ha/46 hộ,  thực hiện tại xã Đức Phú – huyện Tánh Linh. Kết quả: Mô hình bắp vụ Đông xuân (2015 – 2016), sử dụng giống bắp CP 333. Năng suất bắp đạt hơn 11 tấn/ha, Doanh thu đạt trên 48 triệu đồng. Lợi nhuận trên 21 triệu đồng. Qua hội thảo, địa phương đánh giá thực tế vụ bắp đông xuân mang lại lợi nhuận gấp 2,5 lần sản xuất lúa Đông xuân. 

Mô hình luân canh 02 lúa + 01 đậu phộng trên đất 3 lúa,  quy mô 05 ha/ 07 hộ,  thực hiện tại xã Tân Hà – huyện Đức Linh. Kết quả: Mô hình đậu phộng vụ Đông xuân (2015 – 2016) sử dụng giống đậu phộng LDH01. Năng suất đậu phộng tươi đạt 27 tạ/ha. Doanh thu đạt trên 43 triệu đồng. Lợi nhuận gần 16 triệu đồng. Qua hội thảo, địa phương xác định cây đậu phộng (đặc biệt là giống LDH01) thích nghi khá tốt trên vùng đất lúa nhiễm phèn đồng thời mang lại năng suất và lợi nhuận rất cao.

Mô hình luân canh 02 lúa + 01 đậu nành trên đất 3 lúa, quy mô 02 ha/ 08 hộ, thực hiện tại xã Đa Kai – huyện Đức Linh. Kết quả: Mô hình đậu nành vụ Đông xuân (2015 – 2016) sử dụng giống đậu nành HLĐN 29. Luân canh cây đậu nành có thời gian sinh trưởng ngắn 70 ngày và cải tạo được nguồn đất xấu, nghèo dinh dưỡng nhờ các nốt sần có trong bộ rễ của cây đậu. Mặt khác, luân canh cây đậu nành đã cắt đứt nguồn sâu bệnh lây lan, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất; đồng thời giúp người dân thay đổi nhận thức không còn canh tác độc canh cây lúa mà nên luân canh 02 lúa + 01 đậu trên nền đất 03 vụ lúa.

Trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu Giống - Mùa vụ theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững gồm các mô hình luân canh như: MH 02 lúa + 01 đậu phộng , quy mô 7,5 ha tại huyện Hàm Thuận Bắc; MH 02 lúa + 01 mè, quy mô 16 ha tại huyện Tánh Linh và MH 02 lúa + 01 bắp tại huyện Bắc Bình. Tất cả các mô hình này đều thực hiện trong vụ Đông Xuân 2016 – 2017. Hiện nay, Trung tâm đã tiến hành chọn hộ, chọn điểm và ký hợp đồng thực hiện.

Đối với mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn:

Sản xuất rau an toàn (RAT) theo chuỗi liên kết từ SX đến tiêu thụ sản phẩm, quy mô 06 ha. Các loại rau ăn lá sinh trưởng phát triển tốt, đã lấy 5 mẫu rau/5 mẫu kế hoạch, các mẫu đều đạt ngưỡng an toàn.

Xây dựng và Phát triển MH SX chuyên canh rau ăn quả an toàn theo hướng VietGAP quy mô 03 ha. Kết quả: Năng suất rau ăn quả đạt 20 tấn/ha, so với đạt trà chỉ đạt 17,91 tấn/ha, lợi nhuận bình quân đạt cao hơn đại trà là 18,5 triệu đồng/ha, tăng 23,67%. Kết quả phân tích các mẫu rau đều đạt dưới ngưỡng an toàn, không tồn các dư lượng độc hại, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tại thị xã La Gi triển khai 01 mô hình sản xuất RAT theo chuỗi liên kết từ SX đến tiêu thụ sản phẩm, quy mô 03 ha. Hiện nay, cán bộ kỹ thuật đã gửi mẫu đất, nước để phân tích và kết quả đều đạt yêu cầu.

Từ nguồn kinh phí chương trình Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm tiếp tục thực hiện mô hình Thâm canh thanh long bền vững, an toàn dịch bệnh quy mô 50 ha/85 hộ tham gia, thực hiện tại 02 xã: Hàm Trí (20 ha/31 hộ) và Hàm Chính (30 ha/54 hộ) huyện Hàm Thuận Bắc. Kết quả: Năng suất tăng 16,46%; hiệu quả kinh tế tăng 42,49 % so với sản xuất đại trà, tỉ lệ bệnh đốm nâu chỉ còn 8,3%.

Đối với chương trình khuyến nông chăn nuôi:

MH cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, quy mô: 64 con. Kết quả: đã phối được 64/64 con kế hoạch bằng tinh bò chuyên thịt BBB và Red Angus. Hiện Trung tâm đang tiến hành hỗ trợ thức ăn cho các con bò có chửa.

MH Chăn nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học, quy mô: 32con, thực hiện tại xã Hòa Minh huyện Tuy Phong. Kết quả: Sau 3,5 tháng nuôi, đạt trọng lượng bình quân 115 kg/con, tỷ lệ sống 96,9%. Thông qua mô hình đã chuyển giao cho các hộ chăn nuôi và cộng đồng những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, kết hợp sử dụng chế phẩm Balasa N01 làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi heo góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm được mùi hôi, giảm chi phí điện, nước, công lao động, giảm được dịch bệnh, giảm chi phí thuốc thú y,...

MH Chăn nuôi vịt trên cạn sử dụng đệm lót sinh học, quy mô: 1.640 con, thực hiện tại huyện Hàm Tân và thị xã La Gi. Kết quả: Sau 2 tháng nuôi và chăm sóc vịt đạt tỷ lệ sống 100%, trọng lượng bình quân 3,2kg/con, lợi nhuận đạt hơn 3 triệu đồng/100 con. Thông qua mô hình các hộ đã nắm bắt được cách chăm sóc nuôi dưỡng vịt theo hướng an toàn, sử dụng đệm lót sinh học nhằm đảm bảo sức khỏe cho đàn vịt, đồng thời tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đối với chương trình khuyến ngư phát triển thủy sản nước mặn, lợ, ngọt nhằm chọn và nhân rộng đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ, phù hợp với điều kiện tự nhiên của Bình Thuận

Năm 2016, Trung tâm đã thực hiện MH nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng GAP, quy mô: 6.900 m2, thực hiện tại huyện Tuy Phong và TX La Gi. Kết quả: Năng suất đạt từ 7 - 9,14 tấn/ha, doanh thu từ 161 - 170 triệu đồng.

MH nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp trên lồng bè (80 m3) tại xã Đồng Kho và mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm lồng bè (60 m3 ) tại xã Gia An – huyện Tánh Linh .

 Ngoài việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến với bà con nông dân, hàng năm, Trung tâm đã phối hợp với  báo, đài địa phương xây dựng các chuyên mục khuyến nông, khuyến ngư. Bên cạnh đó cũng đã xuất bản ấn phẩm Bản tin và Thông tin "Khuyến nông khuyến ngư Bình Thuận" và cập nhật các tin, bài và trả lời câu hỏi của bà con nông dân trên trang web,...

Về công tác đào tạo - huấn luyện: Tập huấn đào tạo tăng cường năng lực khuyến nông khuyến ngư 12/12 lớp; hoàn thành 03 lớp TOT (đạt 100% kế hoạch) về lĩnh vực chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu tại Bình Thuận và bồi dưỡng phương pháp khuyến nông. Qua các lớp tập huấn đã cung cấp kiến thức, nâng cao nghiệp vụ cho các cộng tác viên khuyến nông. Đồng thời, Trung tâm đã triển khai việc tổ chức các lớp tập huấn  tại các xã nông thôn mới. Tính đến tháng 12/2016, Trung tâm đã tổ chức tập huấn 24 lớp/24 xã.

Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện nhiều chương trình khác theo dự toán được duyệt trong năm 2016 như:  MH nhân giống cây mì, quy mô: 0,5 ha thực hiện tại huyện Hàm Tân, sử dụng giống mì mới Layoong 09 do Trung tâm Giống cây trồng chuyển giao. MH phát triển cây bắp lai giống mới vùng DTTS, quy mô: 3,2 ha được triển khai tại xã Đông Tiến – Hàm Thuận Bắc. Kết quả. Năng suất trung bình 87,8 tạ (khô)/ha, lợi nhuận bình quân 9,7 triệu đồng/ha. MH cải tạo vườn điều bằng giống mới năng suất cao tại huyện Hàm Tân và Đức Linh, quy mô: 20 ha. MH trồng thâm canh cây dừa tại xã Tân Phước – thị xã La Gi với quy mô 02 ha. MH trồng khảo nghiệm sản xuất một số giống tỏi triển vọng, quy mô 0,2 ha tại huyện Bắc Bình. MH Máy tời thuỷ lực, quy mô: 01 máy, thực hiện tại huyện Tuy Phong. MH hỗ trợ giống cá rô phi đơn tính giống Đài Loan, quy mô 25.000 m2 tại huyện Tánh Linh và Đức Linh. Mô hình sản xuất giống lươn quy mô 50m2 mô hình ương giống cá lóc, quy mô: 400 m2 tại huyện Đức Linh. MH nuôi lươn thương phẩm, quy mô 24 m2 tại TX LaGi và quy mô: 40 m2, tại huyện Đức Linh.

Chương trình phối hợp thực hiện với Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, bao gồm các mô hình:

          Mô hình chuyển đổi trồng thâm canh cây trôm lấy mủ trên đất chuyên màu kém hiệu quả và nguy cơ khô hạn cao, quy mô 5ha/9 hộ, thực hiện tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong. Mô hình chuyển đổi trồng thâm canh giống xoài mới R2­­­E2 và tưới nước tiết kiệm trên đất chuyên màu kém hiệu quả và nguy cơ khô hạn cao, quy mô 5ha/10 hộ, thực hiện tại xã Tân Hà, huyện Hàm Tân.  

Mô hình chuyển đổi trồng thâm canh cây cỏ trên đất kém hiệu quả và nguy cơ khô hạn cao, quy mô 10ha, thực hiện tại huyện Tuy Phong (05ha) và Bắc Bình (05 ha).

Mô hình chuyển đổi trồng thâm canh cây cỏ và tưới nước tiết kiệm trên đất kém hiệu quả và nguy cơ khô hạn cao, quy mô 01ha, được thực hiện tại T.T Liên Hương, huyện Tuy Phong.

Trung tâm đã ký hợp đồng với BQL dự án JICA – gói thầu số 2, để thực hiện các mô hình trong năm 2016, cụ thể như sau: Trồng và thâm canh cây điều ghép cao sản, quy mô 04ha/ 09 hộ, thực hiện tại xã Đông Tiến - huyện Hàm Thuận Bắc và xã Phan Lâm - huyện Bắc Bình; Trồng và thâm canh cây mãng cầu (Na), quy mô 02 ha/ 05 hộ, thực hiện tại xã Thuận Minh – huyện Hàm Thuận Bắc; Cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép mắt, quy mô 08 ha/ 08 hộ, thực hiện tại xã Đa Mi – huyện Hàm Thuận Bắc; Thâm canh lúa nước, quy mô 06 ha/08 hộ, thực hiện tại xã Phan Dũng – huyện Tuy Phong; Cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt, quy mô 01 con/01 hộ, thực hiện tại xã Phong Phú – huyện Tuy Phong.

Định hướng hoạt động Khuyến nông-Khuyến ngư trong thời gian đến

Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình khuyến nông gắn với yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm của ngành và nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Bám sát vào những nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu chủ yếu của ngành; chương trình khuyến nông trọng điểm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2014-2020; đặc biệt là các chương trình xây dựng nông thôn; các chương trình, mô hình khuyến nông, khuyến ngư theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ; phát triển các ngành hàng lợi thế của tỉnh, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông lâm thủy sản của tỉnh phục vụ cho xuất khẩu, nhằm tạo chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

 Phát huy các hình thức chuyển tải thông tin sẵn có trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tăng cường, nâng cao chất lượng bản tin, thông tin "Khuyến nông”, nhằm tuyên truyền, phổ biến các chương trình, mô hình khuyến nông- khuyến ngư tiêu biểu, gương nông dân sản xuất giỏi,.... Tổ chức tập huấn, đào tạo tăng cường năng lực khuyến nông khuyến ngư; các buổi hội thảo, tập huấn cộng đồng theo nhu cầu.

Tích cực đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông khuyến ngư: Trong hoạt động khuyến nông là phải chuyển đổi đối tượng hoạt động khuyến nông, trước đây khuyến nông cho từng hộ; trong thời gian đến phải khuyến nông cho cả cộng đồng, cho cả một tổ chức để làm theo một quy trình sản xuất có tính chất đồng bộ và thống nhất để tạo ra một sản phẩm có tiêu chuẩn đồng nhất, sản phẩm đó mới có tính giá trị và khối lượng hàng hóa lớn, dễ tiêu thụ và giảm được giá thành.

Rà soát, cập nhật, chọn lọc các nội dung khuyến nông (tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, mô hình sản xuất) thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương để triển khai áp dụng trên diện rộng nhằm phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, có hiệu quả về kinh tế và xã hội. Bên cạnh chuyển giao về kỹ thuật thì phải hướng dẫn cho nông dân về kinh tế, đặc biệt là thông tin thị trường; thị trường cần cái gì, lúc nào thị trường cần và sản xuất công nghệ nào, đặc biệt là những yếu tố: thực phẩm an toàn, chất lượng.  

Huy động đa dạng các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông: Tranh thủ các nguồn lực thực hiện chương trình khuyến nông gồm nhân lực và kinh phí đầu tư. Tăng cường phối hợp, liên kết với các Viện, trường, các Trung tâm nghiên cứu, các đơn vị kỹ thuật trong ngành để tiếp nhận nhanh các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ sản xuất. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn nghiên cứu khoa học và các nguồn liên kết khác từ các dự án để tăng cường và đa dạng hóa, xã hội hóa công tác khuyến nông, đưa tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cơ chế chính sách và quản lý của hệ thống khuyến nông – khuyến ngư: Theo nghị định 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ để có sự chỉ đạo và quản lý, điều hành tập trung thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.

Hình ảnh Hoạt động của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư được Cập nhật tại đây : http://khuyennong.binhthuan.gov.vn/links/album.aspx

Nguyễn Tám - Giám đốc