Đang online: 10
Hôm nay: 38
Trong tuần: 313
Trong tháng: 313
Tổng truy cập: 661649

Nông dân Tuy Phong thành công với mô hình “Thâm canh lúa theo phương pháp SRI” và “Áp dụng tưới nước tiết kiệm” trong vụ Đông Xuân

Thứ Ba 07/03/2017 15:24
169

Năm 2016, trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, dẫn đến hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến đời sống sinh họat, đặc biệt là tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phát động chương trình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ để tiết kiệm chi phí sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với tình trạng nắng hạn, thiếu nước sản xuất. Mục đích là tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và thực hành của nông dân về giảm lượng giống lúa gieo sạ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong năm 2016 và các năm sau.

Tỉnh ta là một trong những tỉnh khô hạn, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó, huyện Tuy Phong là địa phương khô hạn nhất của tỉnh, lượng mưa trung bình hàng năm dưới 1.000 mm. Vì vậy, việc sử dụng nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất hết sức khó khăn. Năm 2016, diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện là 5.500 ha, trong đó diện tích canh tác lúa 2.240 ha. Như vậy với cách làm truyền thống thì trong một năm, với 2 vụ lúa thì phải cần tới khoảng 44.800.000 m3 cho 2.240 ha lúa, trong khi đó tổng lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cả huyện Tuy Phong trong một năm chỉ vào khoảng 100.000.000 m3.

Áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tiết kiệm nước trong canh tác lúa

Là huyện khô hạn nhất của tỉnh, bên cạnh đó nông dân nơi đây vẫn còn thói quen gieo sạ lúa dày từ 20 – 25kg/ha, và thường xuyên để ruộng ngập nước làm ảnh hưởng đến kế hoạch điều tiết thủy lợi, hao phí nước vô ích. Từ những khó khăn trên, trong vụ Đông Xuân 2016 – 2017, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bình Thuận đã hỗ trợ cho HTXNN-DV Long Hương (HTX Long Hương) xây dựng mô hình điểm “Áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm (ướt khô xen kẽ)” được thử nghiệm trên 4 mật độ gieo và mô hình “Thâm canh lúa theo phương pháp SRI”.

SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới. Những nguyên tắc/kỹ thuật cơ bản của phương pháp này bao gồm: cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ.

Kỹ thuật tưới “ướt khô xen kẽ” của Viện Lúa quốc tế IRRI là một giải pháp vừa tiết kiệm nước tưới vừa nâng cao chất lượng lúa gạo. Đó là cây lúa không phải lúc nào cũng cần ngập nước và chỉ cần bơm nước vào ruộng cao tối đa là 5cm.


Dùng ống nhựa để điều tiết nước ướt khô xen kẽ theo hướng dẫn của IRRI và Cục BVTV

Phương pháp khảo sát thử nghiệm mật độ thực hiện tại cánh đồng Mương Chang của HTX Long Hương với 4 công thức thử nghiệm: 8 kg/sào, 10 kg/sào, 12 kg/sào và 16 kg/sào (đối chứng) trên diện tích 0,8 ha/ 1hộ tham gia, sử dụng giống lúa ML 48. Kết quả, năng suất thống kê ở 2 thí nghiệm 8 kg, 10 kg/sào đều cao hơn đối chứng, cụ thể: ruộng 8 kg/sào đạt cao nhất 7,8 tấn/ha, 10kg/sào cho năng suất 7,7 tấn/ha cao hơn từ 9 - 10% so với ruộng đối chứng (7,1 tấn/ha). Như vậy, với giống lúa ML 48 gieo sạ vụ Đông Xuân ở mật độ 8 kg/sào là hiệu quả nhất.





Với phương pháp SRI có 48 hộ tham gia trên diện tích 30 ha, lượng giống gieo là 12 kg/sào, sử dụng giống lúa ML 48. Kết quả cho thấy việc áp dụng phương pháp SRI đã giảm lượng giống gieo từ 40 – 50% và giảm sử dụng nước bình quân từ 30 – 35% so với canh tác truyền thống. Ước tính, nếu áp dụng SRI trên diện rộng (diện tích canh tác 110 ha, sản xuất 3 vụ lúa), nông dân HTX Long Hương có thể tiết kiệm mỗi năm được khoảng 19,8 – 42,9 tấn giống (tương đương khoảng 217 – 471 triệu đồng).

Mặt khác, tưới theo phương pháp SRI cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, bộ rễ ăn sâu, hạn chế tối đa hiện tượng đỗ ngã khi gặp thời tiết bất lợi. Hạch toán kinh tế cho thấy, lợi nhuận thu được từ 01 ha lúa trong ruộng mô hình đạt hơn 22,8 triệu đồng, cao hơn 2 triệu đồng so với ruộng của nông dân.

Trong buổi hội thảo vào ngày 28/2/2017 tại thị trấn Liên Hương, Tuy Phong, các hộ tham gia mô hình đều vui mừng với kết quả đạt được và phấn khích với kỹ thuật canh tác mới này. Các hộ như Lê Thị Song, Lê Văn Hùng, Nguyễn Thành Được đều có nhận xét chung là cây lúa đẻ nhánh sớm, bông trổ khỏe tỉ lệ chắc cao, cứng cây, giảm phân đạm, giảm nước, cây lúa ít sâu bệnh. Riêng lão nông Nguyễn Lê Thanh Tân – xã viên của HTX Long Hương cho biết, ban đầu rất lo lắng vì lúa mọc thưa ở những lô 8 kg/sào, 10 kg/sào, nhưng sau một tháng chăm sóc, ông nhận thấy mật độ lúa phát triển rất tốt, đều đặn ở các điểm thử nghiệm; đặc biệt cây lúa càng thưa càng đẻ nhánh nhiều; bông lúa dài, nhiều hạt chắc; không phát hiện sâu bệnh; khi lúa chín gặp mưa, gió vẫn không đỗ ngã. Ông chia sẻ, nhờ tham gia mô hình, ông mới được biết đến kỹ thuật tiên tiến này, tiết kiệm nhiều khoản nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế lại cao.

Kết luận tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Tám – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bình Thuận cho rằng: “Mặc dù trong sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2016 – 2017 gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết khí hậu; giá cả, vật tư không ổn định; sản phẩm làm ra khó tiêu thụ,… song, trong việc thực hiện hai mô hình trên, chúng ta đã gặt hái nhiều thành công, đó là: mật độ gieo sạ lúa 8 kg/sào đạt năng suất cao nhất; 2 lần để khô; đối với mô hình SRI (12 kg/sào) năng suất cao hơn đại trà 2 tạ/ha, giảm 02 lần phun thuốc, giảm 40% công giặm tỉa; giảm chi phí 1 triệu đồng/ha, tiết kiệm 3.300 m3 nước/ha/vụ. Đó là những kết quả đáng ghi nhận trong sản xuất lúa vụ đông xuân 2016 – 2017 tại HTX Long Hương, huyện Tuy Phong. Qua đó, chúng tôi mong rằng các cấp, các ngành, các địa phương, đoàn thể cần phải tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nông dân trồng lúa, nhất là về mật độ gieo sạ và sử dụng phương pháp SRI trong sản xuất nhằm đem lại kết quả về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, đó là sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng”.

MS