Đang online: 6
Hôm nay: 391
Trong tuần: 1517
Trong tháng: 7976
Tổng truy cập: 660012

Bắc Bình: Thành công bước đầu các mô hình canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và tưới nước tiết kiệm trên đất kém hiệu quả

Thứ Hai 26/03/2018 08:31
110

Có thể nói, nước là nguồn tài nguyên quan trọng không thể thiếu trong mọi hoạt động sản xuất. Hiện nay thực trạng sử dụng, quản lý và bảo vệ nguồn nước của con người còn nhiều lãng phí, vùng nước để dành cho việc sản xuất nông nghiệp còn thất thoát không ít, cùng với đó thì dân số tăng nhanh, hạn hán gia tăng hàng năm cùng với hiện tượng nóng lên toàn cầu làm tài nguyên nước cạn kiệt trong tương lai không xa. 

Vấn đề đặt ra, là làm sao để bảo vệ nguồn nước không thiếu hụt, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm lượng tưới nhưng vẫn đảm bảo lượng nước tưới cho cây trồng. Tùy đặc điểm vùng miền, xác định cây trồng lợi thế, đưa ra giải pháp kỹ thuật canh tác thông minh trong nông nghiệp được cho là khả thi có ý nghĩa thiết thực khi ứng dụng triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Bước vào mùa khô, giữa cái nắng oi ả vào trung tuần tháng 3/2018, theo lời mời, chúng tôi về vùng đất cát nóng để cùng tham quan đánh giá bước đầu các mô hình thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và tưới nước tiết kiệm trên đất kém hiệu quả tại địa bàn 2 xã Bình Tân và Hòa Thắng huyện Bắc Bình. Từ nguồn vốn do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ, Ban Điều phối dự án Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị liên quan đến biến đổi khí hậu tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với đơn vị Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ triển khai xây dựng các mô hình trồng cỏ VA06, đậu phộng L14 cho năng suất cao, kết hợp phương pháp tưới  thông minh theo Mini-pan bằng péc phun, được thực hiện ở vụ đông xuân 2017 -2018, với tổng quy mô 08 ha (trong đó: cỏ 2,5 ha, đậu phộng 5,5 ha). Hộ tham gia mô hình được dự án hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư không hoàn lại, các mô hình đã cho thấy hiệu quả bước đầu.


Chuyên gia dự án trao đổi cùng bà con nông dân

Qua tham quan thực tế từ những đồng cỏ, đậu phộng xanh mướt áp dụng công nghệ tưới mới, đâu đó làm không khí nắng hanh có phần dịu lại, chúng tôi nhận thấy cái hay của Công nghệ Mini pan là xác định được thời điểm và lượng nước cần tưới thông qua 01 chảo mini chứa đầy nước, có gắn kèm thước đo đặt trong chảo, đối chiếu với các thông số cố định ở từng thời kỳ của mỗi loại cây, nếu quan sát lượng nước trong chảo thấp hơn so với thông số định mức đạt được thì hộ cần phải tưới bổ sung ngay cho cây trồng. Rõ ràng việc sử dụng chảo bốc thoát hơi nước để xây dựng lịch trình tưới nước cho cây cỏ và đậu phộng là hợp lý, lượng nước không mất đi, cung cấp đủ lượng nước hữu hiệu trong đất vừa hết. Riêng đối với Péc phun mini theo công nghệ của Israel,  trên đầu có các lỗ nhỏ li ti, nước 2 tia phun ra đồng đều hơn.


Chảo mini pan

Trong đợt hội thảo vừa qua, hội nghị đã phân tích, nhận định đánh giá bước khởi đầu của mô hình: đối với cây đậu phộng L14 tưới theo mini-pan bằng péc phun mưa năng suất tăng 21%, lợi nhuận tăng 33,4%; số lần tưới/vụ giảm 6 lần và lượng nước tưới hữu hiệu giảm 21,5% (tương ứng 1.040 m3/ha/v) so với tưới chế độ tưới thông thường bằng péc phun của hộ tự trang bị;  đối với cây cỏ VA06 tưới theo mini-pan bằng péc phun mưa năng suất đợt 1 tăng 4,6%, lợi nhuận tăng 14,5%; số lần tưới/vụ giảm 10 lần và lượng nước tưới hữu hiệu giảm 24,4% (tương ứng 590 m3/ha/lần cắt) so với tưới chế độ tưới thông thường bằng péc phun của hộ tự trang bị.

Mô hình của dự án chỉ mới thực hiện ở vụ đông xuân 2017-2018 bước đầu đã thành công, có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất nông nghiệp, đó là giảm lượng nước tưới/vụ, nâng cao hiệu suất sử dụng nước trong sản xuất, phù hợp với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Bắc Bình với các cây trồng cạn ngắn ngày, được hộ dân nơi đây tâm đắc, phấn khởi, mạng dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho nông hộ, giảm sự thoái hóa đất, hoang mạc hóa trong tương lai.

Từ hiệu quả đạt được mô hình của dự án tại 2 địa phương Bình Tân và Hòa Thắng, thiết nghĩ các ban ngành liên quan, cần quan tâm nghiên cứu, dành kinh phí, hỗ trợ tiếp tục thực hiện mô hình thông minh ở các mùa vụ kế tiếp tại các địa phương có nhu cầu, để từ đó có cơ sở khẳng định, khuyến cáo nhân rộng tiến bộ kỹ thuật mới thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn toàn tỉnh.

Nguyễn Thị Lắm