Đang online: 7
Hôm nay: 150
Trong tuần: 1861
Trong tháng: 8320
Tổng truy cập: 660356

SỬ DỤNG PHÂN BÓN LÁ CHO MỘT SỐ CÂY TRỒNG CHÍNH TRÊN ĐẤT PHÈN

Thứ Sáu 31/12/2021 17:30
649

SỬ DỤNG PHÂN BÓN LÁ CHO MỘT SỐ CÂY TRỒNG CHÍNH TRÊN ĐẤT PHÈN

Qua Hội thảo canh tác lúa cải tiến theo phương pháp SRI ngày 18/12/2021, một số bà con đặt câu hỏi về sử dụng phân bón và phân bón lá nói chung xử lý triệt để phèn trên đất trồng lúa hay thanh long; Ban Biên tập xin gửi đến bà con bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa và PGS.TS. Mai Thành Phụng, với những chia sẻ sử dụng phân bón lá cho cây trồng trên đất phèn.

1)     Những hiểu biết về bón phân qua lá cho cây trồng:

 

* Đầu tiên cần hiểu phân bón lá cho thật đúng về tính chất và nguyên lý tác động. Khái niệm về phân bón lá được hiểu như sau: Phân bón qua lá là các hợp chất dinh dưỡng dễ hòa tan trong nước & được sử dụng phun lên lá cây trồng để lá cây hấp thu nhằm bổ sung dinh dưỡng cho cây. Các chất dinh dưỡng được lá cây hấp thu chủ yếu qua khí khổng, màng tế bào lá.

Để hiểu được chức năng của phương pháp bón phân qua lá (BPQL) cần giải thích rõ ràng các quy trình sinh học khác nhau của cơ chế hấp thu qua lá và phân phối dinh dưỡng bên trong cây trồng. Để làm các nhiệm vụ bên trong lá hoặc vận chuyển các chất dinh dưỡng khoáng ra khỏi lá đến các bộ phận khác của cây trồng (qua cành, quả, củ và rễ cây), một quy trình hấp thu thông qua màng tế bào (plasma membrane), từ các không bào bên trong lá (apoplast) vào bên trong tế bào (symplast) sẽ xảy ra.

 

* Bón phân qua lá có lợi ích gì ?

Phân bón qua lá có hiệu lực nhanh và hiệu suất sử dụng cao. Cây sử dụng đến 95% lượng các chất bón qua lá (trong khi bón qua đất chỉ sử dụng được từ 25 – 60 %). Đặc biệt đối với các chất vi lượng bón qua lá có hiệu suất sử dụng cao hơn nhiều lần so với bón qua đất nên tiết kiệm chi phí (Do bón qua đất có thể sẽ bị đất giữ chặt, cố định).

- Do được lá cây hấp thu nhanh nên phân bón lá đáp ứng nhanh nhu cầu dinh dưỡng cấp thời của cây, giúp cây chóng hồi phục khi bị sâu bệnh, bão lụt và chuyển hóa qua các chu trình sinh lý hoặc đất thiếu dinh dưỡng.

- Phân bón qua lá làm tăng năng suất, phẩm chất và mẫu mã nông sản.

- Do có nhiều ưu điểm nên việc bón phân qua lá đã trở thành một tiến bộ kỹ thuật hiện đang được áp dụng ngày càng phổ biến. Tuy vậy, bón phân qua lá cũng chỉ là biện pháp bổ sung, không thể thay thế cho bón qua đất. Giống như đối với người, ăn được là chính, còn uống thuốc bổ hoặc truyền dịch dinh dưỡng chỉ là bổ sung và khi cần thiết.

* Nguyên lý hấp thu dinh dưỡng qua hệ thống lá của cây trồng:

Theo Romheld và El-Fouly, (1999) sự hấp thu dinh dưỡng qua lá có 5 bước như sau:

  -    Bước 1: Làm ướt bề mặt lá bằng dung dịch phân bón

-    Bước 2:  Sự thâm nhập xuyên qua lớp biểu bì của vách tế bào

-    Bước 3: Sự xâm nhập chất dinh dưỡng vào các không bào bên trong lá cây

-    Bước 4: Sự hấp thu chất dinh dưỡng vào bên trong tế bào

-    Bước 5: Sự phân bố chất dinh dưỡng trong lá và chuyển dịch chúng đến các bộ phận khác.

Cây trồng hấp thu được các chất dinh dưỡng qua hệ thống lá nhờ cấu tạo rất đặc biệt của lá. Khi các chất dinh dưỡng hòa tan trong nước (dạng dung dịch) sẽ đi vào cây nhờ  3 con đường chính: 1) Đi qua lớp Cutin(lớp sáp); 2) Đi qua các khí khẩu trên bề mặt lá; 3) Thẩm thấu qua màng tế bao trên mặt lá.  

Các chất dinh dưỡng xâm nhập qua hệ thống lá cây là nhờ chui qua  lớp cutin (lớp sáp). Lớp cutin trên bề mặt lá có cấu tạo bởi những acid béo như sáp nên không hoà tan trong nước. Đây là bức tường ngăn không cho dinh dưỡng thấm qua. Tuy nhiên trên lớp sáp có những vi lỗ có đường kính nhỏ khoảng vài nm và cũng có thể vài µm. Chính khoảng hở này giúp cho các chất đi vào, khi có nước đi kèm dẫn theo. Giữa những phân tử acid béo có khoảng hở (ectodesmata pore). Hơn nữa cấu tạo lớp cutin là acid galacturonic (có điện tích âm). Con đường thứ 2 mà các chất dinh dưỡng đi vô cây đó là con đường đi qua khe hỡ trên lớp biểu bì. Con đường mà các chất dinh dưỡng dễ dàng xâm nhập vào cây nhất - Đó là con đường dẫn đi qua khí khẩu (Cửa nhỏ để trao đổi không khí của thực vật mà có khi còn được gọi là khí khổng). Khí khẩu trên lá là nơi lý tưởng nhất để các chất dinh dưỡng đi vào cây dễ dàng hơn so với 2 con đường kia. Chúng ta đã biết khí khẩu trên bề mặt lá rất nhiều phụ thuộc vào từng loài thực vật, số lượng khí khẩu có trên bề mặt lá vớ số lượng khoảng từ 100-1.000 khí  khẩu/mm2, kích thước thay đổi của mỗi khí khẩu cũng phụ thuộc vào đặc điểm thực vật của loải, kích thước của khí khẩu giao động từ  300-500 µm. Tuy nhiên, cũng có một đặc điểm bất tiện là cơ chế đóng mở khí khẩu cũng tùy loài thực vật. Đa số thì cơ chế mở khí khẩu đều mở vào ban ngày (khi có ánh sáng mặt trời), nhưng cũng có một số loài lại mở khí khẩu vào ban đêm (khi không có ánh sáng mặt trời). Một đặc điểm nữa khi sử dụng phân bón lá cũng cần lưu ý là: Khí khẩu có thể sẽ đóng lại khi có sự bất thường của thời tiết khí hậu (nóng quá hoặc lạnh quá). Do đó, việc phun xịt phân bón lá cũng cần quan tâm tới đăc điểm này đề cho hiệu quả phân bón lá đạt cao hơn. Mặt khác, khí khẩu lại tập trung chủ yếu ở vi trí mặt dưới của lá cây (trừ cây lúa thì số khí khẩu phân bố khá đồng đều giữa mặt trên và mặt dưới lá). Do vậy, kỹ thuật phun xịt phân bón lá cũng là một khâu kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu suất của phân bón sử dụng. Một trở ngại nữa là trên bề mặt của khí khẩu bao giờ cũng có lớp đệm không khí,  chính lớp đệm không khí này cũng sẽ gây khó khăn cho các chất  dinh dưỡng đi vào trong mô tế bào lá. Con đường thứ 3 mà các chất dinh dưỡng có thể xâm nhập vào cơ thể thực vật đó là xâm nhập qua màng tế bào lá. Hoạt động này khá bị động và hiệu suất phụ thuộc rất nhiều vào kích thước và nồng độ của các chất tan (rất cần công nghệ Nano).

Hiệu quả nông học và hiệu quả kinh tế của phân bón lá cũng phụ thuộc vào một số yếu tố như: Chất bám dính & chất làm mềm lớp Cutin (lớp sáp) trên bề mặt lá. Chất bám dính có vai trò: làm mềm lớp sáp trên mặt lá, giúp giảm sức căng bề mặt để cho dung dịch được trải rộng trên mặt lá, tăng diện tích tiếp xúc và từ đó sẽ tăng tốc độ cũng như lượng dinh dưỡng vào mô lá. Ngoài ra, chất bám dính sinh học cũng góp phần loại trừ lớp đệm không khí để dinh dưỡng dễ dàng xâm nhập qua con đường khí khẩu; Ngoài ra, hiệu lực của một loại phân bón lá phụ thuộc vào kích thước chất tan, nếu kích thước chất tan càng nhỏ thì khả năng để đi vào các khe hỡ & qua màng tế bào của mô lá càng dễ dàng hơn; Phụ thuộc vào thành phần trong phân bón lá: nếu dinh dưỡng có trong thành phần phân bón càng nhiều chức năng hoặc chuyên dùng cho từng giai đoạn (từng thời điểm) và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng cây trồng (khả năng đáp ứng nhanh) thì hiệu quả càng cao khi sử dụng những loại phân bón lá này. Khi dung dịch phân bón đã qua được bề mặt lá đề vào bên trong không bào thì cũng phải tuân theo một số nguyên tắc hóa lý- sinh học của thực vật. Những nguyên tắc chung về việc hấp thu chất dinh dưỡng khoáng từ các không bào vào bên trong từng tế bào bên trong của cây cũng giống như sự hấp thu từ rễ. Theo đó, tốc độ hấp thu như sau:
a. Những phân tử nhỏ nhanh hơn những phân tử lớn (urea > Fe-Chelates).
b. Những phân tử không mang điện (nối cộng) nhanh hơn các ion tĩnh điện.
c. Những ion hoá trị một nhanh hơn ions đa hoá trị (H2PO4- > HPO42-)
d. Độ pH của không bào (apoplast) thấp sẽ hấp thu các anions nhanh hơn.
e. Độ pH của không bào (apoplast) cao sẽ hấp thu các cations nhanh hơn.

Sự phân bổ từng chất dinh dưỡng riêng biệt bên trong và chuyển dịch chúng ra ngoài lá sau khi phun phân bón thì tùy thuộc vào từng mô libe và tính cơ động của hệ mao dẫn. Các chất dinh dưỡng lưu động libe (mobile nutrients) như N, P, K, Mg được phân bố vào mỗi mô mao dẫn cũng như mỗi mô libe bên trong lá cây, và một tỷ lệ lớn các chất dinh dưỡng đã hấp thu sẽ được vận chuyển ra khỏi lá tới các bộ phận khác của cây nơi có nhu cầu cao. Ngược lại các chất dinh dưỡng có khả năng cơ động libe giới hạn (nutrients with a restricted phloem mobility) như Ca, Cu, Fe, Mn, Zn sẽ được phân bố chính cho mỗi mô mao dẫn bên trong lá cây và không có sự chuyển dịch đáng kể nào ra ngoài. Riêng đối với Boron (B), sự lưu chuyển bên trong cây tùy thuộc rất nhiều vào các di truyền gen và là yếu tố quyết định đến hiệu quả của phân bón Boron (B) qualá.

Phân bón lá thường gồm những loại gì?

Tất cả các chất dinh dưỡng cho cây, gồm các chất đa lượng (N, P, K), các chất trung lượng (Ca, Mg, Si, S) và các chất vi lượng (Cu, Zn, Mn, B, Fe, Mo) đều có thể sử dụng bón qua lá. Có thể sử dụng ở dạng phân đơn hoặc phân có 2 yếu như N, P, K, NP, NK, PK và có phối thêm các vi lượng khác như: B, Fe, Mn, Cu, Zn, thường là những chất cây cần nhiều và hay bị thiếu. Những phân bón lá thường là các hợp chất khoáng dễ hòa tan trong nước. Hiện nay người ta cũng đã sử dụng một số chất từ các hợp chất hữu cơ như các amino acid, các Humat, các chất Vitamine, chất ĐHSTTV (hormon tổng hợp) và các Oligosacarit được tách chiết từ một loài rong biển hay Oligochitosan tách chiết từ vỏ tôm cua. Những hợp chất hữu cơ này ngoài cung cấp chất dinh dưỡng cho cây một cách cân đối còn có tác dụng kích thích sinh trưởng và tăng sức chống bệnh cho cây. Phần lớn các phân bón lá hiện nay gồm hỗn hợp các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng, một số loại còn thêm các enzym, chất kích thích sinh trưởng (Chất Điều hóa sinh trưởng thực vật).

Tiêu chuẩn của một loại phân bón lá tốt cần có các đặc tính sau:
- Tan hoàn toàn trong nước.
-
Độ tinh khiết cao, không chứa các hợp chất độc.
- Hàm lượng ammonia và sulphate thấp.
- Không chứa Clor (Cl).
- Khả n
ăng kết tinh dạng kim cương trong ure thấp dưới 0.35 %.
- Các nguyên tô dinh dưỡng kim loại (vi lượng) dưới dạng chelate.
- Hàm lượng các gốc muối thấp.
- Có thể pha chung với thuốc BVTV khi xịt mà không làm giảm hiệu lực.
- Nhãn mácbao bì  phải ghi rõ ràng hàm lượng các chất trong thành phần.
- Hướng dẫn sử dụng rõ ràng ghi trên nhãn bao bì sản phẩm hoặc có chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho người sử dụng bởi nhà sản xuất hoặc
đơn vị phân phối.


Hiện nay trên thị trường nước ta có rất nhiều chế phẩm phân bón lá, trong đó chủ yếu là phân hỗn hợp nhiều yếu tố của nhiều nhà sản xuất, cung ứng trong và ngoài nước (sản phẩm nhập khẩu). Tốc độ phát triển và sử dụng phân bón lá trong ngành nông nghiệp Việt Nam ở những thập niên vừa qua không ngừng tăng cao cả về số lượng và chất lượng.

2) Kỹ thuật sử dụng phân bón lá đạt hiệu quả cần lưu ý:

- Không nên sử dụng phân bón lá khi cây đang ra hoa, đất bị khô hạn và trời nắng nóng. Nên phun buổi sáng, có nắng nhẹ, khoảng 8 đến 10 giờ sáng là tốt nhất vì lúc này khí khẩu lá mở nhiều dễ hấp thu phân, trời cũng chưa nắng gắt, cần phun ướt cả mặt dưới lá.

- Hòa phân với nước theo đúng nồng độ hướng dẫn trên bao bì. Pha đậm đặc quá dễ bị cháy lá. Thời gian và số lần phun cũng phải tuân theo hướng dẫn, không lạm dụng quá mức có thể gây hại cây, hoặc giảm chất lượng nông sản.

- Mỗi loại phân bón có thành phần và tỉ lệ các chất khác nhau, thích hợp với mỗi loại cây trồng, mỗi giai đoạn phát triển của cây, với mỗi loại đất và mục đích khác nhau. Cần xem xét cụ thể từng loại phân để sử dụng đúng điều kiện và mục đích. Thí dụ cùng loại phân bón lá Poly-Feed, loại 19-19-19 sử dụng cho lúa phun khi lúa bắt đầu và đang đẻ nhánh, loại 15-15-30 do có nhiều loại kali hơn nên phun khi lúa có đòng và sau khi trổ đều. Không nhầm lẫn phân bón lá với chất kích thích sinh trưởng cây trồng (CĐHSTTV) vì mỗi loại có tác dụng khác nhau. Trong chất kích thích không có chất dinh dưỡng. Nếu muốn vừa kích thích vừa cung cấp chất dinh dưỡng thì phải dùng loại phân có chất kích thích hoặc pha chung phân  bón lá với chất kích thích. Cuối cùng cần chú ý là phân bón lá đôi lúc cần thiết song không thể thay thế phân bón qua đất.

 - Theo Brown, 1999, hiệu qủa của phương pháp BPQL ảnh hưởng bởi 03 yếu tố sau:

a) Yếu tố lý và hoá tính của phân bón sử dụng: Sự hấp thu chất dinh dưỡng tùy thuộc vào các anion nối kết. Thí dụ sự hấp thu Zn(NO3)2 cao hơn so với ZnSO4 có thể được giải thích bởi sự kết nối cation-anion (cation-anion symport). Năm 1999, Burkhardt et al đã thực nghiệm bằng cách nhúng các lá cây Vicia faba vào dung dịch 1% Zn-nitrate và dung dịch 1% Zn-sulphate thì thấy rằng: khi Zn được liên kết với gốc nitrat (N03-) thì khả năng hấp thu lớn gấp 3.5 lần so với gốc sulphate. Thời gian để lá cây hấp thu 50% tổng lượng của từng nguyên tố đã được tính như sau: N = 1–6 giờ: P = 1–5 ngày; K = 10 –24 giờ; Ca = 1–2 ngày; Mg = 2–5 giờ; Fe = 1 ngày (8%); Mn = 1–2 ngày; Zn = 1–2 ngày.
b. Yếu tố về khả năng xâm nhập của chất dinh dưỡng vào bên trong tế bào chất ảnh hưởng bởi chủng loại giống của thực vật, loại và tuổi của lá cây, hoá tính của phân bón, vào các điều kiện môi trường như ẩm độ, nhiệt độ, ngày hay đêm, và phương pháp áp dụng. Thí dụ: Khi ẩm độ cao, sự hấp thu qua lớp cutin sẽ gia tăng vì quá trình hydrat hoá của lớp cutin cao hơn. (Chamel et al, 1991; Van Gardingen va Grace, 1992) và số lượng các khí khổng sẽ mở ra nhiều hơn (Burkhardt et al 1999).
c. Yếu tố về khả năng lưu động bên trong lá cây của các chất dinh dưỡng sử dụng được xác định bởi khả năng cơ động của các mô libe liên hệ, chủng tính và độ già của lá cây và sự bất động của các phần tử hiện diện tại nơi áp dụng phân bón.

* Cây thường thiếu hụt dinh dưỡng trong những trường hợp nào?

Hiểu quả của phân bón lá càng cao khi kịp thờ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của mỗi cây, của mỗi thời điểm mà cây cần và bù đắp nguyên tố dinh dưỡng thiếu hụt (dinh dưỡng giới hạn). Mỗi nguyên tố dinh dưỡng có vai trò nhất định, thiếu hụt bất kì nguyên tố nào đều ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng. Nguyên nhân gây nên sự thiếu hụt có thể do đất, do bón phân hoặc sự tương tác giữa những nguyên tố.

 - Có loại đất tốt, độ phì cao, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cây, nhưng cũng có nhiều loại đất xấu, độ phì thấp, thiếu chất dinh dưỡng hoặc nếu có thì cây không hút được. Đất xấu có thể do nguồn gốc hình thành (như loại đất chua phèn) hoặc do bị rửa trôi lâu năm mất chất dinh dưỡng (như đất xám, đất bạc màu). Đất nhiều cát bị ngập úng lâu hoặc thiếu nước cũng làm cho cây bị thiếu hụt dinh dưỡng.

- Ngoài chất dinh dưỡng có sẵn trong đất, việc bón phân để cung cấp bổ sung chất dinh dưỡng cho cây là rất cần thiết. Bón không đủ phân hoặc bón không cân đối, không đúng thời điểm yêu cầu của cây là nguyên nhân chủ yếu gây nên sự thiếu hụt dinh dưỡng. Đặc biệt đối với các loại đất xấu thì việc bón phân có ý nghĩa quyết định. Tùy theo loại đất, loại cây và điều kiện khí hậu mà định lượng các loại phân bón lá cho phù hợp.

- Sự tương tác giữa các nguyên tố trong đất cũng có thể gây nên sự thiếu hụt dinh dưỡng cho cây. Bón nhiều lân có thể gây thiếu hụt kẽm, nhiều kali ảnh hưởng đến đạm và magiê, nhiều đồng ảnh hưởng đến sắt, nhiều sắt làm cây khó hấp thu và gây thiếu P, K và kẽm. Ngược lại, thiếu một nguyên tố này cũng có thể gây thiếu một nguyên tố khác. Thiếu lân cũng gây thiếu đạm. Thiếu các chất vi lượng làm cây giảm khả năng hấp thu và đồng hóa đạm. Đối với mỗi loại cây, sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng thể hiện những triệu chứng bệnh lý khác nhau. Khi xuất hiện triệu chứng thiếu hụt dinh dưỡng cần xác định xem cây thiếu chất gì, từ đó bổ sung với lượng thích hợp. Ngoài các phương pháp phân tích cây, phân tích đất, người ta có thể dùng một số cây để xác định cây thiếu chất gì, gọi là cây chỉ thị. Những loại cây này nhạy cảm hơn đối với sự thiếu hụt dinh dưỡng, triệu chứng thể hiện sớm và đặc trưng, rõ rệt hơn so với những loại cây khác. Thí dụ cây Ngô chỉ thị cho đất thiếu lân, cây họ đậu chỉ thị cho đất thiếu Canxi, cây chanh chỉ thị cho đất thiếu kẽm, cây khoai tây, cà chua chỉ thị cho đất thiếu kali,…

Do vậy, vai trò của phân bón lá sẽ góp phần hỗ trợ rất hữu hiệu cho các loại phân bón rễ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Theo Harmen Tjalling Holwerda có 05 lý do chính để thấy cần phải  áp dụng BPQL, 05 lý do đó bao gồm:


a. Hiệu chỉnh hiện tượng thiếu dinh dưỡng: BPQL có thể nhanh chóng hiệu chỉnh hiện tượng thiếu dinh dưỡng vì phân bón được phun ngay vào chỗ đang thiếu. Thí dụ hiện tượng thiếu sắt có thể xảy ra khi cây trồng trên nền đất sét (độ pH cao). Phun hợp chất Fe-chelate (Fe-EDTA) có thể giải quyết vấn đề.
b. Ngăn ngừa hiện tượng thiếu dinh dưỡng: Khi phân bón xuống đất không phát huy được hiệu quả đối với một vài nguyên tố nào đó, thí dụ Mn trong vùng đất có độ pH cao, áp dụng PBQL (với Mn) có thể ngăn ngừa được hiện tượng thiếu Mn.
c. Thay thế hoặc bổ sung cho phương pháp bón phân qua rễ: Việc bón phân qua lá có thể phần nào thay thế phân bón qua rễ nhưng không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn được. BPQL giúp duy trì sự phát triển và mạnh khỏe của cây trồng và làm gia tăng chất lượng của nông sản vì có thể áp dụng đúng lúc và đúng nơi, hoàn toàn độc lập với các điều kiện về đất đai và nhất là khả năng tác động nhanh của nó.
Sự gia t
ăng năng suất ngoài mong đợi sau khi áp dụng BPQL là do sự liên hợp dẫn đến hậu qủa gia tăng sự hấp thu dinh dưỡng từ bộ rễ. Sự gia tăng này là do việc BPQL đã tạo nên sự cân bằng các chất dinh dưỡng bị thiếu mà đó lại là yếu tố giới hạn sự quang hợp và sự sản xuất sinh học (Baier và Baierova, 1999). Những nhà nghiên cứu này đã thử phun qua lá một lượng 2.69kg N/ha và 0.96kg Mg/ha trên cây bắp và thấy rằng khả năng hấp thu gia tăng theo thứ tự là 55 kg N/ha và 6Kg Mg/ha so với đối chứng.
d. Gia tăng khả năng chống chịu sự phá hoại của sâu bọ và bệnh hại: Điều này dễ hiểu vì một cây trồng khỏe mạnh thì ít mẫn cảm với các loài sâu  và các loại bịnh hơn.
Một công thức phân bón kết hợp giữa P và K (PK 50-30 và chất phụ gia)
đã được khám phá là có các tác dụng làm cho cây cứng cáp và khỏe mạnh hơn, giúp cho cây trồng tạo được khả năng chống lại sự phá hoại của loài nấm mốc sương trên cây bông hồng, cây cà tím và cà chua.
e. Gia tăng khả năng chống lại sự biến đổi bất thường của thời tiết (quá lạnh): BPQL có thể làm gia tăng sự tập trung các muối khoáng vào bên trong tế bào, làm hạ điểm đông của tế bào chất.

3) Qui trình kỹ thuật sử dụng PBL cho một số cây trồng chính.
3.1/ Trên cây lúa
:

3.1.1. Trường hợp bình thường:

- Cây lúa có những giai đoạn chính cần bổ sung các dinh dưỡng phù hợp như: Khi lúa đạt 7-10 ngày sau sạ (nss); Khi lúa đạt 18-22 nss; Khi lúa đạt 38-42 nss; Khi lúa trỗ hoàn toàn (65-70 nss).

- Trong giai đoạn lúa đạt 7-10 cần bón phân qua rễ để giúp cây lúa tăng nhanh phát triển sinh khối để tích lũy dinh dưỡng. Giai đoạn này do cây còn nhỏ, diện tích lá chưa đủ để áp dụng xịt PBL.

- Giai đoạn lúa đạt 18-22 ngày: Đây là giai đoạn lúa đẻ nhánh mạnh, cần xịt phân bón lá để  hỗ trợ lúa đẻ nhanh, đẻ mạnh và tập trung nhằm tăng tỷ lệ số bông hữu hiệu trên bụi lúa và trên ruộng lúa. PBL cho giai đoạn này cần có tỷ lệ NPK = 3:2:1 hay 3:1:1 (ví dụ: phân bón NPK (30-10-10), NPK (30-20-10).

- Giai đoạn lúa đạt 38-40 ngày: Đây là giai đoạn lúa chuyển qua từ pha sinh trưởng dinh dưỡng sang pha sinh trưởng sinh thực. Cây lúa có nhu cầu cao về nguyên tố dinh dưỡng P (phân chứa lân), nếu giai đoạn này thừa N sẽ ảnh hưởng đền quá trình hình thành đòng. Trong giai đoạn này cây lúa cũng cần được bổ sung thêm Zn và B để hỗ trơ việc phát triển đòng. Giai đoạn này sẽ quyết định số hạt trên bông (yếu tố cấu thành năng suất), vì vậy cần chú ý sử dụng phân bón lá cho lúa. Phân bón lá thích hợp cho lúa làm đòng là phân có tỷ lệ P chiếm hàm lượng cao (thường hàm lượng P > N gấp từ 3-6 lần, một số loại thích hợp như: NPK (10-60-10 +TE); NPK (6-30-30 + TE); NPK (10-30-10 + TE).

- Giai đoạn từ 55-60 ngày: Đây là gia đoạn trước khi lúa trỗ (nhóm ngắn ngay từ 90-105 ngày). Giai đoạn này cần quan sát màu sắc lá lúa (Chú ý trên lá đòng và 2 lá kế đòng- Lá công năng 1 và CN 2). Nếu lá màu vàng hoặc vàng nhạt hay (thiếu dinh dưỡng) hoặc lá có màu xanh tối (biểu hiện thừa N thiếu K) thì cũng rất cần sử dụng phân bón lá nhằm bổ sung dinh dưỡng giúp lúa trổ đồng loạt (chống nghẹt đòng, trỗ thoát đòng) và đủ dinh dưỡng nuôi hạt suốt giai đoạn lúa chín sữa và chín sáp (hạn chế hiện tượng hạt lúa bị lép và lửng làm giảm năng suất và phẩm chất hạt lúa).

Tóm lại: Với cây lúa cũng cần bổ sung dinh dưỡng qua lá (bón phân qua lá) ở 03 giai đoạn thiết yếu liên quan nhiều đến yếu tố cấu thành năng suất. Đó là: Giai đoạn 18-22 nss (quyết định số bông/m2); Giai đoạn 38-40 nss (quyết định số hạt/Bông) và giai đoạn 55-60 ngày (quyết định số hạt chắc/Bông và P.1000 hạt). 

3.1.1. Trường hợp đặc biệt cần lưu ý:

- Khi trời khô hạn, không có nước tưới có thể phun phân bón lá giúp cây trồng cầm cự (chờ mưa hay chờ bơm nước) cũng là giải pháp tình thế cần xử lý duy trì, bảo đảm sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng (phun xịt 5-7 ngày/lần).

- Khi bộ rễ bị hư (do ngộ độc phèn hay ngộ độc hữu cơ) cần thay nước, bón lân, phun phân bón lá giúp nuôi cây, chờ đợi 3-5 ngày sau rễ trắng moc ra thì việc cứu lúa đã thành công, tiếp tục chăm sóc bình thường.

- Khi nước mặn xâm nhập, nhất là vào giai đoạn lúa trổ (độ mặn chỉ cần >2%o), tuyệt đối không được bơm nước mặn vào ruộng sẽ làm hạt lúa hả họng (không khép vỏ trấu được) và thất thu năng suất >50%. Có thể sử dụng nước lợ này để phun xịt phân bón lá để cầm cự (giống như trường hợp chống hạn) vẫn cho thu hoạch tương đối khá.

 3.2. Kỹ thuật sử dụng phân bón lá cho cây Ngô (Bắp):

Cây Ngô sinh trưởng và phát triển rất mẫn cảm với phân bón, việc thiếu hay thừa một yếu tố dinh dưỡng nào đó đều được biểu hiện qua màu sắc và độ dày bộ lá. Ví dụ khi thiếu N thì lá xanh nhạt, vàng lá chân; khi thiếu P thì lá mỏng và có màu huyết dụ; khi thiếu K lá nhỏ, màu xanh tối, khô đầu và mép lá... Vì vậy, sử dụng bổ sung thêm phân bón lá cho bắp cũng là một khâu kỹ thuật làm gia tăng năng suất hạt bắp khi dinh dưỡng bị thiếu hụt. Sử dụng phân bón lá cũng theo từng giai đoạn và nhu cầu dinh dưỡng của cây ngô trong giai đoạn đó. Cây ngô được bổ sung phân bón lá (Bón thúc bằng phân bón lá) theo 3 giai đoạn:

+ Thúc lần 1 (8-10 ngày sau mọc):

Sử dụng phân bón lá có hàm lượng N cao như NPK (30-10-10 + TE). Để kích thích bộ rễ phát triển sử dụng thêm phân có chứa P cao và Acid humic như phân bón NPK (10-30-10) hay NPK (15-30-15+ TE); Super Humic. Chú ý:Theo hướng dẫn trên bao bì.         

+ Thúc lần 2 (20 ngày sau mọc):

Sử dụng phân có hàm lượng N cao như: NPK(30-10-10 + TE) và NPK (20-20-20).

+ Thúc lần 3 (45 ngày sau mọc):

Đây là giai đoạn cây chuẩn bị cho hình thành cờ và phun râu (hình thành hoa cái và hoa đực). Giai đoạn này cây ngô cần hàm lượng P, B và K cao. Sử dụng phân bón có tỷ lệ P>K>N và bổ sung vi lượng B để tăng thụ phấn. Cần sử dụng loại  phân bón lá: NPK (10-60-10+TE); NPK (6-30-30+TE) và Canxi-Bore hoặc Siêu Bore (giàu B). Sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì.

+ Thúc lần 4: (Sau khi ngô đã phun râu, trỗ cờ và thụ phấn xong)   

Giai đoạn này cần duy trì bộ lá ngô xanh bền, giảm thiểu hiện tượng vàng lá chân, chuyển màu lá, khô đầu và mép lá làm ảnh hưởng tới hiệu suất quang hợp sẽ ảnh hưởng tới độ chắc của bắp và trọng lượng của hạt làm tụt giảm năng suất. Giai đoạn này nhu cầu K>N> P nên sử dụng các loại phân bón lá như: NPK (14-7-21); NPK (12-0-40 + 3Ca); HK (7-6-44). Xịt thêm Rong Biển (Seed Weed) để cho bộ lá xanh bền hơn.

3.3. Trên cây Dứa (Khóm và Thơm):          

Tại Việt Nam dứa được trồng từ Bắc đến Nam, tổng diện tích trồng dứa cả nước hiện khoảng 40.000 ha tập trung khá nhiều ở các tỉnh miền Tây (chiếm tỷ lệ gần 90%) như: Kiên Giang, Tiền Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ, Long An… Khu vực phía Bắc có Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, khu vực duyên hải và vùng núi miền Trung có Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… Cây Dứa là một loại cây ăn trái có khả năng thích ứng được trên vùng đất phèn (trồng trên Líp, Luống). Tuy nhiên, để khai thác đất phèn có hiệu quả thì việc bố trí cây dứa trên các loại đất phèn có địa hình cao hoặc lên líp tỏ ra là một trong những cây trồng thích hợp và cho hiệu quả kinh tế. Ngoài các kỹ thuật canh tác như làm đất, lên líp, chọn giống, bảo vệ thực vật thì khâu kỹ thuật bón phân quyết định đến 40 % năng suất. Để nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón cho cây dứa thì việc áp dụng phân bón lá kết hợp với qui trình bón phân dưới gốc hợp lý cũng là một khâu kỹ thuật cần được quan tâm, ứng dụng. Đặc biệt, canh tác dứa trên nền đất phèn có sự biến động nhiều của các chỉ tiêu pH, P205, Ca, Mg, B, Al và Fe thì việc ứng dụng phân bón lá sẽ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng trái dứa thương phẩm.

Trước tiên, phải chú ý đến nhu cầu dinh dưỡng của cây dứa qua các thời kỳ sinh trưởng phát triển để từ đó bổ sung kịp thời bằng chế độ bón phân qua lá. Tham khảo nhu cầu dinh dưỡng qua bảng sau:

Lượng hấp thụ các chất dinh dưỡng của 100 cây qua các thời kỳ (g)

Tháng

Chồi nách

3 tháng

6 tháng

9 tháng

12 tháng

15 tháng

18 tháng

Nguyên tố

N

10

21

44

232

304

309

420

P2O5

7

14

32

132

199

187

350

K2O

18

45

133

564

1016

1300

1670

CaO

10

13

17

69

230

343

453

MgO

11

9

19

81

104

236

299

Alts

8

2

2

9

47

70

113

SiO2

84

133

310

1311

2731

3450

4576

Nguồn: Folldsmish và Boume

Qua bảng trên ta thấy, cây dứa kể từ tháng thứ 9 đến tháng 18 (giai đoạn cho trái hàng năm) đã có sự thay đổi về nhu câu dinh dưỡng khá lớn:

+ Nhu cầu của dinh dưỡng K > N > P205 và tăng dần theo các tháng. Tháng thứ 9 thì nhu cầu của K so với N là lớn gấp 2,4 lần và lớn hơn P205 gấp 4,3 lần. Sang đến tháng thứ 12 thì K > N = 3,3 lần; K > P205 = 5,1 lần. Cho đến tháng thứ 15 thì lượng tăng còn lớn hơn nữa, cụ thể K > N = 4,2 lần; K > P205 = 7,0 lần. Riêng yếu tố Ca0 thì tính từ tháng thứ 9 đến tháng thứ 18 tăng lên 6.5 lần. Mg0 tăng 3,7 lần và Si02 tăng 3,5 lần. Đặc biệt, cây dứa phát triển đến tháng thứ 18 thì nhu cầu Si02 là cao nhất so với các nguyên tố dinh dưỡng đa và trung lượng khác.

Dựa trên nhu cầu thực tế của cây dứa qua các tháng, cần sử dụng bổ sung thêm bằng con đường sử dụng phân bón lá nhằm đáp ứng kịp thời các nguyên tố dinh dưỡng theo đúng nhu cầu cho cây dứa. Cụ thể:

·        Giai đoạn cây dứa mới trồng được 9 tháng: Sử dụng phân bón lá có tỷ lệ N:P205:K20 = 2 : 1 : 4 + Si02.

·        Giai đoạn cây dứa được 12 tháng tuổi: sử dụng phân bón có tỷ lệ N:P205:K20 = 1,5 : 1,0 : 5,1 + Si02 + Ca + Mg.

·        Giai đoạn cây dứa được 15 tháng tuổi: sử dụng phân bón có tỷ lệ N:P205:K20 = 1,6 : 1,0 : 7,0 + Si02 + Ca + Mg.

·        Giai đoạn cây dứa được 18 tháng tuổi: sử dụng phân bón có tỷ lệ N:P205:K20 = 1,2 :1,0 : 4,8 + Si02 + Ca + Mg.

Cây dứa ở thời kỳ cho trái hàng năm thì cần sử dụng phân bón lá theo từng giai đoạn sinh lý. Cụ thể sẽ có những giai đoạn chính như sau:

·        Giai đoạn mới kết thúc thu hoạch xong: Rất cần bổ sung thêm dinh dưỡng để phục hồi thân lá dứa, phát triển thêm chồi thân mới để chuẩn bị cho lứa quả của năm tới. Giai đoạn này cần sử dụng phân bón lá có tỷ lệ N và P cao như: 30-10-10; 30-20-10 và một số chề phẩm có bổ sung hoạt chất Cytokinin (Rong biển) để kích thích chồi mới.

·        Giai đoạn kích thích ra hoa (Khi các chồi cây có từ 40 số lá trở lên): Sử dụng phân bón lá có hàm lượng P > K > N và bổ sung thêm B, Zn và Mg. Một số loại phân bón lá thích hợp cho giai đoạn này như: 10-60-10 +Te; 6-30-30 +Te; 0-40-40 +Te; Botrac. Fertibore.

·        Giai đoạn mới đậu trái: (trái còn nhỏ): Sử dụng phân bón có tỷ lệ N và Mg cao để giúp to trái nhanh và duy trì màu xanh của lá giúp tăng hiệu suất quang hợp. Những loại phân thích hợp cho giai đoan này như: 30-10-10 + Mg0; 20-15-5 +Mg.

·        Giai đoạn phát triển trái (vừa to vừa nặng trái): Sử dụng một số loại phân bón có tỷ lệ N và K cao như: 20-2-20 +Mg0; 12-12-17+ Te; 7-5-44+Te; 12-0-40+3Ca.

Chú ý: - Do cấu tạo của lá dứa có lớp Cutin khá dày, bóng lại đứng lá, do vậy khi sử dụng phân bón lá cần bổ sung thêm các chất bám dính và các hoạt chất làm tăng sức căng bề mặt như chế phẩm Citrus oil (Map Green 6SL). Khi phun xịt nên chú ý vào lúc trời mát (từ 7h-9h hoặc từ 16h-18h)

BBT.