Đang online: 11
Hôm nay: 340
Trong tuần: 1466
Trong tháng: 7925
Tổng truy cập: 659961

CẦN ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM VI SINH ĐỂ XỬ LÝ RƠM, GỐC RẠ VÀ PHỤ PHẨM HỮU CƠ

Thứ Sáu 30/12/2022 11:35
369

CẦN ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM VI SINH  ĐỂ XỬ LÝ RƠM, GỐC RẠ VÀ PHỤ PHẨM HỮU CƠ

Sản xuất lúa đóng vai trò rất quan trọng về an ninh lương thực, nhưng lại là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn nhất trong nông nghiệp làm sao để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, vừa giảm phát thải khí nhà kính là vấn đề lớn với ngành lúa gạo trong thời gian tới.

Theo Trần Sỹ Nam và ctv (2014), tỷ lệ rơm rạ/lúa trung bình trong vụ thu đông là 1,16, trong vụ đông xuân là 1,11. Như vậy, cứ thu hoạch 01 tấn lúa thì đồng thời cũng để lại đồng ruộng là 1,1 tấn rơm rạ cần phải có biện pháp xử lý. Nếu không có biện pháp xử lý rơm rạ thì rơm rạ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các biện pháp canh tác cũng như sinh trưởng phát triển của cây trồng vụ tiếp theo. Đây là nguyên nhân mà việc đốt rơm rạ, hoặc xả thải rơm rạ ra môi trường gây ô nhiễm là vấn đề bức xúc trong sản xuất lúa hiện nay. Đặc biệt các vùng ven đô thị Hà Nội và các thành phố khác, tình trạng dân đốt rơm rạ sau thu hoạch đã gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo số liệu nghiên cứu của FAO và Viện Nghiên cứu Môi trường Nông nghiệp cứ mỗi tấn rơm rạ khi đốt sẽ thải ra môi trường 3 kg tro bụi. Tỷ lệ rơm rạ đốt ngoài đồng trung bình ở Việt Nam khoảng 73%.

Hiện nay, tổng diện tích gieo cấy lúa của cả nước ước đạt 7 triêu ha/năm. Theo Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), trong 1 tấn rơm chứa 5-8 kg đạm, 1,2 kg lân, 20 kg kali, 40 kg silic và 400 kg carbon. Khi đốt 1 tấn rơm ngoài đồng, 400 kg carbon bay vào không khí, gần như toàn bộ lượng đạm có trong rơm rạ mất hết (53 kg N/ha, tương đương với hơn 100 kg phân Urê, khoảng 25% lân, 20% kali và 5- 6% lưu huỳnh). Chất silic còn lại nhưng do bị đun nóng nên cây lúa không sử dụng được. Trên đất sau khi đốt đồng, hàm lượng chất hữu cơ và khoảng 50% quần thể vi khuẩn giảm sau khi đốt đồng. Lượng dinh dưỡng có trong rơm tuy không nhiều, nhưng do khối lượng lớn nên thất thoát đáng kể.

Trong những năm gần đây, việc xử lý rơn rạ sau thu hoạch lúa vẫn là vấn đề nổi cộm cần giải quyết ở hầu hết các địa phương từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp thôn làng. Lãnh đạo địa phương các cấp đã co nhiều giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm do vấn đề xử lý rơm rạ sau thu hoạch, nhưng kết quả chưa khả quan.

Những nguyên nhân chính dẫn đến việc chỉ đạo xử lý rơm rạ chưa đạt yêu cầu là do: (i) Các giải pháp chưa mang lại hiệu quả rõ ràng; (ii) Các biện pháp gây tốn nhiều công lao động; (iii) Quy trình sử dụng còn phức tạp gây khó khăn trong công tác triển khai; (iv) Người nông dân chưa cảm nhận được lợi ích cụ thể từ các biện pháp.

Sử dụng chế phẩm vi sinh phần nào đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn sản xuất như: (i) Quy trình sử dụng rất đơn giản và không tốn công lao động đáng kể (chỉ rải ra ruộng trước khi cày vùi rơm rạ, hoặc trộn cùng phân bón lót, phân bón thúc sớm là có thể phân hủy được rơm rạ; (ii) Xử lý triệt để rơm rạ thành phân bón ngay tại ruộng giúp tiết kiệm phân bón hóa học; (iii) Có tính đối kháng nguồn bệnh hại cây trong đất; (iv) có khả năng hạn chế phần lớn cỏ dại mọc từ hạt.

Thành phần chính của chế phẩm vi sinh gồm: các chủng vi sinh vật có khả năng tồn tại và phát triển trong cả môi trường kị khí và háo khí.

Kết quả các mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ so với đối chứng đốt rơm rạ cho thấy việc sử dụng chế phẩm giảm được 2-4 lần phun thuốc BVTV mỗi vụ. Với diện tích có xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh có thể giảm từ 20-30% lượng phân bón cho vụ tiếp theo, năng suất lúa tăng 10-20%, hiệu quả kinh tế mang lại rất rõ ràng.

Trên cơ sở thực tiễn mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh và so sánh với đối chứng, có thể tiết kiệm phân bón và thuốc BVTV ở mức thấp nhất là mỗi ha tiết kiệm 100 kg phân bón NPK tổng hợp 2 kg thuốc BVTV. Kết quả lợi ích về mặt kinh tế mang lại từ việc sử dụng chế phẩm vi sinh là đáng kể.

Kết quả thực tiễn sử dụng trên diện rộng của các nơi đã sử dụng chế phẩm vi sinh đó là các vi sinh vật có khả năng phân giải nhanh chất hữu cơ, nên có thể làm cho hạt cỏ dại, hạt lúa rơi rớt lại, hạt lúa cỏ (lúa ma) bị thối trước khi nảy mầm. Do vậy, việc sử dụng chế phẩm vi sinh đúng quy trình có thể hạn chế đươc đáng kể sự gây hại của cỏ dại mọc từ hạt và đặc biệt là hạn chế được sự phát sinh gây hại của lúa cỏ (lúa ma).

Có thể khẳng định rằng, các chế phẩm sinh học nói chung đã và đang đáp ứng được những đòi hỏi của ngành nông nghiệp hiện nay mong rằng sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn vào sản xuất, tăng được hàm lượng hữu cơ cho đất, giảm thiểu được ô nhiễm không khí cho môi trường xanh, sạch.

Đỗ Thị Lý