Đang online: 5
Hôm nay: 308
Trong tuần: 308
Trong tháng: 2500
Tổng truy cập: 663836

QUY HOẠCH VÙNG TRỒNG THANH LONG TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

Thứ Năm 16/06/2016 09:21
312
     Thanh long là một loại cây trồng lợi thế của tỉnh, có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh nói chung, trong đời sống nông dân nói riêng. Với mục tiêu phát triển ngành hàng thanh long theo hướng tập trung, an toàn và bền vững, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ trồng thanh long, tập trung nâng cao chất lượng - năng suất - giá trị - sức cạnh tranh đối với diện tích thanh long hiện có; kiểm soát chặt chẽ việc phát triển trồng mới gắn với ứng dụng khoa học công nghệ để làm tăng năng suất, nâng cao giá trị; xây dựng các giải pháp chuỗi giá trị gắn với xúc tiến thương mại; chú trọng mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước; tăng cường công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cơ cấu kinh tế…

        Vì thế, ngày 03/6/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 1554/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch vùng trồng thanh long tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

        Theo Quyết định quy hoạch vùng, quy hoạch diện tích trồng thanh long của Bình Thuận đến năm 2020 là 28.000 ha, tăng 1.585 ha so với năm 2015, năng suất đạt 28 tấn/ha, sản lượng đạt 750 ngàn tấn; định hướng đến năm 2025 sẽ mở rộng lên 30.000 ha, tăng 3.585 ha so với năm 2015, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha, sản lượng đạt trên 843 ngàn tấn.

        Giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch, các huyện, thị xã tổ chức công bố công khai quy hoạch thanh long đến người dân để biết và thực hiện theo đúng quy hoạch; nội dung quy hoạch cây thanh long phải gắn với quy hoạch và thực hiện xây dựng nông thôn mới của xã; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, trồng cây ngắn ngày sang thanh long phải thực hiện theo Luật Đất đai; quản lý chặt chẽ diện tích, địa bàn phát triển thanh long theo quy hoạch. Xây dựng các chuỗi giá trị thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường; tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư góp phần tích cực hơn để thanh long phát triển bền vững. Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh hại trên cây thanh long, đặc biệt là bệnh đốm nâu trên thanh long, ruồi đục quả, rệp sáp; giữ gìn, bảo vệ và khai thác chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận để nâng cao uy tín cho sản phẩm; thực hiện các phương thức chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân nhằm sản xuất thanh long an toàn, chất lượng cao được thị trường chấp thuận. Thực hiện đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông chuyên về cây thanh long, các tổ trưởng tổ hợp tác, cán bộ hợp tác xã.

        Thanh long của Bình Thuận ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Bên cạnh quan tâm phục vụ, đẩy mạnh thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu thanh long của tỉnh đang được tiếp tục củng cố và mở rộng, tập trung chủ yếu vào các nước Châu Á, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, đồng thời quảng bá, thâm nhập, phát triển các thị trường nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU, ...

        Về cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Thông tư số 84/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP; Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15  tháng 10 năm 2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và Thông tư 03/2011/TTNHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg; Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

        Thanh long đã thực sự trở thành cây lợi thế, cây làm giàu của rất nhiều hộ nông dân Bình Thuận, vì vậy việc quy hoạch sẽ mang lại một sức sống mới cho cây thanh long phát triển bền vững, đem lại thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người nông dân.

NKD