Đang online: 6
Hôm nay: 293
Trong tuần: 2004
Trong tháng: 8463
Tổng truy cập: 660499

Công bố điểm dịch Viêm da nổi cục trên trâu bò tại thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình

Thứ Sáu 23/07/2021 15:38
607

Thời gian qua bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò do virus gây ra và lan truyền rất nhanh từ các tỉnh miền Bắc vào tỉnh ta. Một số địa phương xuất hiện bệnh như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân đã được cơ quan chức năng khoanh vùng và chủ động phòng chống; tuy nhiên, diễn biến lây lan hết sức nghiêm trọng. Ngày 14/7/2021 Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình đã có quyết định công bố dịch bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò tại địa bàn thị trấn Lương Sơn.

Theo Quyết định công bố dịch, vùng bị dịch uy hiếp trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch tại xã Sông Bình, Phan Thanh, Hồng Thái, Sông Lũy, Hòa Thắng. Vùng đệm trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch là xã Bình Tân.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình yêu cầu UBND thị trấn Lương Sơn thực hiện các biện pháp nhằm bao vây ổ dịch, thành lập các Tổ kiểm soát dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò, hướng dẫn việc đi lại, cấm người không có nhiệm vụ vào nơi có ổ dịch; cần chuẩn bị phương án cho các điểm tiêu hủy gia súc trong trường hợp bị chết nhiều. Tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm tiêu hủy gia súc, kịp thời đề xuất phương án xử lý các sự cố có thể xảy ra.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình yêu cầu trong thời gian có dịch, UBND các xã, thị trấn, các tổ chức, cá nhân liên quan phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y; đồng thời cập nhật nhanh các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành; chủ động phòng chống dịch.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch VDNC trên trâu bò, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận Khuyến cáo đến bà con một số biện pháp kỹ thuật chống dịch:

Phòng bệnh

          - Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò là loại bệnh do vi rus gây ra, do đó tiêm phòng vắc xin là biện pháp chủ động, hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Đối tượng tiêm: trâu, bò khỏe mạnh từ 04 tháng tuổi trở lên; loại vắc xin sử dụng: Lumpyvac.

          - Không mua trâu, bò mắc bệnh , nghi mắc bệnh viêm da nổi cục và từ vùng dịch viêm da nổi cục về nuôi. Tổ chức chăn nuôi trâu bò an toàn, không thả rông trâu bò theo đàn ăn chung; khi phát hiện trâu bò có triệu chứng mắc bệnh cần cách ly, báo ngay cho lực lượng thú y để xác minh, hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý, phòng chống dịch.

          - Tăng cường chăm sóc cho đàn trâu bò: thêm thức ăn tinh, thức ăn xanh, muối, khoáng, vitamin ... trong khẩu phần ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng; định kỳ tẩy giun sán, phòng trị ký sinh trùng đường máu, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm khác theo quy định.

          - Thực hiện tốt vệ sinh chuồng trại hàng ngày, định kỳ tiêu độc, khử trùng môi trường, dụng cụ chăn nuôi. Chủ động tiêu diệt các loại mầm bệnh và vật chủ trung gian truyền bệnh: sử dụng các loại hóa chất phun khử trùng như Iodine, Hanlusep,… các loại hóa chất diệt ruồi, muỗi, ve, mòng như Sakan – Deltarin, Hantox 200, Formaldes, Deltamethrin,… (Lưu ý đối với thuốc diệt ve mòng, ruồi, muỗi ... để đạt hiệu quả cao nên phun vào buổi chiều tối là thời gian chúng hoạt động mạnh nhất).

          - Đối với các hộ có trâu, bò bị bệnh, nghi bị bệnh: phun thuốc tiêu độc khử trùng hàng ngày, liên tục trong vòng 03 tuần.

Điều trị một số triệu chứng kế phát đối với trâu bò bị bệnh VDNC

          - Nguyên tắc chung: để tăng hiệu quả điều trị khi trâu, bò mắc bệnh VDNC cần phát hiện sớm, xử lý kịp thời; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức khỏe cho trâu bò; sử dụng kết hợp các loại thuốc tăng sức đề kháng, điều trị triệu chứng và các nguyên nhân nhiễm trùng kế phát.

          - Khi phát hiện trâu bò mắc bệnh: Sử dụng các loại thuốc trợ sức, trợ lực để tăng cường sức đề kháng cho trâu bò như Glucose, Lactate (tốt nhất truyền được qua đường tĩnh mạch), Vitamin A,D,E; B-Complex; Vitamin C,... để tiêm hoặc hòa vào nước cho uống hàng ngày.

          - Khi con vật có biểu hiện sốt cao (phát hiện qua cặp nhiệt độ, gương mũi khô, phân táo,...) sử dụng các loại thuốc hạ sốt như Anagin, Paracetamol...

          - Tiêu đờm, hỗ trợ gia súc dễ thở hơn, tăng cường hoạt động của cơ tim bằng các thuốc như Bromhexin hydroclorid, Cafein,...

          - Khi trâu, bò có hiện tượng viêm, sưng: Sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm có thành phần hoạt chất chính như Ketoject, Dexamethasole Natri phosphat 0,1%, Flunixin, ...

          - Sử dụng các loại thuốc kháng sinh chống bội nhiễm kế phát, nhiễm trùng (Nên sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng, thời gian tác dụng kéo dài) như: Amoxyline LA, Kanamycine, Maccavet, Zuprevo 18%, Oxytetraxycline...

          - Trường hợp phát hiện trâu bò có triệu chứng, biểu hiện mắc ký sinh trùng đường máu, sử dụng các loại thuốc như Ivermectin, Azidin, tryphazen… (lưu ý không tiêm cho gia súc đang mang thai; trước khi dùng thuốc 10-15 phút nên tiêm cafein hoặc long não để trợ tim, trợ sức).

          - Đối với các vết loét do bệnh VDNC: Rửa sạch các vết loét ở da, miệng, bầu vú, chân, bụng, … bằng các dung dịch như nước muối sinh lý, thuốc tím, cồn Iodine... sau đó có thể sử dụng các loại kháng sinh mỡ như Rivanol, Oxytetraxicline, Pen step…bôi vào vết loét.

          - Căn cứ vào các triệu chứng quan sát được như ho, khó thở, tiêu chảy, chướng hơi, ký sinh trùng đường máu để sử dụng các loại kháng sinh, thuốc an thần, cầm tiêu chảy, điều trị ký sinh trùng đường máu... theo thực tế.

                                                                                                                                                                             CB