Đang online: 10
Hôm nay: 201
Trong tuần: 2802
Trong tháng: 9261
Tổng truy cập: 661297

MÔ HÌNH VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG QUY TRÌNH NUÔI CHIM YẾN TẠI TỈNH BÌNH THUẬN

Thứ Năm 31/12/2020 19:23
767

Loài chim yến tổ trắng (Aerodramus fuciphagus) hiện được ghi nhận có 8 phân loài bao gồm: A. f. inexpectatus, A. f. amechanus, A. f. germani, A. f. vestitus, A. f. perplexus, A. f. fuciphagus, A. f. dammermani, A. f. micans phân bố ở Đông Nam Á và Australia (Dickinson, 2003). Việt Nam có hai phân loài chim yến tổ trắng gồm: Aerodramus fuciphagus germani (yến đảo) sinh sống và làm tổ ở các đảo ven biển, Aerodramus fuciphagus amechanus (yến nhà) sinh sống và làm tổ trong nhà ở đất liền (Hồ Thị Loan và cộng sự, 2015). Yến đảo có màu lông ở hông sáng rõ tách biệt với lưng, Yến nhà có màu lông ở hông gần đồng màu hoặc hơi sáng hơn màu lông ở lưng (Hồ Thị Loan và cộng sự, 2013).

Tại Việt Nam, chim yến tập trung chủ yếu tại các tỉnh vùng duyên hải toàn quốc từ Thanh Hóa đến Cà Mau. Ngoài ra, chim yến còn phân bố ở khu vực Tây Nguyên có địa hình cao trên 500m so với mặt nước biển như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai (Lê Hữu Hoàng và cộng sự, 2016). Theo Đỗ Văn Hoan (2018), tính đến tháng 8/2018 đã có 43/63 tỉnh, thành phát triển hình thức nuôi chim yến trong nhà. Việc nuôi chim yến trong nhà chủ yếu tạo môi trường sống nhân tạo như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… tương tự điều kiện tự nhiên nhằm thu hút chim yến sinh sống, làm tổ và sinh sản. Do vậy, người nuôi yến cần tính toán, thiết kế nhà yến đảm bảo môi trường vi mô phù hợp, dùng phương pháp dẫn dụ (âm thanh, mùi bầy đàn,…) để yến về làm tổ.

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ Việt Nam, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Nghề nuôi chim yến trong nhà xuất hiện tại tỉnh Bình Thuận từ năm 2007 và phát triển ngày càng mạnh về số lượng nhà nuôi chim yến, đặc biệt trong những năm gần đây.

Tỉnh Bình Thuận là địa phương phát triển mô hình nuôi chim yến rất mạnh nhờ lợi thế về tự nhiên và là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng đàn chim yến được nuôi với 523.000 con (Đỗ Văn Hoan, 2018).

Bảng 1. Tình hình nuôi chim yến tại tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2017-2019

TT

Nội dung

ĐVT

2017

2018

2019

1

Nhà xây kiên cố chuyên nuôi chim yến

 

+ Số lượng nhà

nhà

225

408

714

+ Số lượng chim yến

con

76.100

140.000

300.000

2

Nhà nuôi cơi nới trên nhà ở

 

+ Số lượng nhà

nhà

150

280

490

+ Số lượng chim yến

con

50.000

90.000

205.000

Tổng

 

 

 

 

 

+ Số lượng nhà

nhà

375

688

1204

 

+ Số lượng chim yến

con

126.100

230.000

505.000

(Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, 2019)

Theo kết quả khảo sát năm 2020 của nhóm nghiên cứu đề tài “Tìm hiểu thị trường thiết bị, giải pháp quan trắc và kiểm soát môi trường sử dụng trong nuôi chim yến và mô hình hóa quy trình nuôi chim yến ứng dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với tỉnh Bình Thuận”, các mô hình nhà nuôi chim yến tại tỉnh Bình Thuận chủ yếu gồm 2 loại hình chính là: nhà nuôi chim yến chuyên dụng và nhà nuôi chim yến kết hợp nhà ở. Nếu phân loại theo vật liệu xây dựng sẽ bao gồm 2 loại hình chính là nhà bằng bê tông kiên cố và nhà bằng vật liệu nhẹ.

Mô hình nhà nuôi chim yến chuyên dụng là những mô hình nhà nuôi chim yến chỉ phục vụ cho việc nuôi chim yến lấy tổ và là loại mô hình phổ biến nhất tại tỉnh Bình Thuận. Các mô hình nhà nuôi chim yến chuyên dụng thường có diện tích mặt bằng trên 100m2, cao từ 2 - 4 tầng, sử dụng gạch để xây vách. Một số mô hình sử dụng thêm tôn kẽm chịu nhiệt để che phủ bên ngoài lớp gạch. Chi phí xây dựng phần thô (nhà hoàn chỉnh, chưa có thiết bị, máy móc) khoảng 3 triệu đồng/m2 sàn. Bình Thuận là địa phương có nền nhiệt trung bình hàng năm trên 27oC nên thiết kế mô hình nhà yến thường có hệ thống đối lưu không khí bằng các lỗ thông gió, kết hợp hệ thống phun sương, hồ nước trong nhà,… để dễ dàng thoát nhiệt trong nhà yến. Theo Lê Hữu Hoàng và cộng sự (2016), nhà nuôi chim yến ở khu vực có nhiệt độ trung bình hàng năm cao hơn 27oC nên sử dụng vật liệu có hệ số dẫn nhiệt thấp, thiết kế hệ thống đối lưu không khí có tiết diện hút gió lớn để dễ dàng thoát nhiệt trong nhà yến, chiều cao dao động từ 3,6-4,5m, các kích thước dài rộng tối thiểu một căn phòng lớn hơn hoặc bằng 5x5m.

 

Hình 1. Mặt cắt mô hình nhà nuôi chim yến chuyên dụng

(Nguồn: Lê Hữu Hoàng và cộng sự, 2016)

Mô hình nhà nuôi chim yến kết hợp nhà ở là mô hình đầu tư nhà yến mang tính chất tiết kiệm chi phí đầu tư do tận dụng được các tầng trên của ngôi nhà ở có sẵn để cải tạo lại thành nhà nuôi chim yến. Trong quá trình khảo sát, mô hình nhà nuôi chim yến kết hợp nhà ở tại tỉnh Bình Thuận có hai cách hình thành như sau:

- Ban đầu yến tự vô nhà làm tổ, sau đó người dân chỉnh sửa tầng trên của nhà ở thành môi trường sinh sống cho chim yến;

- Người dân xây dựng nhà mới trong đó thiết kế kết hợp nhà ở phía dưới và tầng nuôi chim yến ở phía trên.

 

Hình 2. Mô phỏng nhà nuôi chim yến kết hợp nhà ở

(Nguồn: Lê Hữu Hoàng và cộng sự, 2016)

Mô hình nhà nuôi chim yến bằng bê tông cốt thép có móng, trụ, dầm, sàn bằng bê tông cốt thép. Tường xây bằng gạch có độ dày 20-30 cm với nhiều cách thiết kế khác nhau như: không có khoảng hở giữa 2 lớp gạch, có khoảng hở 5-10cm giữa 2 lớp gạch, chèn xốp cách nhiệt giữa 2 lớp gạch. Mô hình nhà nuôi chim yến bằng bê tông cốt thép có nhiều ưu điểm như: tuổi thọ công trình cao, chịu tác động của ngoại lực tốt, cách nhiệt tốt, cách âm tốt, chống cháy tốt, giữ ẩm và giữ mùi tốt. Tuy nhiên, giá thành công trình cao, xây dựng trên những vùng đất yếu gây tốn kém về phần móng do tải trọng bản thân lớn, khối lượng vận chuyển vật liệu nhiều, thi công chậm (Lê Hữu Hoàng và cộng sự, 2016).

Mô hình nhà nuôi chim yến bằng vật liệu nhẹ thường có thiết kế như sau: móng là bê tông cốt thép, trụ, dầm là thép hình chịu lực, sàn trải tấm prima hoặc tấm cemboard. Tường bao che chính có mặt ngoài bọc tôn, ở giữa chèn xốp cách nhiệt dày 10cm, mặt trong bọc tấm prima. Mái lợp tôn bên dưới có hệ thống trần bằng tấm prima và xốp cách nhiệt. Mô hình nhà nuôi chim yến bằng vật liệu nhẹ có nhiều ưu điểm như: giá thành công trình tương đối thấp so với công trình xây dựng bằng bê tông cốt thép, thích hợp xây dựng trên những vùng đất yếu, thi công nhanh. Tuy nhiên, tuổi thọ công trình không cao bằng công trình xây dựng bằng bê tông cốt thép, chịu tác động của ngoại lực kém hơn, tường dễ phát tiếng ồn, giữ ẩm và giữ mùi kém hơn. Tỉnh Bình Thuận có nhiệt độ không khí trung bình hàng năm cao nên mô hình nuôi chim yến bằng vật liệu nhẹ không phổ biến so với mô hình bằng bê tông cốt thép.

Để mang lại hiệu quả cho các mô hình nhà nuôi chim yến, ngoài các hệ thống của thiết kế nhà như: hệ thống thông gió, hệ thống thanh gỗ làm giá, vách ngăn,… thì việc quản lý lý, vận hành các thiết bị, công nghệ trong nhà yến đóng vai trò rất quan trọng.

Quá trình vận hành nhà yến bao gồm các công việc kiểm tra, theo dõi, điều chỉnh các thông số kỹ thuật quan trọng (nhiệt độ, độ ẩm, âm thanh,…) đảm bảo trong biên độ lý tưởng, giảm tối thiểu biến động theo thời gian và môi trường tác động. Theo Lê Hữu Hoàng và cộng sự (2016), điều kiện trong nhà yến phù hợp cho chim yến sinh sống là: nhiệt độ không khí nằm trong phạm vi 27-31oC; độ ẩm không khí từ 70-85%; ánh sáng thấp hơn 0,2 lux.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 3 quy trình vận hành nhà nuôi chim yến đang được áp dụng tại tỉnh Bình Thuận gồm: bán tự động, tự động và ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật Internet of Things (IoT).

Quy trình vận hành nhà nuôi chim yến bán tự động thường bao gồm các hệ thống cơ bản của một mô hình gồm: hệ thống kiểm soát nhiệt độ - độ ẩm, hệ thống âm thanh và thiết bị hẹn giờ hoạt động (timer). Hệ thống kiểm soát nhiệt độ - độ ẩm theo quy trình này chỉ bao gồm các máy tạo ẩm hoạt động theo thời gian cài đặt, không có các đầu dò cảm biến (sensors). Thời gian hoạt động của máy tạo ẩm được cài đặt thông qua thiết bị hẹn giờ và tùy thuộc vào kinh nghiệm cá nhân của mỗi hộ dân.

Quy trình vận hành tự động sử dụng các đầu dò cảm biến kết nối với hệ thống điều khiện chế độ hoạt động của các thiết bị bên trong nhà nuôi chim yến như máy tạo ẩm, loa, amply,… Trong đó, máy tạo ẩm sẽ nhận tín hiệu từ các đầu dò cảm biến nhiệt độ, độ ẩm và hoạt động để giữ nhiệt độ, độ ẩm không khí trong khoảng cài đặt.

Quy trình vận hành ứng dụng công nghệ IoT hoạt động tương tự quy trình vận hành tự động kết hợp thêm khả năng kết nối, quản lý thiết bị từ xa qua ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc máy tính. Quy trình cũng sử dụng các đầu dò cảm biến kết nối với hệ thống điều khiện chế độ hoạt động của các thiết bị bên trong nhà nuôi chim yến như máy tạo ẩm, loa, amply,… Quá trình hoạt động, vận hành thiết bị có thể được theo dõi, điều chỉnh thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính có kết nối internet.

Với các loại mô hình nhà yến trên tại tỉnh Bình Thuận, các cơ sở nuôi chim yến nên áp dụng quy trình vận hành tự động và dần ứng dụng công nghệ IoT để thuận tiện trong việc theo dõi, quản lý, nâng cao hiệu quả của mô hình vì những ưu điểm vượt trội của các quy trình này như:

- Thuận tiện, dễ dàng quản lý, theo dõi, vận hành các thiết bị trong nhà nuôi chim yến. Chủ nhà, kỹ thuật viên có thể theo dõi hoặc cài đặt thiết bị trong nhà yến từ xa mà không cần trực tiếp đến tận nơi;

- Các thông số nhiệt độ, độ ẩm bên trong nhà yến luôn được duy trì ổn định, trong khoảng phù hợp, không phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân, không ảnh hưởng bởi sự thay đổi thời tiết;

- Thiết bị hoạt động hiệu quả hơn, giảm chi phí điện, nước,…;

- Chất lượng tổ yến được nâng cao nhờ kiểm soát tốt điều kiện nhiệt độ, độ ẩm bên trong nhà yến.

Nghề nuôi chim yến trong nhà đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều người dân xây dựng thành công mô hình. Tuy nhiên, để mô hình nuôi chim yến thành công thì các chủ cơ sở nuôi chim yến, kỹ thuật viên cần hiểu rõ các hệ thống, thiết bị, kỹ thuật bên trong nhà yến để dẫn dụ chim yến về sinh sống và phát triển. Việc ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp các mô hình quản lý và vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn, từ đó giúp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại tỉnh Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Dickinson E. C. (2003). The Howard & Moore Complete Checklist of the Birds of the world, 3rd edition. Princeton University Press, Princeton, New Jersey: 1056 pages.

2.   Đỗ Văn Hoan (2018). Thực trạng quản lý và tình hình phát triển nuôi chim yến tại Việt Nam. Bản tin chuyên đề nông nghiệp và phát triển nông thôn, số 03-2018: 32 trang.

3.   Hồ Thị Loan, Đặng Tất Thế, Nguyễn Giang Sơn, Nguyễn Lân Hùng Sơn (2013). Đa hình gen Melanocortin-1 Recepter (MC1R) ở chim yến hàng (Aerodramus fuciphagus Thunberg, 1812). Hội nghị khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 5: 132-134.

4.   Hồ Thị Loan, Đặng Tất Thế, Nguyễn Giang Sơn, Nguyễn Lân Hùng Sơn (2015). Mối quan hệ di truyền của một số quần thể chim yến sống ngoài đảo và trong đất liền tại Việt Nam. Tạp chí Sinh học, 37(2): 228-235.

5.   Lê Hữu Hoàng, Lương Công Bình, Võ Văn Cam, Lê Văn Tiến, Nguyễn Xuân Viễn, Lê Hải Đăng, Trần Văn Tâm, Nguyễn Anh Vũ, Phạm Ngọc Toàn, Tôn Nữ Ngọc Châu, Vũ Thị Phương, Nguyễn Bá Tùng (2016). Kỹ thuật xây dựng nhà yến. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội: 124 trang.

6.   Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2019). Công văn số 2972/SNN-CCCNTY ngày 26/9/2019 về việc báo cáo tình hình chăn nuôi chim yến của địa phương: 03 trang.

Nhóm tác giả:

 TS. Nguyễn Duy Tài

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc

 TS. Trần Tình

Trường Đại học Phan Thiết

 ThS. Giang Sỹ Chung

Trường Đại học Phan Thiết

 ThS. Đào Duy Minh

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế

 ThS. Nguyễn Thanh Phong

Học viện Nông nghiệp Việt Nam