Đang online: 18
Hôm nay: 293
Trong tuần: 1122
Trong tháng: 1122
Tổng truy cập: 662458

Nguyên nhân và cách phòng trị ngộ độc hữu cơ trên lúa

Thứ Năm 28/12/2023 15:57
37
Hiện nay nông dân trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc đang chuẩn bị bước vào gieo sạ lúa Đông Xuân 2023. Do giá lúa tăng cao nên khâu cày ải, phơi đất bà con không chú trọng mà bỏ qua, rơm rạ, lúa chết trên ruộng còn nhiều, khả năng xảy ra ngộ độc hữu cơ là rất cao. Rơm rạ tươi phân hủy trong điều kiện ngập nước, yếm khí sản sinh ra Acid hữu cơ gây ra ngộ độc cho rễ lúa. Rễ lúa bị ngộ độc hữu cơ bị đen, thối làm giảm khả năng hấp thu dưỡng chất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, dẫn đến mất năng suất.

Ngộ độc hữu cơ cũng thường xảy ra khi cây được bón nhiều loại phân hữu cơ chưa hoai mục, đất không được phơi ải, đất có thành phần cơ giới nặng, đất còn lẫn rơm rạ, đất thường xuyên bị ngập nước.

Để hạn chế lúa bị ngộ độc hữu cơ khuyến cáo bà con áp dụng những biện pháp sau đây:

Để phòng trị lúa bị ngộ độc hữu cơ, người dân trồng lúa có thể áp dụng các biện pháp: “Né tránh”, “Ngăn ngừa”, “Hóa giải”,  và “Cường lực”.

- Né tránh: Đây là cách làm khôn ngoan nhất, ít tốn kém mà lúa được an toàn. Biện pháp “ né tránh” ngộ độc hữu cơ cho lúa được thực hiện bằng cách trục nhận gốc rạ sau khi thu hoạch lúa Hè thu xong, để cho rơm rạ phân hủy ít nhất 3 tuần mới bắt đầu làm đất xuống giống vụ Đông xuân. Ngoài việc né tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa, việc chôn vùi rơm rạ còn hoàn trả lại dinh dưỡng cho đất. Tuy nhiên, để áp dụng được biện pháp này, đất canh tác phải có thời gian trống khoảng 1 tháng.

- Ngăn ngừa: Biện pháp này có tốn kém nhiều hơn, nhưng lại rất an toàn cho lúa. Biện pháp “ngăn ngừa” việc sinh ra độc hữu cơ được thực hiện bằng cách thu dọn toàn bộ rơm, gốc rạ, rong, cỏ trong ruộng lúa trước khi làm đất. Xác bả thực vật này được gom về ủ với nấm Trichoderma làm phân hữu cơ để bón trả lại cho đất.

- Hóa giải: Trong trường hợp không thể áp dụng được 2 biện pháp trên mà phải trục vùi rơm rạ vào đất rồi xuống giống ngay thì phải áp dụng biện pháp “hóa giải” độc chất hữu cơ. Biện pháp này được thực hiện bằng cách chủ động rút nước 2 lần: Khi cây lúa được 15 ngày và 30 ngày sau khi sạ để loại bỏ độc chất. Để rút nước được nhanh nên làm nhiều rãnh thoát nước trong ruộng lúa ngay sau khi làm đất. Khi rút nước, cần phải để cho đất nứt mặt để cho độc chất hữu cơ bay ra khỏi đất (độc chất hữu cơ hầu hết ở thể khí như khí H2S, C2H4, CH4, …).

- Cường lực: Biện pháp “cường lực” cho cây lúa là giúp cho lúa chống chịu tốt trong điều kiện bị ngộ độc hữu cơ. Cường lực cho cây lúa được thực hiện bằng cách bón vôi để cung cấp chất Can-xi cho lúa, rễ lúa có đủ Can-xi sẽ ít bị ngộ độc hữu cơ, vôi nên bón lúc làm đất với liều lượng khoảng 300 kg/ha. Chất silic cũng giúp cây lúa nở rộng đường vận chuyển oxy từ lá xuống rễ, giúp rễ nhận được nhiều oxy hơn để oxit hóa các độc chất hữu cơ trong đất, bón 100 kg/ha Super silic vào lúc làm đất. Bón phân lân liều cao (gấp đôi liều lượng bình thường) cũng giúp cho rễ lúa phát triển mạnh, chịu đựng tốt ngộ độc hữu cơ. Ngoài ra, xử lý hạt giống với những “chất kích hoạt rễ” lúc ủ giống cũng giúp cho rễ lúa chống chịu tốt hơn trong môi trường đất có độc chất hữu cơ.

Đỗ Thị Lý (tổng hợp)