Thực hiện Quyết định số 1273/QĐ-UBND ngày 01/07/2024 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt Chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Căn cứ Quyết định số 272/QĐ-SNN ngày 08/07/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận về việc phê duyệt dự toán chi tiết thực hiện Triển khai chứng nhận thanh long VietGAP năm 2024; Căn cứ kết quả thực hiện Chương trình sản xuất thanh long theo VietGAP tại các xã, phường, thị trấn. Theo đó, mục tiêu của Chương trình là nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long Bình Thuận, bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ cho yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; phấn đấu trong năm 2024, toàn tỉnh có 10.500 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Đối tượng để thực hiện Chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP là các Tổ hợp tác, Nhóm liên kết trồng thanh long; các doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh.
Tháng 09 năm 2024, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức tập huấn 19 lớp/ 734 người cho nông dân trên các địa bàn trong tỉnh với nội dung “Tập huấn cho lao động nông thôn tham gia thực hiện quy trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng ghi chép nhật ký điện tử”. Trong quá trình tổ chức lớp tập huấn, tại một số địa phương người nông dân tiếp thu được kiến thức về VietGAP và thực hành được ghi chép nhật ký điện tử; tuy nhiên vẫn còn một số bà con tham gia ở khung tuổi lớn, chưa nắm bắt kịp về công nghệ nên khả năng tiếp thu kiến thức còn thấp.
Trong tháng, Trung tâm đã tiến hành làm việc với ba huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Bắc Bình. Qua các buổi làm việc cho thấy, diện tích thanh long trên địa bàn cả ba huyện đang giảm, một số địa bàn còn diện tích thanh long duy trì nhưng người dân không tái sản xuất dẫn đến khó khăn trong việc vận động để triển khai Chương trình nhất là ở huyện Hàm Tân, huyện Bắc Bình. Để thực hiện chương trình VietGAP năm 2024, huyện Hàm Thuận Bắc sẽ chỉ thực hiện 100ha/650ha so với chỉ tiêu được giao; đối với 2 huyện còn lại vẫn tiếp tục rà soát, định hướng, vận động bà con tích cực thực hiện chương trình VietGAP trên thanh long.
Công tác chứng nhận VietGAP, trong tháng 9, Trung tâm Khuyến nông đã đánh giá chứng nhận 3 cơ sở ở huyện Hàm Thuận Nam và Bắc Bình với diện tích là 68,12ha. Trong đó, có 66,6 ha cấp mới; 1,51 ha tái cấp, nhưng chưa thể cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở trên vì đều có các lỗi không phù hợp và chờ kết quả phân tích mẫu. Tiếp nhận thêm 2 hồ sơ đăng ký tái cấp chứng nhận VietGAP ở huyện Hàm Thuận Nam với diện tích là 119,97 ha. Công tác đánh giá giám sát duy trì chứng nhận Trong tháng Trung tâm đã thực hiện giám sát 23 cơ sở/857,06 ha; trong đó có 1 cơ sở giải thể (22,7 Ha) do nông dân phá bỏ vườn. Tính đến nay, đã giám sát được 129 cơ sở/4.159,83 ha và tổng số diện tích phá bỏ 52,413 ha.
Lũy kế diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của toàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2024 (tính đến 25/09/2024) là 8.481,568 ha/10.500 ha (đạt 88,77% so với kế hoạch).
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ VietGAP trên địa bàn tỉnh nhận được sự phối hợp rất tốt của cán bộ kỹ thuật khuyến Nông với Ban chỉ đạo, tổ tư vấn địa phương. Cán bộ tổ tư vấn đã nắm khá vững các yêu cầu của VietGAP trên thanh long nên công tác hỗ trợ gặp rất nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, cũng còn một số khó khăn, nhất là chưa chủ động thực hiện tại một số nơi. Việc áp dụng ghi chép nhật kí điện tử trong theo dõi sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức nông dân về chuyển đổi số còn hạn chế, phần lớn các thành viên nhóm ở địa phương là người lớn tuổi, người dân khi được hướng dẫn sử dụng còn hời hợt, không tập trung hoặc không mang theo điện thoại nên khó khăn trong việc áp dụng.
Theo Kế hoạch trong tháng 10 năm 2024 Trung tâm Khuyến nông sẽ thực hiện một số nội dung: Xây dựng kế hoạch đánh giá giám sát đối với các cơ sở còn hạn chứng nhận VietGAP theo quy định của tổ chức chứng nhận. Đánh giá chứng nhận VietGAP cho các cơ sở đăng kí chứng nhận. Hỗ trợ công tác chuyển đổi số và hồ sơ đăng kí chứng nhận VietGAP cho các cán bộ địa phương. Trong tháng 10, có 9 cơ sở đến hạn tái cấp chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 159 ha, nếu cơ sở không nộp đơn đăng ký, Trung tâm sẽ xóa bỏ diện tích chứng nhận.
Báo cáo tình hình sản xuất thanh long VietGAP tháng 9/2024 nêu rõ, Trung tâm Khuyến nông đề nghị Ban chỉ đạo, tổ tư vấn các huyện tập trung đẩy mạnh hướng dẫn cho các tổ nhóm tại địa phương và gửi đơn đăng kí về Trung tâm Khuyến nông. Riêng Ban chỉ đạo, tổ tư vấn các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Hàm Tân cần rà soát lại diện tích thanh long hiện có, còn đang sản xuất và bỏ không chăm sóc trên địa bàn từng huyện để làm tiền đề cho việc giao chỉ tiêu thanh long VietGAP cho những năm tiếp theo.
QT