Đang online: 17
Hôm nay: 277
Trong tuần: 1106
Trong tháng: 1106
Tổng truy cập: 662442

Sở Nông nghiệp và PTNT: Tăng cường công tác phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long

Thứ Tư 29/08/2018 09:53
728

Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn số 2454/SNN-VP gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở V/v tăng cường công tác phòng chống bệnh đốm nâu trên thanh long.


Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay mặc dù diện tích nhiễm và mức độ nhiễm bệnh đốm nâu trên thanh long có giảm so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, diễn biến bệnh theo chiều hướng tăng dần, cụ thể: trong tháng 5 diện trong tháng 5 diện tích nhiễm 269 ha, đến tháng 7 diện tích nhiễm tăng đột biến lên 1.927 ha; dự báo trong thời gian tới bệnh đốm nâu sẽ tiếp tục gia tăng và gây hại trên diện rộng.

Trước tình hình trên, để ngăn chặn bệnh bùng phát, lây lan và hạn chế thiệt hại cho người trồng thanh long, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp quản lý bệnh đốm nâu theo Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu trên cây thanh long do cục Bảo vệ thực vật ban hành ngày 28/6/2016 và Quy trình xử lý cành, quả thanh long bị bệnh của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam để người dân hiểu rõ, tự giác vệ sinh vườn thanh long, không vứt cành, trái thanh long bệnh bừa bãi nơi công cộng (kênh, mương, sông suối, bờ ranh, vườn…) làm phát tán, lây lan bệnh.

- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá diễn biến tình hình của bệnh đốm nâu, khoanh vùng và áp dụng các biện pháp để khống chế, tiêu hủy mầm bệnh đối với diện tích thanh long bị nhiễm nặng, không để lây lan. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương thông tin kịp thời diễn biến bệnh và các biện pháp phòng trừ đến người dân.

2. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

- Lồng ghép vào các cuộc hội thảo của các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp tổng hợp phòng trừ bệnh đốm nâu; tiếp tục nhân rộng mô hình cắt tỉa cành thanh long bị bênh, cành già, xử lý ủ cành bằng chế phẩm sinh học BIO-ADB, bằng vôi bột để tiêu diệt bào tử nấm bệnh.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tin đại chúng trong công tác điều tra dự báo diễn biến của bệnh gây hại trên thanh long ở những khu vực bị nhiễm nặng để có biện pháp phòng trừ, tiêu hủy mầm bệnh kịp thời.

3. Trung tâm Nghiên cứu phát triển thanh long

Kết hợp, lồng ghép việc kiểm tra, đánh giá cấp Giấy chứng nhận VietGap, các buổi tập huấn sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGap với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các biện pháp phòng chống bệnh đốm nâu trên thanh long.

4. Trung tâm Khuyến nông

Lồng ghép với việc triển khai các mô hình khuyến nông để phổ biến, hướng dẫn quy trình phòng chống bệnh đốm nâu; kết quả các mô hình phòng chống bệnh, các phương pháp ủ cành thanh long truyền thống và sử dụng chế phẩm vi sinh cho bà con nông dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về Sở theo thời gian quy định./.

Thủy Tiên