Việc khai thác nguồn lợi thủy sản ở vùng bãi ngang ở huyện Hàm Thuận Nam có nhiều bất cập, làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nên việc khai thác kém hiệu quả. Để tạo điều kiện phát triển dân sinh kinh tế vùng bãi ngang cho ngư dân và góp phần xây dựng nghề khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng. Cùng đề xuất các giải pháp bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản cũng như xây dựng mô hình dự án khuyến ngư phù hợp trên các xã bãi ngang Thuận Quí, Tân Thành, Tân Thuận. Trung tâm khuyến nông, Trung tâm phát triển nghề cá vịnh Bắc bộ, Viện Hải dương học phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT Hàm Thuận Nam, chính quyền cơ sở và hội cộng đồng ngư dân các xã trên hội thảo chuyên đề: xây dựng mô hình khuyến ngư trên vùng biển trao quyền đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn của Hội cộng đồng ngư dân.
Theo kết quả đánh giá khảo sát tiềm năng phát triển nuôi biển ở vùng biển Hàm Thuận Nam. Khảo sát về môi trường biển tự nhiên của vùng bãi ngang: chất lượng nước nuôi tốt, nhiệt độ đáy 25oC, độ mặn của nước biển từ 26 – 32 0/00 tùy theo mùa trong năm. Các chất trầm như: thủy ngân, cadmi, chì, đồng, kẽm … dưới ngưỡng chuẩn cho phép. Mực nước sâu 10 m trở lại, chất đáy giàu thực vật phù du phù hợp nuôi sò lông, hàu. Mực nước sâu trên 10 m phù hợp nuôi Vẹm xanh, tôm. Tốc độ gió, độ cao sóng, bão …ít ảnh hưởng đến nuôi biển nơi đây. Nền đáy phẳng, chất đáy nhiều thực vật phù du phù hợp với nuôi loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Khảo sát môi trường xã hội: lực lượng lao động ở độ tuổi 40 – 55 tuổi, nguồn vốn đầu tư hạn chế, muốn phát triển làm giàu thêm nguồn lợi thủy sản, muốn phát triển nuôi biển với các đối tượng nuôi phù hợp có lợi thế ở vùng bãi ngang.
Đảm bảo tính bền vững của việc phát triển nuôi biển. Đó là sự tham gia của các bên liên quan để vận hành như: hỗ trợ vốn nhà đầu tư, quy hoạch khu vực nuôi để xây dựng hành lang pháp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng về môi trường, chủ trương chính sách thể chế chính quyền và trong đó không thể thiếu sự đồng thuận cao của Hội cộng đồng ngư dân.
Về Mô hình nuôi phù hợp với vùng bãi ngang Thuận Quí, Tân Thành, Tân Thuận:
Nuôi sò lông: phù hợp nền đáy phẳng, chất đáy nhiều thực vật phù du. Chỉ đầu tư con giống là chính, phù hợp với sự quản lý và kỹ thuật thấp. Thả giống khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 trong năm, quản lý sau 8 tháng nuôi là thu hoạch được.
Nuôi Vẹm xanh: đầu tư lớn về giàn treo, cắm cọc để bám vào. Phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực đã khảo sát. Con giống được thu từ ngoài tự nhiên.
Nuôi hàu Thái Bình Dương (nuôi lồng): Giống nhân tạo là chính, thả nuôi 9 – 10 tháng thu hoạch được. Chăm sóc, thức ăn tương đối dễ tìm. Mùa gió bão không ảnh hưởng đến năng suất. Mô hình quản lý dựa vào công nghệ phối hợp nhịp nhàng với lưu trữ dữ liệu trong quá trình nuôi. Vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng tương đối lớn.
Với các cơ quan quản lý: diện tích 43 km2, phải xây dựng được mô hình tiên phong với sự tham gia của các chuyên gia. Tạo nên vùng biển khác với các nơi khác. Bảo vệ duy trì, tái tạo thu hút nguồn lợi tự nhiên kết hợp với nuôi đáy. Và sự tham gia của Hội cộng đồng ngư dân tích cực để phát huy tiềm năng nuôi sản vật biển ở đáy là một nghề. Từ đó tích hợp các ngành kinh tế biển khác khai thác hết tiềm năng lợi thế của vùng biển tại địa phương.
Hội cộng đồng ngư dân các xã: Thuận Quí, Tân Thành, Tân Thuận đã nhận thức rõ ràng các phân tích của nhà khoa học, nhà quản lý đã tự tin, mạnh dạn lựa chọn mô hình nuôi đáy với các đối tượng nuôi phù hợp với lợi thế khu vực của cộng đồng.
Được biết, trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ xây dựng mô hình nuôi vẹm xanh có sử dụng giá thể trong vùng đồng quản lý./.
Khánh Vương