SẼ KHÔNG ĐƯA THANH LONG LÊN CÁC CỬA KHẨU PHÍA BẮC
Nguồn tin từ Chính phủ sau cuộc họp chủ trì của Phó thủ tướng Lê Văn Thành cùng các cấp ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn do ùn ứ hàng hóa xuất khẩu đi Trung Quốc tại các cửa khẩu phía Bắc cho biết, sẽ sớm có thông báo từ UBND các tỉnh nơi có cửa khẩu về việc không đưa hàng hóa đi Trung Quốc trong thời gian này, vì tình hình thông quan là không khả thi.
Sẽ thông báo không đưa thanh long lên cửa khẩu
Trước đó, chiều ngày 26/12/2021 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng sau khi thông qua báo cáo của các tỉnh, đặc biệt là kiến nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, nơi có hơn 90% lượng hàng hóa đi Trung Quốc: “Bây giờ nếu mỗi ngày chúng ta thông quan được 88 xe thì với lượng hạng hóa đang tồn hiện nay với điều kiện không tiếp tục đưa hàng lên nữa thì phải mất 60 ngày nữa mới giải quyết được hết hàng hóa tồn đọng. Như vậy sẽ không thể đáp ứng được bởi phía bạn thông báo trước Tết Nguyên đán 14 ngày sẽ không cho xuất các hàng hóa nông sản bảo quản lạnh. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khuyến cáo các doanh nghiệp, thương nhân điều tiết hàng lên cửa khẩu, tránh ùn ứ” (Theo VOV).
Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo các tỉnh không cho doanh nghiệp đưa hàng hóa lên các cửa khẩu.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành có một số chỉ đạo, có thể diễn giải như sau:
+ Thứ nhất, Bộ Ngoại giao và các bộ liên quan làm việc với phía Trung Quốc để tạo điều kiện và phối hợp tốt hơn với phía ta để thông quan được nhiều hơn, để giảm nhanh số hàng hóa đang ùn ứ tại các cửa khẩu.
+ Thứ hai, Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh mà có cửa khẩu nhưng bị ùn ứ mức độ lớn, thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng là ngày hôm đấy đến ngày bao nhiêu không cho xe về cửa khẩu. Thông báo rộng rãi cho 63 tỉnh thành để các tỉnh biết được việc này. Mức độ bao nhiêu do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, thông báo bao nhiêu ngày.
+ Thứ ba, Bộ Y tế, Hải Quan phối hợp với UBND các cấp bàn bạc, có phương án tạo ra các vùng xanh ở khu vực cửa khẩu giúp cho việc thông lưu thông hàng hóa tốt hơn.
+ Thứ tư, các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng cần tích cực thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ trong nước, khai thác triệt để các dư địa của thị trường nội địa rộng lớn với gần 100 triệu dân.
Giá cả trong nước rẻ mạt
Theo ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, các doanh nghiệp sẽ thiệt hại khoảng 30% giá trị thương phẩm vì quyết định tạm dừng nhập khẩu của Trung Quốc; để phần nào bớt lỗ, số hàng hoá này sẽ được bán tháo (không đóng bao bì) tại Hà Nội với giá khoảng 2.500 đồng mỗi kg, tức chỉ bằng 10% của giá trị ban đầu của hàng hoá tính cả bao bì.
Mặc dù tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục thúc đẩy hội đàm, đàm phán với chính quyền phía bạn để tháo gỡ. Tuy nhiên tới 29/12, lượng xe tồn tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma của Lạng Sơn là 3.838 xe, chỉ giảm 154 xe so với một ngày trước đó.
Thực tế cho thấy, thời gian để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp khi tìm đường tiêu thụ cho số thanh long này trong nước không nhiều, bởi một quả thanh long từ lúc đóng thùng, vận chuyển, đến tay người tiêu dùng chỉ duy trì được độ tươi ngon trong 1 tháng, trong khi trước đó, hàng hoá đã mất cả tuần để lên đến cửa khẩu, và thời gian nằm dài để chờ đợi thông quan. Việc bán tống bán tháo để “gỡ gạc” cũng chỉ thu lại ở mức giá rẻ mạt./.
Thanh long kỳ thu hoạch hiện rất nhiều tại Bình Thuận: Ảnh Công Bá
CB.