Đang online: 31
Hôm nay: 311
Trong tuần: 5559
Trong tháng: 133587
Tổng truy cập: 10300554

TẬP HUẤN CANH TÁC LÚA GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH

Thứ Năm 19/09/2024 15:21
199

Bình Thuận có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 356.829 ha, với các cây trồng chính: lúa (42 nghìn ha), Thanh Long (25 nghìn ha), Cao su (40 nghìn ha), Điều (17 nghìn ha) và diện tích còn lại là các cây trồng khác như: Sầu Riêng, Xoài, Chuối, Mít …. Cùng với 79 hệ thống công trình thủy lợi phục vụ với tổng năng lực tưới thiết kế khoảng 73 nghìn ha cho việc tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Là một tỉnh có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, trong các tỉnh ở duyên hải cực Nam Trung bộ. Và nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế  của tỉnh. Nhu yếu phẩm (lương thực, thực phẩm) được sử dụng hằng ngày là lúa gạo nhưng canh tác lúa là một trong những nguyên nhân gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Do đó, canh tác lúa theo hướng hữu cơ bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa là hướng đi mới trong nông nghiệp. Vừa giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường sinh thái đồng thời cũng tạo điều kiện tham gia thị trường tín chỉ Carbon trong tương lai.

Lãnh đạo TTKN điều hành tập huấn

Trước đây, canh tác lúa theo hướng tăng năng suất, lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chôn vùi rơm rạ trong đồng ruộng hoặc đốt đồng … làm tăng phát thải khí: Methane (CH4), Dioxide Carbon (CO2), Oxide Nitrous (N2O), Monoxide Carbon (CO), hơi nước … gây hiệu ứng nhà kính.

Cơ giới hóa đồng ruộng: sử dụng thiết bị bay phun thuốc BVTV

Canh tác lúa hữu cơ bền vững, phải đảm bảo đúng quy trình với các tiêu chí “1 phải, 5 giảm”: phải sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng giống gieo, giảm phân bón vô cơ, giảm phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch. Để tăng thêm lợi nhuận trên một đơn vị diện tích canh tác cây lúa, phải giảm được chi phí sản xuất một cách hợp lý. Phải giảm lượng giống gieo theo từng loại chân đất của từng cánh đồng ở địa phương một cách hợp lý, đồng thời giảm lượng vật tư nông nghiệp tương ứng; ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa một phần đồng ruộng cùng xây dựng mô hình chuỗi cung ứng nông nghiệp. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và năng lượng tái tạo. Bắt buộc giảm lượng nước tưới (tưới ướt khô xen kẽ khoa học) và thu rơm rạ ra khỏi đồng ruộng. Vì đây là những giai đoạn góp phần giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất và có thể tạo ra nhiều tín chỉ Carbon nhất.

Trong tháng 7/2024, nông hộ, hợp tác xã canh tác lúa, tổ khuyến nông cộng đồng tại Bình Thuận đã được trang bị kiến thức: giai đoạn làm đòng, nuôi đòng và trổ của cây lúa trong quy trình sản xuất lúa bền vững. Ngày 19/9/2024 nông hộ hợp tác canh tác lúa và tổ khuyến nông cộng đồng tại các vùng sản xuất lúa trọng điểm (Đức Linh, Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong) của Bình Thuận được cung cấp kiến thức: giai đoạn đẻ chồi, nuôi chồi hữu hiệu và phòng trừ ngộ độc hữu cơ cho cây lúa do GS-TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông học – Trường đại học Cần Thơ, diễn giải:

Cho cây lúa nảy chồi hữu hiệu sau 2 tuần kể từ ngày gieo sạ. Quản lý chồi hữu hiệu thật tốt để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng trong ruộng lúa.

Đồng ruộng ngộ độc do: độ pH thấp (chua), chất hữu cơ rơm rạ bị chôn vùi, mặn xâm nhập. Muốn phòng ngộ độc hữu cơ cho cây lúa: ngăn chặn các nguyên nhân làm sản sinh ra chất độc như ủ rơm rạ bằng Trichoderma hoặc vi khuẩn yếm khí. Né tránh thời gian gieo sạ khi đất có chất hữu cơ rơm rạ bị chôn vùi sản sinh ra độc tố. Rút nước ở ruộng cho khô và bón thêm vôi để xử lý đồng thời tăng cường sức khỏe cho cây lúa.

Giảm lượng giống gieo: gieo sạ cụm bằng cơ giới tại xã Sùng Nhơn - Đức Linh

Giảm phân bón vô cơ: bón phân chuồng trước khi làm đất gieo sạ tại xã Hồng Sơn - Hàm Thuận Bắc

Qua những đợt tập huấn, sẽ cung cấp cho nông hộ, hợp tác xã canh tác lúa và tổ khuyến nông cộng đồng trong tỉnh nắm vững kiến thức từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, để thực hành tốt quy trình canh tác lúa hữu cơ bền vững trên những thửa ruộng của chính mình để thu được lợi nhuận cao hơn sau mỗi vụ thu hoạch. Mùa vụ bội thu làm tiền đề cho đời sống nông hộ sung túc hơn nhờ chuỗi giá trị gia tăng của lúa gạo./.

                                                                                 Khánh Vương