Diện tích sản xuất lúa hằng năm của Bình Thuận ổn định khoảng 120.000 ha, năng suất trung bình dao động 5,8 – 6,1 tấn/ha với sản lượng lúa bình quân đạt 640 - 740 ngàn tấn; năm 2023 diện tích gieo trồng đạt khoảng 11.000 ha. Cây lúa được xem là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, nhưng do điều kiện sản xuất, tập quán canh tác và các vấn đề kỹ thuật nên năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm lúa gạo còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao.
Ðể nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị cây lúa trên địa bàn tỉnh, những năm qua trên các địa bàn trồng lúa trọng điểm của tỉnh đã thực hiện chuyển đổi các giống lúa mới (chất lượng) phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ dưỡng ở địa phương cho năng suất và chất lượng cao vào sản xuất và nhân rộng. Đặc biệt chú trọng sâu sát áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”… nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính; tiết kiệm nước tưới; vật tư đầu vào…; qua đó tăng thu nhập và thu nhập thêm từ tín chỉ carbon; bảo vệ môi trường; hướng đến chương trình “Một triệu ha lúa” tại Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động thực hiện.
Sáng ngày 7/8/2024 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT và Trung Tâm Giống Nông nghiệp Bình Thuận tổ chức Hội thảo Khoa học “Kết quả nghiên cứu giống lúa mới gắn với hiệu quả kinh tế áp dụng sạ cụm, hướng đến chuyển giao giống, cơ giới hóa đồng bộ và sản xuất giảm thải carbon” cho gần 100 đại biểu trong và ngoài tỉnh; theo đó Tổ Khuyến nông cộng đồng là thành phần được quan tâm tham dự, phần nào đó giúp tổ sớm tiếp cận “năng lực chuyên môn” để phục vụ cộng đồng.
Đại diện Trung tâm Giống Nông nghiệp cho biết, trong thời qua việc lai tạo, nhân và phục tráng giống đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống quốc gia: TH6, TH28, TH85, ML4, ML15, ML202, ML232, ML215, ML48, ML214; giống công nhận khu vực hóa, sản xuất thử: TH41, ML29, ML107, ML54, ML49 được đại biểu quan tâm hưởng ứng, nhất là các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận, Phú Yên do có khí hậu, đất đai khá tương đồng với Bình Thuận.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tú Trang – Trung tâm Khuyến nông tỉnh trình bày tóm tắt quá trình thực hiện; kết quả việc cơ giới hóa máy sạ cụm với định mức: 70-80-100 kg/ha cho năng suất bình quân: 69,7 tạ/ha, cao hơn sạ lan trung bình 200 kg/ha: 18,7 ta/ha; trong đó năng suất sạ cụm 80 kg/ha đạt cao nhất: 73,1 tạ/ha; với giá 8.200 đ/kg tại thời điểm hội thảo, lợi nhuận bình quân sạ cụm 32 triệu đồng/ha, cao hơn sạ lan 15,7 triệu đồng/ha.
Đại biểu tham quan cánh đồng lúa mới cơ giới hóa sạ cụm
Tại hội thảo, đồng chí Ngô Thái Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận nhấn mạnh: trồng lúa “1 phải 5 giảm” thuộc hệ thống canh tác Thực hành sản xuất lúa bền vững SRP, ngoài việc giảm chi phí cả phân, thuốc, nước thì cũng giảm cả công lao động tương ứng so với sạ lan. Có thể năng suất chỉ bằng sạ lan nhưng lợi nhuận cao hơn. Đó là ưu việt của quy trình hợp lý;
Đồng chí Sơn khẳng định, đây là biện pháp cơ giới hóa đầy triển vọng; vì vậy, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận sẽ đưa vào áp dụng cho chương trình sản xuất lúa chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu từ vụ Mùa năm 2024, cùng với việc nghiên cứu giải pháp, quy trình sản xuất tương ứng giúp giảm các nguồn đầu vào như nước, phân bón, thuốc BVTV… giúp giảm chi phí mà vẫn đảm bảo năng suất và tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ.
Bên cạnh đó, nhằm cơ cấu lại vùng chuyên canh lúa quy mô lớn, từ đó đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm trên địa bàn tỉnh; xây dựng được các mô hình trình diễn lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương, chuyển nhanh sang sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới theo Kế hoạch số 4517/KH-UBND ngày 20/11/2023 của UBND tỉnh về Phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.
Kết thúc hội thảo trong niềm hân hoan của đại biểu; chiều cùng ngày Trung tâm Khuyến nông tiếp tục phối hợp với Cty TNHH Sài Gòn Kim Hồng tại tp Hồ Chí Minh tiếp tục trình diễn máy sạ cụm để đại biểu quan sát, học tập. Với sự tâm huyết đầy quyết liệt của người đứng đầu đơn vị khuyến nông tỉnh, hy vọng trong thời gian gần, đồng chí Sơn sớm góp phần nhỏ của mình đưa ngành lúa gạo Bình Thuận là điểm sáng trên bản đồ lúa Việt Nam.
Hồ Công Bình