Đang online: 8
Hôm nay: 170
Trong tuần: 1881
Trong tháng: 8340
Tổng truy cập: 660376

HỘI THẢO: PHÁT TRIỂN THỦY SẢN KHU VỰC THUNG LŨNG SÔNG LA NGÀ

Thứ Năm 05/09/2019 09:14
230
Sáng ngày 27/8/2019 tại hội trường thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh đã diễn ra Hội thảo về Phát triển nuôi thủy sản khu vực thung lũng sông La Ngà; chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Tám – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đồng tham dự có đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Lãnh đạo Liên hiệp các Hội KH&KT, Lãnh đạo UBND huyện Tánh Linh cùng đại diện các phòng, ban địa phương và hơn 100 nông dân sản xuất thủy sản trên địa bàn 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh.

Con sông La Ngà  là hợp lưu của hệ thống nhiều sông suối nhỏ, xuất phát từ cao nguyên Di Linh thuộc tỉnh Lâm Đồng, chảy qua tỉnh Bình Thuận rồi đổ vào hồ Trị An tỉnh Đồng Nai với tổng chiều dài trên 272 km; trong đó, đoạn chảy qua tỉnh Bình Thuận tại 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh rất ngoằn nghèo, lưu lượng nước qua sông lên tới hơn 3 tỷ m3/năm, không những phong phú về cảnh đẹp mà lưu vực của nó tạo nên vùng đất trũng màu mỡ quanh năm lúa bắp tươi xanh…thúc đẩy vùng kinh tế nông lâm nghiệp, thủy sản phát triển.

Trên cơ sở tiềm năng diện tích ao, bàu, sông suối đa dạng, bà con thực hiện khai thác thủy đặc sản với số lượng lớn, cung cấp cho thị trường tại chỗ và vùng lân cận; tuy nhiên, lượng thủy sản ngày càng khan hiếm, một số bà con sử dụng phương thức đánh bắt tận diệt dẫn tới nguồn lợi suy giảm nhanh. Trước tình hình đó, chính quyền đã chỉ đạo triển khai phát triển NTTS trên địa bàn, mở rộng và khuyến khích các chính sách về cải tạo ao bàu hoang hóa, thuê nuôi mặt nước dưới hình thức đấu thầu, giao khoán. Năm 2018, nhiều vùng ngập và bán ngập khu vực 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh được tổ chức khai thác và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả; diện tích vùng nuôi lên tới 1.500 ha trong đó huyện tánh linh 485 ha, sản lượng nuôi trồng đánh bắt trên 2.200 tấn; huyện Đức Linh 1.060 ha, sản lượng đạt 3.200 tấn.

Trên toàn vùng, mô hình nuôi thủy đặc sản nước ngọt của hộ dân đang phát triển hiện nay lên tới hàng ngàn hộ, với đa đối tượng như: thủy sản truyền thống trắm, chép, mè, trôi, rô phi, cá trê, cá lóc; các mô hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến trong hồ, ao khá phát triển, đặc biệt MH nuôi vèo trên hồ hay lồng bè trên sông với các đối tượng kinh tế như thát lát, cá chình, cá chạch lấu, bống tượng bước đầu đã được triển khai. Thực tế cho thấy, hiệu quả từ hoạt động nuôi trồng của bà con trong vùng hết sức thiết thực, tuy nhiên nhiều bà con hiện còn gặp khó do thiếu vốn, hạn chế về kỹ thuật nuôi nhất là trong phòng ngừa dịch bệnh; nhiều hộ nuôi với hình thức nhỏ lẻ nên đầu ra sản phẩm  bấp bênh, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cá giống theo các chương trình của tỉnh, huyện gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật để phát triển nuôi trồng thủy sản còn thiếu, vùng nuôi tập trung tuy đã được tỉnh quy hoạch nhưng chưa có vốn đầu tư.

Nhằm đẩy mạnh khai thác tiềm năm cho người dân từ diện tích mặt nước sẵn có, trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông đã đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật. Trực tiếp xuống cơ sở tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường và xúc tiến đầu ra sản phẩm cho nông dân, từ đó góp phần khai thác phù hợp diện tích đã được quy hoạch phát triển, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Để cải thiện hiệu quả kinh tế cho người nuôi, Trung tâm đã triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản nước ngọt với các đối tượng có giá trị kinh tế như: Mô hình nuôi lươn không bùn; Mô hình nuôi ếch, baba thương phẩm; mô hình nuôi cá chình, cá lăng trong lồng trên sông. Kết quả cho thấy hầu hết các mô hình đều đạt năng suất, sản phẩm làm ra không những đảm bảo chất lượng mà còn gắn với đầu ra ổn định, giúp người nuôi thay đổi cách nghĩ, sẵn sàng chuyển từ cách nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp.

Mô hình nuôi cá thát lát bằng thức ăn công nghiệp theo liên kết chuỗi mà Trung tâm KN đã dày công triển khai từ năm 2016 đến nay không chỉ đánh mạnh vào khai thác lợi thế tiềm năng mặt nước của vùng mà còn hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị cho sản phẩm lợi thế của địa phương, góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo QĐ 490/ năm 2018 của Chính phủ phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm. Gắn khai thác, nuôi trồng với bảo tồn nguồn lợi thủy sản thì phải định hướng sản xuất bền vững, đó là gia tăng giá trị sản phẩm qua chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, không chỉ chú ý đến các yếu tố đầu vào sản xuất mà phải quan tâm tới nhu cầu thị trường, hướng đầu ra ổn định cho bà con.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Chiến - phó Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT đã có những chỉ đạo sâu sát đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển, trong đó ông nhấn mạnh:

- Chúng ta cần rà soát và đánh giá đúng thực trạng, tại sao trong những năm qua diện tích nuôi thủy sản không ngừng tăng lên nhưng sản lượng dường như đứng yên? Cần đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế của sông La Ngà để phát triển nuôi thủy sản gắn với lợi thế đặc trưng.

-  Phát triển nuôi thủy sản trên cơ sở nhu cầu thị trường và phân khúc thị trường, trong đó (i) nuôi theo hướng công nghệ cao để cung cấp cho thị trường; (ii) nuôi những thủy đặc sản có giá trị kinh tế, cung cấp theo nhu cầu thị trường; (iii) nuôi cá truyền thống cho những nhu cầu thông thường.

- Cần đẩy mạnh liên kết (Nhà nông, Nhà nước, Nhà khoa học, Doanh nghiệp và Nhà băng) để người dân phát triển bền vững, có đầu ra và gắn với bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường.

- Trên cơ sở xác định lợi thế về vị trí, tiềm năng mặt nước, đang xây dựng và sẽ ban hành Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt giai đoạn 2020 – 2025, qua đó gắn với Chương trình Khuyến nông trọng điểm, đặc biệt là công tác khuyến ngư phát triển nuôi thủy sản nước ngọt của vùng; nâng cao vai trò của đơn vị quản lý, các Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ trên địa bàn.

Định hướng của tỉnh, của ngành trong thời gian tới là ổn định về diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, từng bước chuyển dần các hình thức nuôi quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh các đối tượng có giá trị kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết với người nuôi hình thành chuỗi liên kết cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững.