Đang online: 5
Hôm nay: 44
Trong tuần: 873
Trong tháng: 873
Tổng truy cập: 662209

Tánh Linh: Điểm sáng tiên phong của tỉnh Bình Thuận về cánh đồng lúa chất lượng cao

Thứ Ba 05/03/2024 15:17
37

Huyện Tánh Linh có tổng diện tích 1.174,22 km²; trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp 34.500 ha, diện tích sản xuất lúa hằng năm khoảng trên 25.000 ha. Trong những năm gần đây tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện Tánh Linh có nhiều chuyển biến tích cực, trong sản xuất nông nghiệp đều ứng dụng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần tăng sản lượng lương thực cả về số lượng, lẫn chất lượng. Việc tập trung sản xuất theo chiều sâu, hình thành các vùng chuyên sản xuất nông sản đạt sản phẩm chất lượng, sản xuất theo hướng an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững đã và đang được huyện Tánh Linh quan tâm tập trung đầu tư phát triển. Trong đó công tác sản xuất lúa là một trong những nhiệm vụ chính trị được đầu tư quan tâm hàng đầu.

Quang cảnh Hội trường

Đến nay, huyện Tánh Linh đã hình thành và mở rộng được trên 3.000 ha vùng lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước và xuất khẩu. Từ chương trình vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha đã lan tỏa ra các vùng lân cận, hầu hết các diện tích lúa trên địa bàn huyện đều sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ, năng suất vùng lúa chất lượng cao đạt bình quân 65 tạ/ha. Cá biệt một số diện tích sản xuất đạt từ 70- 85 tạ/ha.

Toàn cảnh Hội thảo

Để địa phương chủ động chọn giống lúa tốt chất lượng cao phù hợp điều kiện sản xuất; hằng năm UBND huyện Tánh Linh phối hợp với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện khảo nghiệm giống lúa triển vọng nhằm chọn ra những giống lúa mới có những ưu điểm vượt trội hơn, thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương, khả năng chống chịu sâu bệnh hại chính, tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt và đáp ứng được thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Từ đó, làm cơ sở để bổ sung giống lúa mới vào cơ cấu giống tại địa phương. Đến nay, việc sản xuất lúa thương phẩm của nông dân huyện nhà đều sử dụng chủ yếu các giống lúa mang thương hiệu OM của Viện Lúa Đồng Bằng sông Cửu Long để gieo trồng hằng năm.

          Tiếp nối thành công những năm trước; vừa qua tại xã Bắc Ruộng, Ủy ban nhân huyện Tánh Linh phối hợp với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội thảo khảo nghiệm các giống lúa triển vọng của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 và giải pháp canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu vụ đông xuân 2023-2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo Trung tâm giống Bình Thuận, công ty phân bón Bình Điền, đại diện lãnh đạo công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời. Ở huyện có Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, lãnh đạo các phòng ban ngành đoàn thể huyện, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các xã, Thị trấn các hộ nông dân tiêu biểu và các các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong huyện.

          Các giống lúa mới tham gia khảo nghiệm: OM 22, OM 3, OM 16, OM 46, OM 8, OM 34; đây là những giống lúa đã được giới thiệu để nông dân lựa chọn trồng khảo nghiệm tại nhiều địa phương ở các tỉnh phía Nam. Qua gần 4 tháng khảo nghiệm, kết quả bước đầu cho thấy các giống lúa đều có khả năng thích nghi, có thời gian sinh trưởng ngắn (85 - 90 ngày) phù hợp với ruộng 3 vụ, sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, bộ lá khỏe, lá đòng rộng dài, bông dài. Các giống lúa đều thể hiện được tiềm năng năng suất cao (54 – 72 tạ/ha). Việc thực hiện đánh giá khảo nghiệm mang tính cộng đồng rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu về sử dụng những giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt trong sản xuất lúa thương phẩm của nông dân địa phương; tại buổi hội thảo được các đại biểu bỏ phiếu đánh giá các giống theo thứ tự như sau: OM 34; OM 3; OM 22; OM 16; OM 8; OM 46.

Nông dân tham quan và đánh giá giống lúa khảo nghiệm

      Với những kết quả đạt được rất khả quan, hy vọng trong thời gian tới, các giống lúa được tiếp tục khảo nghiệm thêm vụ đông xuân, vụ hè thu nhằm chọn được giống ưu việt nhất để bổ sung cơ cấu giống lúa của huyện Tánh Linh nói riêng cũng như cơ cấu giống lúa của tỉnh Bình Thuận nói chung.

                                                                                                      Hồ Công Bình