Đang online: 10
Hôm nay: 223
Trong tuần: 1934
Trong tháng: 8393
Tổng truy cập: 660429

Cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt cao sản Góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi

Thứ Ba 31/12/2019 23:56
474

Chăn nuôi bò là nghề truyền thống của nông dân Việt Nam, có vị trí quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Con bò dễ nuôi, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ (cỏ tự nhiên, cỏ trồng,…) và các loại phụ phẩm nông nghiệp (như rơm, cành thanh long, cây đậu phộng…). Chi phí thức ăn thấp, sử dụng thức ăn không cạnh tranh với con người, giải quyết công lao động nông nhàn. 


Sản phẩm cuối cùng là bê và thịt có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, giá cả bảo đảm cho người chăn nuôi có lãi, nên con bò được xem là vật nuôi lý tưởng, ăn chắc hiện nay của nông dân. Chăn nuôi bò không những cung cấp khối lượng lớn thực phẩm cho con người mà còn cung cấp phân bón rất tốt cho cây trồng. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt bò ngày càng tăng và có hướng mở rộng, thịt bò là món ăn thơm ngon được nhiều người ưa thích, giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, nguồn thịt bò chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và tại Bình Thuận cả về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, những công ty kinh doanh thực phẩm phải nhập thịt bò từ nước ngoài để cung ứng cho nhu cầu của thị trường; một số doanh nghiệp có điều kiện về chuồng trại, đất đai, đồng cỏ đã nhập số lượng lớn bò thịt về nuôi vỗ béo trước khi giết mổ như tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Delta, Công ty Thông Thuân,…

Tỉnh Bình Thuận đang phát triển chăn nuôi bò theo hướng lấy thịt, toàn tỉnh hiện có khoảng 163.000 con bò, bò lai Zebu khoảng 60 - 70%. Công tác phối giống bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) đạt khoảng 13.000 - 16.000 con có chửa/năm bằng tinh giống bò Zebu (chủ yếu giống bò Brahman) Nhìn chung bê con lai hướng thịt (Brahman) sinh ra đều khỏe mạnh, trọng lượng bê lai sơ sinh đạt bình quân 20 - 24 kg/con, cao hơn trọng lượng bê địa phương 5 - 7 kg/con, có ngoại hình đẹp, sinh trưởng phát triển tốt, phàm ăn, tăng trọng nhanh hơn bê địa phương, sức kháng bệnh cao. Hiệu quả kinh tế cho thấy, nếu so sánh 2 con bê khoảng 6 tháng tuổi, chênh lệch khoảng 5 triệu đồng/con (có thể chênh lệch gấp đôi). Ngoài ra bò lai dễ bán hơn nhiều so với bò địa phương do có nhiều thịt hơn, tỷ lệ thịt cao, năng suất thịt cao hơn 20 – 30%, chất lượng thịt cũng được cải thiện. Bò lai Zebu có nhiều đặc tính quý, đã khắc phục được các nhược điểm của bò Vàng địa phương. Tuy nhiên, khả năng cho thịt vẫn còn thấp. Để tạo ra đàn bò theo hướng chuyên thịt, cần chọn lọc những bò cái lai Zebu đạt tiêu chuẩn giống, khối lượng trên 280 kg, không bệnh tật, khả năng sinh sản tốt và cho phối tinh nhân tạo với tinh của các đực giống chuyên thịt cao sản (đực giống Limousin, Droughtmaster, Charolais, Red Angus, BBB (Blanc-Blue-Belgium,…)) để tạo ra con lai nuôi thịt. Hiện nay bò lai Brahman dùng làm bò cái nền rất nhiều, có chất lượng tốt, đủ điều kiện để phát triển đàn bò theo hướng chuyên thịt. Có thể sử dụng tinh các giống bò chuyên thịt cao sản lai tạo tiếp với bò cái nền để tạo ra đàn bò thịt chất lượng cao, nâng cao tầm vóc đàn bò, nâng cao chất lượng thịt bò và tăng mức thu nhập cho người dân.

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã thực hiện nhiều mô hình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt tại hầu hết các huyện. Sử dụng phương pháp TTNT và nhảy trực tiếp (sử dụng bò đực giống) để phối giống cho đàn bò vàng địa phương và bò có máu lai Zebu thấp, nhằm nâng cao tầm vóc đàn bò, giá trị sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế chăn nuôi. Từ năm 2016 đến nay Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận thực hiện mô hình Cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt cao sản bằng phương pháp TTNT tại huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và TP. Phan Thiết, với qui mô khoảng trên 200 con bò cái có chửa, bằng tinh bò chuyên thị cao sản (122 tinh bò BBB và 84 tinh bò Red Angus). Bò cái nền để phối giống chủ yếu là bò lai Zebu (Brahman, Sind) từ F1 trở lên, đạt trọng lượng bình quân khoảng 330 - 360 kg/con, đẻ lứa bình quân 3 - 4 lứa, tuổi khoảng 5 - 6 tuổi, ngoại hình tốt, khoẻ mạnh, không bệnh tật, không có dị tật, có khả năng sinh sản tốt.

Hầu hết bê con lai chuyên thịt cao sản sinh ra đều khỏe mạnh, có trọng lượng sơ sinh đạt 24-30kg/con, cao hơn trọng lượng bê lai Zebu. Bê lai có ngoại hình đẹp, to lớn, cơ bắp phát triển, thể hiện được ưu thế lai. Bê hiền lành, dễ nuôi, rất phàm ăn, sức đề kháng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương. Những hộ chăm sóc nuôi dưỡng tốt, cho bê ăn thêm thức ăn tinh thì bê sinh trưởng phát triển tương đối tốt, còn nếu chỉ cho ăn cỏ thì sinh trưởng phát triển kém hơn. Đặc biệt, bê lai BBB có trọng lượng sơ sinh khoảng 28 – 30 kg/con, bê lai 3 tháng tuổi đạt khoảng 90 – 100kg, bê lai 6 tháng tuổi đạt khoảng 160 - 180kg, bê cái lai 9 tháng tuổi đạt khoảng 230 kg, khối lượng lúc giết thịt khoảng 550 – 600 kg,  bò cái trưởng thành khoảng 400 - 500 kg.Hiệu quả kinh tế cho thấy nếu so sánh 2 bê con lai khoảng 6 tháng tuổi, bê được sinh ra từ tinh bò Brahman đạt trong lượng 100 - 120 kg, với giá bán khoảng 12 - 17 triệu đồng; so với bê sinh ra từ tinh bò chuyên thịt BBB có trọng lượng 160 - 180kg, giá bán khoảng 20 - 25 triệu đồng; sự chênh lệch khoảng 5 - 10 triệu đồng/con. Như vậy, giống bò lai chuyên thịt có trọng lượng, năng suất thịt tăng cao hơn bò lai Zebu 30-40 %, tăng giá trị sản phẩm trong chăn nuôi cả về số lượng và chất lượng, nên tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi và tăng mức thu nhập cho người dân.

Từ năm 2018 đến nay nông dân đã tự nhân rộng thêm trên 1.600 con bò có chửa bằng tinh bò chuyên thịt (Charolais, Red Angus, BBB). Các hộ chăn nuôi bò sinh sản nhận thấy cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt cao sản sẽ mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi bò thịt. Từ đó đã kích thích người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi bò, kết hợp chăn nuôi bò với trồng cây thanh long, cây ăn quả, trồng lúa,… để tận dụng triệt để các loại phụ phẩm từ nông nghiệp, nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích. Từ đó giúp các hộ chăn nuôi bò có đàn bò phát triển tốt, nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò, tăng năng suất thịt, giá trị trên 1 con bò và tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nghề nuôi bò thịt.

Chăn nuôi bò lai theo hướng chuyên thịt trở thành thế mạnh trong phát triển chăn nuôi, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa mang tính bền vững cao làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Thành Công