Đang online: 6
Hôm nay: 156
Trong tuần: 1867
Trong tháng: 8326
Tổng truy cập: 660362

KẾT QUẢ THỰC HIỆN MÔ HÌNH TRỒNG VÀ THÂM CANH CÂY ĐIỀU GHÉP

Thứ Tư 27/05/2020 09:16
254

Thời gian qua, hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được 02 huyện Hàm Tân và Đức Linh chú trọng triển khai, thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, có nhiều động thái tích cực trong việc chuyển đổi diện tích đất bạc màu sang trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó nổi bật là cây điều ghép, góp phần thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân địa phương.

Việc phát triển cây điều tại Đức Linh và Hàm Tân cho thấy sự phù hợp về sinh thái, điều kiện thổ nhưỡng và đang giúp địa phương sử dụng được nguồn đất tại chỗ (trước những khó khăn chung về biến đổi khí hậu, nắng hạn gay gắt và liên tục thiếu nguồn nước). Bên cạnh đó chuyển đổi vùng đất màu kém hiệu quả nguy cơ khô hạn cao sang trồng cây điều ghép là một lợi thế lớn. Tuy nhiên trong những năm gần đây, diện tích điều liên tục giảm; năng suất và chất lượng hạt điều trên địa bàn 02 huyện so với bình quân chung của Tỉnh đạt ở mức thấp. Thực trạng trên là do nhiều diện tích điều đã bị nông dân trong huyện phá bỏ để trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn; các vườn điều hầu hết đều già cỗi, đa phần là điều thực sinh, năng suất thấp; nông dân trồng điều chủ yếu để giữ đất, mật độ dày, trồng ở vùng đồi núi hoặc ở vùng đất xấu, hầu như không đầu tư thâm canh… mặt khác, điều kiện khí hậu bất lợi, sâu bệnh hại phát triển trong những năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xuất phát từ đó, năm 2017 – 2019, từ nguồn kinh phí Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với 02 huyện Hàm Tân và Đức Linh thực hiện mô hình “Trồng và thâm canh cây điều ghép cao sản giống mới năng suất cao theo liên kết chuỗi” với quy mô 29ha. Sau 03 năm trồng và chăm sóc các giống điều ghép PN1, AB0508 và AB29 đạt tỷ lệ sống trên 85%, cây sinh trưởng phát triển tốt, ra hoa tập trung, năng suất đạt bình quân 5tạ/ha (giai đoạn 32 tháng, kiến thiết cơ bản). Tuy nhiên, cây điều là cây lâu năm, các năm tiếp theo năng suất dự kiến tăng 120 – 150% so với năm đầu, Lợi nhuận thu được từ 40 triệu/ha trở lên.

Đến thời điểm này, khi cây cao su, tiêu đang thất thế vì giá thì cây điều được nông dân đặc biệt coi trọng vì thu hoạch bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, hoàn toàn không lo vấn đề đầu ra (điểm thuận lợi không cây trồng nào có được). Bên cạnh đó điều cũng là cây đa mục đích nhằm phát triển kinh tế; phòng hộ đất; bảo vệ môi trường ... và phù hợp với kiểu canh tác của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Khi mô hình thực hiện đã giúp người dân tiếp cận về tiến bộ khoa học kỹ thuật như giống mới; áp dụng đầu tư thâm canh để nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ nhiều năm nay, người dân ở nhiều nơi đã trồng điều và xem đây là loại cây trồng lấp chỗ trống cho đất hay cũng được xem là cây xóa đói giảm nghèo vì so với các loại cây trồng khác, cây điều ít tốn công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất khả quan.

Phạm Thị Hồng