Đang online: 2
Hôm nay: 28
Trong tuần: 303
Trong tháng: 303
Tổng truy cập: 661639

CẨN TRỌNG KHI ĂN ỐC LẠ

Thứ Ba 11/05/2021 14:20
355

CẨN TRỌNG KHI ĂN ỐC BIỂN LẠ

Vào ngày 08/3/2021 tại nhà bà Đỗ Thị Liên, khu Văn Thánh 3, phường Phú Tài, Tp Phan Thiết đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn ốc biển lạ (có 05 người ăn và 03 người phải nhập viện). Qua điều tra, xác minh thông tin các loại ốc biển trên có tên là ốc bùn xoắn (Phos senticosus) và  ốc bùn bóng (Nassarius glans) do ngư dân đánh bắt rồi mang về luộc ăn. Căn cứ vào kết quả phân tích độc tố của Viện Hải Dương học Nha Trang đối với 02 loại ốc trên đều có chứa hàm lượng độc tố Tetrodotoxins (TTXs) gây chết người, cụ thể độc tố của ốc bùn xoắn là 9.960 MU/g và ốc bùn bóng là 555.93 MU/g, trong khi đó độc tính không an toàn cho người sử dụng là 10MU/g, độc tính có thể thay đổi theo cá thể. Độc tố TTXs là độc tố tự nhiên có trong cơ thể của một số loài thủy sản như: Ốc bùn xoắn, ốc bùn bóng, ốc bùn răng cưa, cá nóc, so biển, bạch tuộc đốm xanh,…

 

Ốc bùn bóng (Nassarius glans)           Ốc bùn xoắn (Phos senticosus)

Tetrodotoxin là độc tố tấn công hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao. Đây là loại độc tố bền nhiệt, bền với axít và không bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Các triệu chứng ngộ độc như tê môi, lưỡi, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nuốt khó, mất cân bằng vận động, co giật, sùi bọt mép,... Độc tố gây liệt các cơ hô hấp, dẫn tới bệnh nhân không thể ho khạc hay tự thở được và nhanh chóng suy hô hấp, tử vong. Ước tính 5 - 10 cá thể ốc chứa lượng độc tố này có thể khiến người bình thường tử vong trong khoảng 30 phút đến vài giờ sau khi ăn.

Theo Viện Hải Dương học Nha Trang: Nguồn gốc độc tố ở các loài ốc biển hiện nay khá phức tạp, chưa được biết rõ. Cùng một loài, các cá thể có thể chứa lượng độc tố khác nhau tùy vùng địa lý, mùa vụ. Do đó, để tránh thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng con người, tuyệt đối không ăn những loài ốc biển có tiền sử gây ngộ độc hoặc chưa chắc chắn độ an toàn. Đề nghị ngư dân sau khi đánh bắt các loài thủy sản lạ nghi có chứa độc tố cần loại bỏ ngày và không được sử dụng tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Hiện chưa có thuốc giải đặc hiệu cho ngộ độc tetrodotoxin. Biện pháp chữa trị y khoa hữu hiệu nhất là kích thích phản ứng nôn cho nạn nhân (nôn càng nhiều càng tốt), súc rửa dạ dày bằng than hoạt tính để loại thải bớt chất độc. Trường hợp phát hiện người dân hoặc ngư dân có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm như tê môi, lưỡi, chân tay, buồn nôn, khó thở,... phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị, cấp cứu kịp thời.

Vừa qua, trước tình hình ngộ độc do ăn hải sản đánh bắt gần bờ tại một số nơi trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản yêu cầu Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản và các đơn vị trực thuộc có liên quan nghiêm túc thực hiện Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm đã ban hành năm 2021; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhận biết, tránh xa các loại hải sản lạ, hải sản không rõ nguồn gốc, trong đó có các loại ốc bùn có chứa độc tố cao, gây ngộ độc như đã thông tin ở trên./.

Phan Huệ