Bình Thuận có tổng diện tích rừng 342.128 Ha và rừng tự nhiên 296.916 Ha. Trong đó, trạng thái rừng gỗ lá rộng thường xanh hoặc nửa rụng lá chiếm ưu thế, tiếp đó là trạng thái rừng gỗ lá rộng rụng lá theo mùa.
Để bảo vệ lá phổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng với chương trình UN-REED. Việc phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng, phòng chống cháy rừng và lâm phần giáp ranh giữa Lâm Đồng - Bình Thuận cần bảo vệ nghiêm ngặt. Ứng dụng công nghệ viễn thám, ảnh vệ tinh để quản lý giám sát tài nguyên rừng, ứng dụng công nghệ thông tin trên thiết bị di động phục vụ tuần tra, xác minh, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh. Song song với đó khoanh nuôi, bảo vệ để rừng tự nhiên tự tái sinh hay trồng mới những phần rừng, đất nghèo kiệt để phủ xanh đất trống đồi trọc.
Việc bảo vệ rừng và phát triển rừng cần sự lâu dài. Vì vậy, phải xây dựng chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và các chương trình khác phục vụ dân sinh kinh tế. Đối tượng sử dụng tài nguyên rừng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc thực hiện chương trình cần phải có nguồn lực tài chính: vốn ODA và vốn hỗ trợ quốc tế khác; nguồn vốn tự có hợp pháp và nguồn vốn chi trả dự kiến trong tương lai; đó là bán tín chỉ carbon.
Ở rừng, lượng carbon được lưu trữ: trong thân cây, vỏ cây, lá cây, rễ cây, chất hữu cơ chết trong gỗ chết; trong chất hữu cơ chết trong rác thải, trong carbon hữu cơ của đất… Tín chỉ carbon chính là chỉ dấu của các hoạt động trong nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt đời sống phát thải khí ra môi trường. Tín chỉ carbon thường được tạo ra thông qua các dự án thúc đẩy tái tạo năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, trồng rừng hoặc các hoạt động khác làm giảm phát thải khí nhà kính.
Tín chỉ carbon cung cấp cơ chế khuyến khích bảo tồn rừng, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu đồng thời tạo ra sinh kế cho cộng đồng địa phương đảm bảo thực hiện những mục tiêu phát triển lâu bền. Tín chỉ carbon rừng, đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ quản lý rừng bền vững và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sản xuất carbon thấp. Các dự án carbon đòi hỏi phải có phương pháp luận đánh giá, việc đo đạc giám sát dữ liệu và các rủi ro trong quá trình thực hiện để đạt lượng tín chỉ carbon như mong muốn, phải cần nguồn nhân lực, vật lực khá lớn. Đây là những thử thách đòi hỏi sự nỗ lực của các bên tham gia.
Bình Thuận: hội thảo tín chỉ carbon rừng ngày 10/4/2024
Việc xây dựng tín chỉ carbon rừng còn khá mới, còn có nhiều vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện. Nhằm tiếp tục thực hiện tốt hoạt động này. Cần rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng, giải quyết tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng. Cần xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy thương mại carbon trong lâm nghiệp đối với thị trường carbon trong tỉnh. Từ đó, thu hút mối quan tâm của các doanh nghiệp đến trồng và chăm sóc, phục hồi rừng và kinh doanh tín chỉ carbon rừng.
Xây dựng chính sách đủ mạnh để phát triển kinh tế rừng, đổi mới chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về: quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất lâm nghiệp. Phân định tín chỉ carbon rừng cho từng loại chủ thể rừng công khai minh bạch.
Hy vọng việc tham gia giảm phát khí thải ra môi trường thông qua tín chỉ carbon sẽ đem lại nguồn lực quan trọng cho tỉnh để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; góp phần nâng cao đời sống và sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, các hộ sống ven rừng nói chung; chia sẻ, giảm áp lực kinh phí đầu tư của địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trong hiện tại cũng như trong tương lai./.
Khánh Vương