Đang online: 74
Hôm nay: 355
Trong tuần: 5603
Trong tháng: 133631
Tổng truy cập: 10300598

Kỹ thuật chăn nuôi heo

Thứ Hai 28/12/2009 09:47
11292

    PHẦN I: MỘT SỐ GIỐNG HEO

    Con giống đóng vai trò quan trọng trong việc chăn nuôi heo. Nuôi thành công hay thất bại một phần là do chất lượng con giống tốt hay xấu. Từ nhiều năm qua, ngoài giống heo của địa phương ta đã nhập nhiều giống heo ngoại có năng suất cao đưa vào chăn nuôi và lai giống tại các địa phương trong tỉnh.

    I. Các giống heo nội:

    1. Giống heo Ỉ: Được nuôi phổ biến ở các tỉnh phía Bắc, heo có tầm vóc nhỏ, lông đen, lưng võng, bụng sệ, 4 chân thấp. Trọng lượng xuất chuồng bình quân chỉ đạt: 50-60 kg, tỷ lệ nạc thấp, mỡ cao.

    2. Giống heo Móng Cái: Có nguồn gốc từ Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Heo Móng Cái có những đặc điểm giống như sau: Đầu đen, có đốm trắng, mình có vết trắng hình yên ngựa, thân ngắn, lưng võng, bụng xệ, chân thấp, yếu. Heo Móng Cái có tầm vóc lớn hơn heo Ỉ. Trọng lượng xuất chuồng đạt 60 - 62kg/con. Có khả năng tận dụng thức ăn tốt, đẻ sai. Một số tỉnh miền Trung thường chọn heo Móng Cái làm nền để lai tạo ra heo lai thương phẩm nuôi thịt.

    3. Giống heo Thuộc Nhiêu: Có nguồn gốc từ vùng Thuộc Nhiêu, tỉnh Tiền Giang. Lông và da có màu trắng, tai đa số đứng. Tầm vóc heo tương đối lớn hơn heo Móng Cái. Heo đạt trọng lượng 80 - 85 kg /con lúc 7 tháng tuổi, heo đẻ sai, nuôi con khéo. Hiện nay được nuôi phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

    4. Giống heo Ba Xuyên: Có nguồn gốc tại vùng Ba Xuyên. Heo có đặc điểm: Tai xụ xuống, thân ngắn, lưng hơi võng, lông láng trắng đen, có bông. Giống heo Ba Xuyên chịu đựng được kham khổ, dễ nuôi. Hiện nay được nuôi phổ biến nhiều ở các tỉnh  Minh Hải, Sóc Trăng.

    Ưu–nhược điểm: Nói chung các giống heo nội có các ưu – nhược điểm sau:

Ưu diểm

Nhược điểm

- Heo thành thực sớm, đẻ sai, nuôi con khéo, bình quân 10-12 con/lứa

- Dễ nuôi, tận dụng thức ăn tốt, chịu đựng được kham khổ, kháng bệnh tốt.

- Tầm vóc nhỏ, ngoại hình xấu

- Tỷ lệ mỡ cao, tỷ lệ nạc thấp.

- Nuôi chậm lớn, năng suất thấp.

 

    Để cải tạo được những nhược điểm của các giống heo nội như: nhỏ con, tỷ lệ nạc thấp, nuôi chậm lớn thì phải sử dụng các giống heo ngoại có năng suất cao cho lai tạo với heo nội để tạo ra heo lai F1, F2 ( như Yorkshire x địa phương, Landrace x địa phương) qua nhiều thế hệ để cải thiện dần phẩm chất giống của heo địa phương.

    II. Các giống heo ngoại:

    1. Heo Yorkshire (Y):

    Heo giống Yorkshire (Large white) có những đặc trưng sau: Thân hình chữ nhật, lông da trắng tuyền. Hai tai thẳng đứng, mõm dài vừa phải, trán rộng, bốn chân khỏe, vững chắc, lưng thẳng, bộ phận sinh dục đực lộ rõ, ở heo cái Yorkshire  có số vú từ 12-14 vú/ con. heo đẻ nhiều, nuôi con khéo, có chất lượng thịt tốt.

    Về khả năng sinh sản: Số con sơ sinh: 9 - 10 con/lứa. Lứa đẻ bình quân: 1,8 - 2 lứa/năm. Khối lượng sơ sinh: 1,2 - 1,4 kg/con. Trọng lượng 2 tháng tuổi: 18 - 20 kg/con.

    Khả năng sinh trưởng: Heo có tốc độ tăng trưởng nhanh, 6 tháng tuổi đạt 100 kg, heo trưởng thành đạt 250-270 kg/con, tỉ lệ nạc cao: 50-52%.

    2. Heo Landrace (L):

    Heo Landrace có những đặc trưng sau: Có hình dáng như một quả lê với thân dài và mỏng, hơi xuôi, đầu nhỏ và dài. Toàn thân màu trắng, tai xụ ngã về phía trước che cả 2 mắt, thân dài, bốn chân gọn đẹp, mông phát triển.

    Về khả năng sinh sản: Số con sơ sinh: 10 - 14 con/ lứa. Lứa đẻ bình quân: 1,8-2 lứa/năm. Khối lượng sơ sinh: 1,2-1,4 kg/con. Trọng lượng 2 tháng tuổi : 18-20 kg/ con.

    Khả năng sinh trưởng: Có khả năng tăng trọng nhanh trong điều kiện thức ăn tốt, 6 tháng tuổi đạt 90-100 kg, trưởng thành đạt 230-250 kg/con. Tỉ lệ nạc cao: 52-57%.

    Tuy nhiên, heo Landrace kém thích nghi hơn heo Yorkshire, đặc biệt trong điều kiện nóng ẩm. Heo Landrace cho tỷ lệ nạc cao nhưng với điều kiện cung cấp đầy đủ thức ăn cho chất lượng tốt, nếu thiếu thức ăn, chất lượng thức ăn kém heo gầy nhanh, tăng trọng kém.

    3. Heo Duroc (D):

    Đặc điểm của giống heo Duroc có sắc lông màu đỏ nâu, nếu màu lông càng lợt thì mức độ thuần chủng càng giảm. Heo giống Duroc thuần chủng có niêm mạc mũi, móng chân đen tuyền. Heo có thân hình vững chắc, bốn chân to khỏe, cao, đi lại vững vàng. Hai tai to và ngắn, lưng hơi cong, mông xuôi.

    Về khả năng sinh sản: Heo có khả năng sinh sản kém. Số con sơ sinh bình quân/lứa: 7-8 con, khả năng tiết sữa kém, đẻ khó.

    Về khả năng sinh trưởng: Giống heo Duroc có khả năng sinh trưởng tốt, 6 tháng tuổi đạt trọng lượng 100 kg, tỉ lệ nạc cao: 52-57%. Heo trưởng thành đạt 230-270 kg/con.

    Tại Việt Nam thường sử dụng giống heo Duroc trong công thức lai 2, 3 máu để tạo ra heo thương phẩm có năng suất cao và chất lượng thịt tốt để nuôi thịt.

    4. Giống heo Pietrain:

    Giống heo Pietrain có những đặc điểm:Lông có màu trắng – xám với những vết đen và đỏ không đều trên lông và da, kết cấu cơ thể rộng, vai - mông rất phát triển, đặc biệt là phần cơ ở phía sau phát triển mạnh. Lưng thẳng, dài vừa phải, đầu nhỏ, tai ngắn, 4 chân thấp.

    Giống heo Pietrain có khả năng sinh sản trung bình (9 –10 con/lứa), khả năng sinh trưởng tốt, tỷ lệ nạc cao 61 – 63%, do vậy thường sử dụng heo đực giống Pietrain trong công thức lai thương phẩm để nâng cao năng suất thịt nạc.

    III. Lai kinh tế trong chăn nuôi heo thịt:

    Lai kinh tế là sự giao phối của 2 nhóm giống khác nhau nhằm tạo ra ưu thế lai cho đời sau có năng suất cao hơn, chăn nuôi có hiệu quả hơn. Lai kinh tế có 2 loại:

    1. Lai kinh tế đơn giản: Là sự giao phối của các giống thuần chủng khác nhau, ví du: Heo đực Yorkshire x Heo cái Móng Cái; Heo đực Yorkshire x Heo cái Thuộc Nhiêu

    Lai kinh tế không có nghĩa là lai giống heo ngoại với heo nội để cải thiện năng suất mà còn lai giống giữa 2 giống heo ngoại để cải thiện 1 số nhược điểm của giống heo ngoại. Ví dụ: Heo đực Landrace x Heo cái Yorshire; Heo đực Duroc x Heo cái Yorshire

    2. Lai kinh tế phức tạp: lai kinh tế phức tạp là sự giao phối giữa 2 con vật khác giống rồi giữ con lai  đó lại cho lai tiếp với con đực khác giống với 2 giống trước. Không những thế, lai kinh tế phức tạp còn dùng con nái lai của công thức này cho phối giống với con đực lai của một công thức khác, Ví dụ:

    Lai 3 máu:

    Trong chăn nuôi heo thịt thường sử dụng heo lai kinh tế nuôi thịt thì cho năng suất cao hơn do tận dụng được ưu thế lai ở mức tối đa, heo lai có ưu thế về tốc độ sinh trưởng, sức sống cao hơn bình quân giá trị về tốc độ sinh trưởng và sức sống của bố mẹ chúng.

    VI. Chọn heo giống tốt để nuôi

    1. Đối với heo nuôi thịt:

    - Về giống heo: Nên chọn những giống heo lai kinh tế để nuôi thịt như heo lai Y-L,  Y-D, hoăc heo lai 3 máu Y-L-D, Y-D-L, hay 4 máu L-Y-D-H,.... Tuy nhiên, đối với vùng nông thôn do điều kiện thức ăn còn thiếu thốn, nên chọn heo lai kinh tế có 50 % đến 75 % máu Yorkshire, hoặc Landrace để nuôi thịt.

    - Về ngoại hình: Phải mang đặc tính giống heo.

    + Lưng thẳng, đòn dài, ngực, mông nở nang.

    + Lông thưa, da mỏng, hồng hào 

    + 4 chân phải vững chắc, đùi to.

    - Heo con khi mua (60 ngày tuổi) phải đạt trọng lượng từ 18 – 20 kg /con đối với heo ngoại và 12-13 kg/con  đối với heo lai có 50-75 % máu heo ngoại.

    - Heo phải được tiêm phòng đầy đủ các loại Vaccin phòng bệnh như phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả.

    2. Đối với heo làm cái sinh sản:

    Heo nái sản xuất ra heo con nuôi thịt nên cần phải mang những đặc điển heo thịt và có thêm những đặc điểm sau: Nái mắn đẻ, dễ thụ thai, mỗi năm đẻ từ 1,8-2 lứa. Đẻ sai con, mỗi lứa đẻ 10-12 con, có nhiều sữa, nuôi con khéo. Để đạt được các yêu cầu trên thì:

    - Heo phải có 12 vú trở lên, vú đều không lép, không bị dị tật, khoảng cách giữa 2 hàng vú đều nhau, núm vú lộ rõ. Chân thẳng, cứng, móng chân đều và khít

    - Heo phải được chọn từ những heo nái có khả năng sinh sản tốt, biết được gia phả bố và mẹ .

    -  Heo để giống phải là heo không bị nhiễm bệnh nhất là bệnh thương hàn kinh niên và bệnh sẩy thai.

   

    PHẦN II: XÂY DỰNG CHUỒNG TRẠI

    Trong chăn nuôi, chuồng trại đóng vai trò quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe heo và năng suất chăn nuôi. Chuồng trại xây dựng đúng kỹ thuật sẽ giúp cho heo nuôi chóng lớn, ít mắc bệnh, ít tốn thức ăn, rút ngắn thời gian nuôi… như vậy chăn nuôi sẽ có lời.

    I. Yêu cầu ngoại cảnh:

    1. Nhiệt độ:

    - Nhiệt độ thích hợp heo nái: 20 - 24 0C

    - Nhiệt độ thích hợp heo đực: 20 0C

    - Nhiệt độ thích hợp heo thịt: 20 - 24 0C

    - Nhiệt độ thích hợp heo sơ sinh: 30 0C

    - Nhiệt độ thích hợp heo con 1 tuần: 28 0C

    - Nhiệt độ thích hợp heo con 2 tuần: 24 0C

    Heo con mới đẻ ra (trong 1 tuần đầu) khả năng chịu lạnh rất kém, nếu nhiệt độ xuống thấp 20 0C, heo con nằm chen chúc nhau để sưởi ấm vì heo con ít lông và ít mỡ để chống lạnh. Đặc biệt khi heo con mới đẻ ra, thân nhiệt giảm xuống: 36 - 37 0C. Sau 2 ngày mới lấy lại nhiệt độ bình thường: 39 0C. Do vậy, phải có biện pháp chống lạnh cho heo con và sự thiếu đường trong máu bằng cách phải úm cho heo con sưởi ấm. Thường khi thời tiết lạnh, độ ẩm cao, nếu có gió lùa làm cho heo con mất nhiệt, heo sẽ bị tiêu chảy nhiều.

    3. Độ ẩm:  Khi xây chuồng cần lưu ý:

    - Nền chuồng heo phải cao ráo, độ dốc bảo đảm (3%) để dễ thoát nước.

    - Tránh mưa hắt vào chuồng, nhất là vào mùa mưa

    - Cống rãnh phải thoát nước dễ dàng

    - Chuồng trại phải khô ráo.

    4. Độ thông thoáng:

    Chuồng trại phải xây dựng cao ráo, thông thoáng và nhốt heo với mật độ vừa phải. Chuồng nền thì diện tích cho từng loại heo là:

    - Heo nái: 6 m2

    - Heo thịt: 1-1,2 m2

    - Heo đực: 4-6 m2/con.

    Tường chuồng heo không cao quá, nên có các lỗ để bảo đảm sự thông thoáng tự nhiên.

    II. Cách xây dựng chuồng trại:

    1. Ý nghĩa của chuồng trại trong chăn nuôi heo:

    - Tạo nên tiểu khí hậu thích hợp để heo sinh trưởng- sinh sản tốt nhất.

    - Giúp cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng chống các bệnh và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất .

    - Là nơi tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến .

    2. Các yêu cầu kỹ thuật:

    a. Hướng chuồng :

    Hướng chuồng heo rất quan trọng vì nó góp phần vào việc giữ gìn sức khỏe cho heo, vì vậy không phải xây chuồng hướng nào cũng được. Thường người ta làm chuồng heo theo hướng nhà của mình,  Đông hay hướng Đông Nam .

    Lợi ích của việc làm chuồng theo hướng này: Tận dụng ánh nắng ban mai chiếu rọi vào chuồng giúp hủy diệt những loại vi trùng, vi khuẩn tác hại đến sức khỏe của heo. Ánh nắng ban mai góp phần vào sự sinh trưởng của heo như giúp chúng tránh bệnh còi xương, ốm yếu không lớn nổi. Heo thích được tắm nắng để sưởi ấm.

    b. Tường:  Vách chuồng có tác dụng tránh gió lùa và mưa tạt nên phải đạt các yêu cầu sau: Phải kiên cố, đảm bảo thông thoáng tự nhiên, rẻ tiền.

    Kích thước tường như sau:

STT

Loại heo

Chiều cao ( cm)

Bề dày (cm)

1

2

3

Heo đực giống

Heo nái

Heo thịt

1,2 - 1,5

0,7 – 0,8

0,7 – 0,8

20

10 – 12

10

 

    c. Nền chuồng: nền chuồng phải vững chắc để tránh heo ủi, có độ dốc từ 2 - 3% để thoát nước, phải nhám tránh trơn trợt.

    Thường nền chuồng heo gồm 3 lớp kết cấu: Lớp đất nện (20 cm), lớp đá 4 x 6 (10 – 15 cm), lớp đá 1 x 2 (10 cm).

    d. Đường mương:  Dùng để thoát nước dội chuồng, nước tắm heo, nên làm ở bên ngoài chuồng tránh đọng nước. Kích thước 20 cm x 20 cm x 15 cm, độ dốc: 1%

    e. Cửa chuồng: Rộng tối thiểu 60 cm, cao hơn mặt nền 1-2 cm, không nên bố trí chướng ngại vật trước cửa chuồng như mương sâu, máng ăn.

    f. Mái chuồng: Dùng che nắng, che mưa và giữ nhiệt độ bên trong chuồng được điều hòa, tạo không khí thoáng mát cho heo. Có nhiều kiểu mái, loại 1 mái, loại 2 mái, kiểu nóc đôi; nhưng yêu cầu phải Thoáng mát, tránh được gió lùa, tiết kiệm chi phí xây dựng.

    g. Máng ăn- máng uống :

    -  Máng ăn: Nên làm máng xây cố định, máng ăn phải chắc chắn, để tránh heo gặm ủi. Tốt nhất nên lót máng ăn bằng loại sứ vào lòng máng  để dễ vệ sinh, máng phải có lổ thoát nước – có thể bố trí song sắt  chia chổ ăn cho heo để heo không nằm trong lòng máng.

    - Máng uống: Hiện nay, người ta thường dùng đặt núm uống tự động cho heo, vừa đảm bảo vệ sinh và tiết kiệm được nước nhưng cần phải có tháp nước hoặc bồn chứa để tạo áp lực.

    h. Diện tích cho từng loại heo như sau:

STT

Loại heo

Diện tích chuồng nuôi /con (m2 )

1

2

3

Heo nái

Heo thịt

Heo đực

6

1 – 1,2

4- 6

 

    Đối với chuồng heo nái đẻ nên có chuồng úm cho heo con.

    III.  Kiểu chuồng hiện đại “ nuôi heo trên lồng”:

    - Ưu điểm: Theo dõi heo thuận lợi, vệ sinh dễ dàng, chuồng luôn khô ráo, tiết kiệm mặt bằng, lao động chăm sóc. Heo con cai sữa, heo mẹ ít bị tiêu chảy, cho heo ăn đúng và đủ khẩu phần tùy theo thể trạng của heo. Nái chờ phối và mang thai được nuôi chuồng cá thể.

    - Nhược điểm: Chi phí xây dựng chuồng trại cao và đắt tiền. Cần có những nguyên liệu chắc, bền ( sắt, ống thép, bê tông )

    - Đối với chuồng heo nái nuôi con: Chiều dài chuồng 2,2-2,4 m, chiều rộng 1,8 m-2,15m ( chỗ nhốt heo mẹ 0,65 m, chiều rộng úm heo con: 1 bên 0,8 m - 1 bên 0,4 m). Máng ăn được thiết kế phía trước lồng có kích thước dài 0,6 m, rộng 0,4 m, cao trước 0,35m, cao phía trong chuồng 0,25 m.

    - Đối với chuồng heo nái chửa và chờ phối: Chiều dài của lồng 1,8 -2 m, rộng chuồng 0,65m. Máng ăn thiết kế theo chiều dài của dãy chuồng lồng, rộng 0,4 m, cao phía trước 0,35m, cao phía trong chuồng 0,25 m

    - Đối với chuồng heo cai sữa: Heo chuyển đàn 10 kg cần 0,15 m2/con, heo chuyển đàn 15 kg cần 0,20 m2/con, heo chuyển đàn 20 kg cần 0,35 m2/con. Máng ăn được thiết kế dọc thành chuồng từ 0,12 đến 0,15 m/con

   

    PHẦN III :  KỸ THUẬT NUÔI HEO NÁI SINH SẢN

    I. HEO NÁI:

    1. Sự lên giống của heo:

    a. Phát hiện nái động dục ( lên giống):

    Khi heo cái (heo ngoại) đến 6 - 7 tháng tuổi thì thành thục sinh dục, tức là heo có biểu hiện động dục. Khi heo cái động dục có các biểu hiện:

    - Heo cái ăn ít hoặc bỏ ăn, thường hay kêu la, gặm máng, phá chuồng, nếu nhốt chung với heo khác thì hay nhảy lên lưng con khác.

    - Âm hộ sưng to, đỏ và có nước nhờn chảy ra, lúc đầu âm hộ có màu đỏ tươi sau đó sậm màu và  nhăn nheo trở lại.

    b. Thời gian lên giống của heo và thời điểm phối giống thích hợp:

    Thời gian động dục của heo kéo dài 3 - 5 ngày, thậm chí có con kéo dài 6 - 7 ngày. Lần đầu tiên động dục số trứng rụng ít nên số con đẻ ra ít, do vậy thường bỏ qua lần đầu. Việc xác định thời điểm thích hợp để phối giống cho heo cái là rất quan trọng. Nó quyết định đến tỷ lệ đậu thai của heo nái. Thời điểm phối giống thích hợp cho heo cái khi heo cái có các biểu hiện sau:

    - Dùng tay ấn lên mông, lưng thì heo có phản xạ đứng yên (mê đực), hai tai heo vểnh lên, đẩy không đi.

    - Âm hộ bớt sưng, có nếp nhăn và chuyển từ màu đỏ sậm sang màu đỏ nhạt.

    - Nước nhờn ở âm hộ heo tiết ra đặc.

    Thường heo tơ phối giống vào ngày thứ 3 - 4 sau khi heo lên giống, heo đã đẻ trên 1 lứa thì thường phối giống vào ngày thứ 2 - 3. Để nâng cao tỷ lệ đậu thai, số con đẻ nhiều trên 1 lứa đẻ thì ta nên theo dõi kỹ càng các biểu hiện lên giống của từng con để quyết định thời gian phối giống thích hợp và nên phối giống lập lại sau lần phối thứ nhất từ 6- 12 giờ để nâng cao tỷ lệ thụ thai.

    c. Chu kỳ lên giống:

    Chu kỳ lên giống là khoảng thời gian giữa 2 lần lên giống. Chu kỳ lên giống của heo trung bình là 21 ngày. Do vậy, cần phải theo dõi kỹ càng chu kỳ lên giống để phát hiện ngày bắt đầu lên giống của chu kỳ sau, có như vậy mới phát hiện thời điểm phối giống được chính xác. Khi heo cái đã được phối giống, nếu sau 21 ngày mà heo không có biểu hiện lên giống trở lại thì heo đã mang thai.

    1. Chăm sóc nái mang thai:

    a. Nuôi dưỡng và chăm sóc:

    Thời gian mang thai của heo nái bình quân: 114 ngày, trong thời gian mang thai việc nuôi dưỡng và chăm sóc heo cần lưu ý các vấn đề sau: 

    * Thức ăn: Thường trong thời gian mang thai, chia ra làm 2 giai đoạn:

    - Giai đoạn 1-85 ngày: Trong thời kỳ này bào thai thường phát triển chậm, nái sẽ sử dụng dinh dưỡng trong  thức ăn để sau này cần thiết cho việc tạo sữa. Tuy nhiên, nếu cho ăn quá nhiều thì nái sẽ mập mỡ làm cho heo nái đẻ khó và không kinh tế. Vì vậy, lượng thức ăn cho heo nái trong giai đoạn này bình quân từ 1,8-2,2 kg/con/ngày. Cho ăn theo định mức sẽ tạo ngoại hình heo lý tưởng, hạn chế chết phôi, tiết kiệm chi phí thức ăn

    - Giai đoạn 86 - 114 ngày: trong thời kỳ này, bào thai phát triển mạnh, cần tăng cường lượng thức ăn cho heo nái, lượng thức ăn bình quân 2,5 – 2,7 kg/con/ngày. Mục đích: tăng trọng lượng heo con sơ sinh, kích thích heo mẹ đẻ ăn nhiều, thai khỏe mạnh, đồng đều, tăng tỷ lệ sống.

    Gần đến ngày đẻ nên giảm lượng thức ăn xuống để tránh dư thừa sữa dễ gây viêm vú cho heo nái sau khi đẻ.

    Lưu ý: Thức ăn cho heo nái mang thai phải đầy đủ dưỡng chất, đủ năng lượng (2.800 – 3.000 Kcal/Kg), đạm (13 – 15%), vitamin và khoáng. Chất lượng thức ăn phải tốt, không có nấm mốc. Nếu thức ăn bị nhiễm độc tố của nấm mốc (Aflatoxin) thì sẽ làm chết thai, khô thai, sẩy thai.

    * Nước uống: Phải cung cấp đầy đủ nước cho heo nái mang thai, nước phải sạch bảo đảm vệ sinh, bình quân cung cấp 15 lít/ con/ngày.

    * Chăm sóc: Heo phải được tắm mát hàng ngày, khi thời tiết nắng nóng phải chống nóng cho heo. Tránh lùa, đuổi heo dễ làm sẩy thai, nhất là trong thời gian heo nái mang thai tháng thứ nhất. 7 ngày trước khi đẻ, đưa heo sang chuồng đẻ, chuồng đẻ phải được vệ sinh, tẩy uế cẩn thận.

    2. Chăm sóc nái đẻ:

    a. Chuẩn bị dụng cụ đỡ đẻ:

    Để chuẩn bị đỡ đẻ cho heo ta cần chuẩn bị 1 số dụng cụ và thuốc thú y như sau:

    - Dụng cụ đỡ đẻ: kéo, kềm bấm răng, dây cột rốn, bông, khăn khô lau cho heo con, đèn, lồng úm.

    - Dụng cụ và thuốc thú y: Để can thiệp kịp thời khi heo đẻ khó ta chuẩn bị ống chích và 1 ít thuốc thú y như: Oxytoxin, Vitamin C, Bcomplex….

    b.  Những dấu hiệu nái sắp sinh:

    Khi heo nái gần đến ngày sanh thì heo trở nên mệt mỏi, ít vận động và thích nằm 1 chỗ. Bụng rất to và sa xuống thấp nên đi đứng có vẻ nặng nề, khó khăn. Thường 1 tuần trước khi sanh thì heo đã có biểu hiện này rồi.

    Các bầu vú phát triển, âm hộ sưng to, càng gần giờ đẻ thì nước nhờn trong âm hộ  chảy ra càng nhiều.

    Ngày chuyển bụng đẻ thì heo nái có biểu hiện ủi nền chuồng (quầng ổ) ta nên bỏ rơm vào để nái nằm giữ sức. Heo nái không ăn hay ăn ít, hay đi lại và có hiện tượng đi phân và đi tiểu mót (từng tí một).

    Khi heo nằm xuống ta khám vú, nếu có sữa vọt thành tia thì vài tiếng đồng hồ sau heo nái sẽ đẻ. Nếu khám âm hộ có nước ối chảy ra (nước đục có lợn cợn đen như hạt đu đủ gọi là phân su) thì heo con sắp được sinh ra. Vì vậy ta chuẩn bị đỡ đẻ cho heo.

    c. Đỡ đẻ cho  heo:

    Khi thấy heo nái rặn đẻ, giơ chân sau lên phía trên, đuôi cong lại là heo con sắp được sinh ra. Ta chuẩn bị đỡ đẻ cho heo.

    Khi heo con vừa sinh ra, dùng giẻ sạch nhanh chóng lau nhớt trong mũi, miệng và quanh đầu heo, sau đó lau khô toàn thân.

    Cột rốn cho heo con bằng chỉ đã được sát trùng, buộc chặt cuống rốn cách bụng heo con 2-3 cm , sau đó cắt rốn cách chỗ cột 1 cm rồi sát trùng chỗ cắt bằng cồn Iốt.

    Tiếp đến cắt răng cho heo con, dùng kềm bấm răng để cắt 8 răng sữa của heo con (4 cái hàm trên, 4 cái hàm dưới), phải cắt bằng, không cắt đụng nướu heo con. Việc cắt răng cho heo con nhằm tránh gây vết thương cho nhau khi giành bú và gây thương tích làm vú mẹ bị lở loét và viêm.

    Sau khi cắt rốn và bấm răng cho heo con, ta cho heo con vào bú liền để heo con tận dụng được sữa đầu và kích thích heo nái rặn đẻ. Cứ 1-2 giờ cho bú 1 lần rồi cho vào chuồng úm.

    Sau khi heo nái đẻ xong thì sau 4 – 6 giờ sẽ đẩy nhau thai ra hết, hoặc đẻ ra vài con thì đẩy nhau ra rồi tiếp tục đẻ, phải kiểm tra số nhau thai bằng số heo con đẻ ra bằng cách kiểm tra cuống rốn ở lá nhau. Nếu thiếu nhau tức là còn sót nhau, ta phải xử lý để đẩy nhau ra bằng cách tiêm Oxytoxin cho heo nái theo liều 10 UI/100 kg thể trọng.

    d. Xử lý heo nái đẻ khó:

    Khi heo nái vỡ ối sau một vài cơn rặn, đuôi  cong lại thì heo con sẽ được tống ra. Cứ trung bình 10- 15 phút heo nái sẽ đẻ được 1 con, có trường hợp heo nái đẻ liên tục 2-3 con trong vòng 10-15 phút và trong vòng 2-4 giờ thì heo nái đẻ hết con, và 2-4 giờ sau thì nhau thai sẽ ra hết.

    Nhưng sau khi heo nái đã vỡ ối khá lâu (2 giờ) mà thai không được tống ra thì chúng ta phải can thiệp bằng cách:

    - Dùng cồn  sát trùng tay, sau đó lấy dầu ăn thoa vào tay.

    - Đưa tay từ từ vào âm đạo để kiểm tra, nếu thấy heo con thì dùng tay kéo phụ ra theo nhịp rặn của heo nái. Nếu đầu ra trước thì dùng ngón trỏ đưa vào miệng và ngón cái ở dưới hàm, kẹp 2 ngón tay để từ từ kéo heo con ra theo nhịp rặn của heo nái. Nếu 2 chân sau ra trước, thì ta dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp giữa 2 chân sau và từ từ kéo thai ra theo nhịp rặn của heo nái.

    Trường hợp đưa tay vào âm đạo, qua tử cung và xác định cổ tử cung đã mở rộng mà không thấy heo con thì ta có thể dùng Oxytoxin để can thiệp cho heo nái rặn đẻ. Liều sử dụng 10 UI/100 kg trọng lượng. Sau khi chích thì khoảng 10 phút sau heo nái sẽ rặn để tống heo con ra. Mỗi heo nái chỉ nên chích 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 giờ.

    Hô hấp nhân tạo khi heo con bị ngạt: Khi heo con đẻ ra bị ngạt, cần phải can thiệp ngay bằng cách hô hấp nhân tạo. Móc sạch nhớt ở miệng heo con, dùng tay bịt mõm heo lại và dùng miệng hút nhẹ mũi heo để nước nhớt trong mũi chảy ra ngoài. Sau đó để heo nằm, dùng giẻ lau vùng phổi và ấn nhẹ vào sườn theo nhịp đều đều 15-20 lần/phút  để giúp heo thở đồng thời phải sưởi ấm heo con bằng đèn hoặc lau bằng nước ấm.

    3. Chăm sóc nái sau khi đẻ:

    a. Các biện pháp xử lý để phòng viêm tử cung, viêm vú:

    Heo nái sau khi sinh rất dễ bị viêm tử cung, viêm vú, đặc biệt là heo nái đẻ khó phải can thiệp thì hầu hết heo sẽ bị viêm tử cung. Để phòng ngừa heo nái bị viêm tử cung, viêm vú chúng ta phải xử lý như sau:

    Chuồng trại cho heo trong và sau khi đẻ phải vệ sinh thật sạch sẽ.

    Sau khi nhau thai đã ra hết thì cần phải thụt rửa đường sinh dục cho heo nái. Sử dụng thuốc tím 1%o  (1 g/1 lít nước) hoặc Biodin 1,5%o (1,5 cc/1 lít nước thụt rửa mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 2 lít. Sau 1-2 giờ thì bơm kháng sinh vào đường sinh dục (liều dùng: 2 triệu peniciline + 2 gr streptomycine/50cc nước cất hoặc 2 gr Tetramycine/50 cc nước cất). Tiến hành thụt rửa trong 2-3 ngày sau khi sinh.

    Trường hợp heo bị sốt thì phải tiêm ngay kháng sinh cho heo. Các kháng sinh thường sử dụng để phòng viêm tử cung  mà không sợ mất sửa như: Tetramycine 10 cc/1 con hoặc Suanavil: 10 cc/ nái/ngày, chích liên tục trong 3-4 ngày và kèm theo thuốc trợ sức, thuốc bổ như Vitamine C: 1 g/nái/ngày, Vitamine Bcomplex: 10 cc/nái /ngày.

    b. Chăm sóc và nuôi dưỡng heo nái:

    Lượng sữa heo nái phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống heo, tuổi, số con đẻ ra, và lượng thức ăn cho heo nái trong thời gian nuôi con. Ngoài việc chọn giống heo để có heo nái cho nhiều sữa, thì việc cung cấp thức ăn cho heo nái trong thời gian nuôi con hết sức quan trọng. Khi heo nái đẻ nhiều con từ 10 con trở lên thì hàng ngày heo tiết ra khoảng 6 lít sữa/ngày. Do vậy, lượng thức ăn cung cấp cho heo nái phải đầy đủ về số lượng và chất lượng thức ăn phải tốt, giá trị dinh dưỡng trong thức ăn phải cao có đủ năng lượng và đạm.

    + Khẩu phần cho ăn của heo nái đẻ như sau:

    Số lượng thức ăn heo nái/ngày = 3 kg  +  ( số con đẻ ra x 0,3 kg/con)

    Ví dụ: nếu heo nái đẻ ra 10 con thì khẩu phần ăn của heo nái trong 1 ngày như sau: 3 kg +  (10 con x 0,3 kg/con ) =  6 kg.

    + Về chất lượng thức ăn: phải đảm bảo năng lượng 2.800 KCal, đạm thô: 16 %, Can xi 0,9 %, Phospho: 0,6 %

    Lưu ý: Heo nái sau khi đẻ thì chưa ăn hết khẩu phần, phải tăng dần khẩu phần thức ăn cho heo nái từ từ cho đến khi đúng lượng thức ăn cho heo nái. Cách cho ăn như sau:  Ngày nái đẻ cho ăn 0,5 – 1,5 kg, mỗi ngày tăng thêm khoảng 0,5 kg, đến 1 tuần thì có thể cho ăn tự do.

    + Chăm sóc heo nái sau khi đẻ: Cần thực hiện tốt một số công việc sau:

    - Sau khi đẻ xong, dùng nước ấm lau sạch nhớt, máu trên mình heo nái, nhất là ở vú, âm hộ, hai bên hông.

    - Dọn sạch chuồng, giữ chuồng luôn khô ráo, ấm.

    - Cung cấp đầy đủ nước sạch cho heo nái.

    - Trong tuần đầu không cần tắm cho heo nái, chỉ lau sạch vùng vú và bộ phận sinh dục, kiểm tra thường xuyên sức khỏe của nái để can thiệp kịp thời.

    II. CHĂM SÓC HEO CON:

    1. Heo con sinh ra phải được bú sữa đầu:

    Sữa đầu chỉ có trong 24 giờ sau khi sinh. Sữa đầu có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là lượng protein cao, chứa 5-6 %, trong đó có Globulin là rất quan trọng vì nó là chất kháng thể của mẹ truyền cho con để phòng và chống các bệnh cho heo con.

    Sau khi heo con được đẻ ra, ta thả heo con bú ngay, vừa tranh thủ bú được nhiều sữa đầu, vừa kích thích heo nái đẻ nhanh hơn. Nếu để lâu không cho  heo con bú sẽ dễ bị cảm lạnh  hoặc bị cứng hàm.

    2. Cần phải úm cho heo con:

    Heo con sau khi sinh thân nhiệt của heo giảm xuống 370C, khả năng điều tiết thân nhiệt  kém trong những ngày đầu mới sanh nên heo con rất dễ cảm lạnh và bị tiêu chảy. Do đó heo con đẻ ra phải được úm để giữ ấm. Đặc biệt là heo con được đẻ vào mùa mưa, thời tiết lạnh nên dùng đèn điện úm cho heo con trong thời gian 2 tuần đầu, nhiệt độ chuồng úm từ 30-350C.

    Chuồng  heo nái phải khô ráo, ấm áp tránh mưa tạt vào.

    3. Chích sắt cho heo con:

    Sắt là thành phần cấu tạo máu, thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu làm cho heo con bị tiêu chảy, da nhợt nhạt, sức kháng kém. Heo con cần nhu cầu sắt rất cao  (7 mg/ngày/con) trong khi đó sữa heo mẹ chỉ cung cấp được bình quân: 2-3 mg/ngày/con. Do đó, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu sắt nếu ta không cấp trực tiếp sắt cho heo con.

    Vì vậy, ta phải chích sắt cho heo con lần đầu vào ngày thứ 3 là tốt nhất với liều chích: 1 ml/con (1ml chứa 100 mg sắt).  Đến 10 ngày tuổi ta tiếp tục chích: 1ml/ con.

    Vị trí chích: 3 ngày tuổi nên chích ở đùi sau hay mông, 10 ngày tuổi nên chích ở sau gốc tai.

    4. Cai sữa sớm heo con và những vấn đề cần chú ý:

    Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng hộ chăn nuôi mà nên tiến hành cai sữa sớm heo con, có thể cai sữa sớm heo con vào lúc 4 tuần tuổi, với điều kiện heo con đã tự ăn, uống bình thường và phải đạt trọng lượng trên 5 kg/con. Cai sữa sớm heo con có nhiều lợi ích:

    - Heo nái sẽ lên giống sớm từ đó tăng lứa đẻ của nái trong năm.

    - Hao mòn cơ thể heo nái ít.

    - Giảm được thức ăn của heo nái.

    - Heo con sẽ lớn nhanh, đồng đều.

    Tuy nhiên, khi cai sữa sớm heo con cần lưu ý những vấn đề sau:

    - Phải cai sữa từ từ, tránh đột ngột bằng cách giảm lần bú trong ngày.

    - Trong ngày heo con cai sữa nên giảm lượng thức ăn xuống còn 50% so với khẩu phần thức ăn hàng ngày sau đó mới tăng dần lên và nên trộn kháng sinh để phòng bệnh tiêu chảy cho heo con, có thể dùng Enro- Colistin: liều lượng 100 gr/60 kg thức ăn.

    - Cung cấp đầy đủ nước cho heo con, giữ chuồng khô, ấm.

    5. Tập cho heo con ăn  sớm:

    Heo con theo mẹ nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng để đáp ứng cho đòi hỏi sự phát triển của cơ thể. Trong khi đó sản lượng sữa của heo mẹ chỉ tăng dần sau khi đẻ cho đến 21 ngày sau đó giảm dần xuống. Vì vậy phải tập cho heo con ăn sớm để đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của heo con, đồng thời tập cho heo con quen dần với thức ăn cung cấp từ bên ngoài vào. Khi khả năng tiết sữa heo nái giảm thì heo con đã ăn khỏe nên không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của heo con. Không những thế, còn cai sữa sớm được heo con để heo nái giảm hao mòn cơ thể, heo nái lên giống sớm để tăng lứa đẻ trong năm.

    Tuy nhiên, thức ăn tập cho heo con phải đầy đủ dinh dưỡng dễ tiêu hóa để phù hợp với bộ máy tiêu hóa của heo con.

    Nên tập ăn cho heo con theo mẹ vào lúc 7-10 ngày tuổi, tập ăn cho heo con bằng cách: dùng thức ăn tập ăn nhét vào miệng heo hoặc bôi thức ăn lên vú mẹ, hoặc để thức ăn trong máng tập ăn của heo con để heo con liếm. Chỉ sau 2-3 ngày heo con sẽ quen dần.

    Để hấp dẫn cho heo con ăn, thức ăn tập ăn phải đạt 3 yêu cầu: dễ tiêu hóa, giá trị dinh dưỡng cao, ngon miệng và sạch.

    6. Thiến heo đực:

    Những heo đực không chọn để làm giống thì nên thiến vào lúc 12 -15 ngày tuổi. Vì lúc đó heo con ít bị chảy máu, dễ giữ, heo mẹ còn khả năng tiết sữa cao nên heo con mau lành vết thương. Không nên thiến heo đực vào lúc tiêm phòng vaccin hoặc khi cai sữa. Cách thiến heo đực:

    + Heo con được giữ chặt , rửa sạch dịch hoàn bằng nước xà phòng.

    + Sát trùng dịch hoàn bằng cồn.

    + Dùng dao thật bén, đã được sát trùng rạch một đường 2 cm dọc theo đường trắng giữa 2 dịch hoàn, sau đó nặn mạnh tay thì dịch hoàn sẽ lòi ra ngoài.

    + Dùng kìm kẹp chặt đoạn trong dịch hoàn và dùng kìm khác xoắn dịch hoàn cho đến đứt, không được cắt máu sẽ chảy nhiều hơn.

    + Tiếp tục thiến dịch hoàn thứ 2 theo cách trên.

    + Cuối cùng phải sát trùng cẩn thận vết mổ bằng cồn Iốt và giữ vết mổ thật sạch, khô để không bị nhiễm trùng.

    7. Ghép đàn cho heo:

    Việc ghép đàn heo con nhằm bảo đảm cho việc tăng tỷ lệ nuôi sống heo con, tăng trọng lượng cai sữa và bảo đảm độ đồng đều.

    - Nên ghép heo con ở ổ nái đẻ trước sang nái đẻ sau thì có hiệu quả hơn, nếu ghép heo con từ nái đẻ sau sang nái đẻ trước thì ít hiệu quả hơn.

    - Trước khi ghép sang đàn mới nên cho heo con bú được sữa đầu của heo mẹ cũ.

    - Khi ghép heo con thì chọn thời điểm heo nái vừa hết ra nhau, dính nước nhau hay nước tiểu của heo mẹ bôi lên những con mới nhập để heo mẹ khó phân biệt, không nên cho những con ghép đi về phía mũi của heo nái trong thời gian mới ghép.

     PHẦN III: CHĂN NUÔI HEO THỊT

1. Cho heo ăn uống đúng cách:

    Thức ăn có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình chăn nuôi heo thịt. Thức ăn giúp cho con giống phát triển tốt, tùy theo từng giai đoạn phát triển của heo thịt mà cung cấp khẩu phần hợp lý để đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng cho heo thịt.

    - Mức ăn cho heo như sau:

    + Trọng lượng heo 20 kg – 30 kg: cho ăn 1,2 – 1,5 kg/con/ ngày.

    + Trọng lượng heo 31kg - 60 kg: cho ăn 1,5 – 2,3 kg/con/ngày.

    + Trọng lượng heo 61 kg – 100 kg: cho ăn 2,3- 3 kg/con/ngày.

    Hàng ngày cho heo ăn thêm từ 1-2 kg rau xanh.

    - Cho ăn đúng bữa, ngày 2-3 lần. Việc cung cấp thức ăn cho heo thịt đúng giờ sẽ có tác dụng tạo tính thèm ăn, tạo cho heo có phản xạ để tăng tiết các dịch tiêu hóa nên heo sử dụng và tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

    - Không nên thay đổi thức ăn đột ngột, trường hợp phải thay đổi khẩu phần, nên thay đổi từ từ.

    - Nên luôn luôn có nước sạch và cho heo uống nước tự do. Nước là 1 nhu cầu rất cần thiết cho cơ thể của heo, nước giữ vai trò quan trọng trong việc vận chuyển các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nếu thiếu nước thì sẽ làm hạn chế việc hấp thu các dưỡng chất, làm cho heo chậm lớn, nhất là trong giai đoạn kết thúc từ 61-100 kg. Vậy ta phải cung cấp đầy đủ nhu cầu nước cho heo, nguồn nước phải sạch, tốt nhất là sử dụng vòi nước uống tự động, để cho heo uống tùy theo nhu cầu cơ thể, nếu chưa có vòi uống tự động thì ta có thể cho heo uống nước sau mỗi bữa ăn như sau:

    + Heo từ 20 –30 kg:  4-5 lít nước / ngày

    + Heo từ 31- 60 kg:  6-7 lít / ngày.

    + Heo từ 61 - 100 kg: 8-10 lít / ngày.

    Lưu ý: Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh hay thức ăn tự trộn không cần nấu chín mà cho heo ăn sống. Khi nấu chín thức ăn thì 1 số Vitamin có trong thức ăn sẽ mất đi, khi nuôi với số lượng lớn mà nấu chín thức ăn thì rất tốn công, tốn nhiều chất đốt.

    Hiện nay, nhiều hộ gia đình sử dụng thức ăn đậm đặc trộn với tấm, bắp cho heo ăn sống rất thuận lợi, tiết kiệm nhiều chất đốt và thời gian. Chỉ cần lưu ý là thức ăn sống khi cho ăn cần cho 1 ít nước, hơi ẩm để heo không bị bụi cám khi heo tranh ăn.

    2. Nhiệt độ chuồng nuôi thích hợp, tắm vệ sinh cho heo:

    Nhiệt độ chuồng nuôi quá nóng hay quá lạnh đều ảnh hưởng xấu cho heo, heo lớn chịu nóng kém vì mỡ dày, không có tuyến mồ hôi. Nóng bức, heo ăn ít, đi đứng nhiều ít nằm nên chậm lớn.

    Heo bài tiết chất cặn bả chủ yếu theo phân và nước tiểu ra ngoài. Heo lại có lớp mỡ rất dày nên khả năng bài tiết qua lỗ chân lông kém, chịu nóng kém nên tối thiểu phải tắm cho heo 1 ngày 1 lần. Khi thời tiết lạnh, đặc biệt là trong giai đoạn heo choai nên chờ lúc trời nóng ấm rồi tắm cho heo (khoảng 9-10 giờ sáng).

    Việc tắm cho heo có lợi ích là kích thích hoạt động, gây cảm giác dễ chịu cho heo để heo ăn nhiều, giữ vệ sinh sạch sẽ cho heo.

    3. Tẩy giun sán cho heo: Heo từ 2- 6 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm giun sán rất cao, tác hại của nó làm cho heo chậm lớn, sụt cân, tiêu tốn thức ăn cao vì giun sán lấy nguồn dinh dưỡng cấp cho heo làm cho heo chậm lớn, không những thế mà còn tiết các chất độc làm viêm ruột, gây cho heo đau bụng, tiêu chảy.

    Để cho heo tăng trọng nhanh, nuôi mau lớn thì phải tiến hành tẩy giun sán cho heo. Heo thịt phải được tẩy 2 lần: 1 lần sau khi cai sữa, 1 lần trước khi vỗ béo, dùng Levamisol với liều: 1 ml/ 10 kg thể trọng hoặc dùng Ivermectin 1ml/ 10 kg thể trọng.

    4. Phòng bệnh cho heo thịt:

    Trước khi mua heo về nuôi, chuồng trại, dụng cụ máng ăn, máng uống phải được tẩy trùng cẩn thận, có thể sử dụng dung dịch nước vôi 20 % hoặc Cloramin 0,1% hoặc Biodin 2%o để tẩy trùng.

    - Heo bắt đầu nuôi trong tuần đầu nên trộn kháng sinh vào thức ăn để phòng các bệnh tiêu chảy cho heo: Entro-Colistin 1 gói 100 g trộn vào 60 kg thức ăn, hoặc Norfloxacin: 1 gói 100 gr trộn vào 100 kg thức ăn.

    - Sau khi heo ổn định chúng ta có thể tiêm phòng lặp lại Vaccin dịch tả, tụ huyết trùng và phó thương hàn cho heo sau 1 tháng nuôi. Kết quả tiêm ngừa lần 2 có thể kéo dài đến thời điểm xuất thịt.

    - Thực hiện 3 sạch: chuồng sạch- thức ăn sạch- nước sạch.

    5. Chích Vitamin ADE: Vitamin là những chất rất cần thiết cho quá trình trao đổi chất  của cơ thể để giúp cho cơ thể sinh trưởng phát triển bình thường.

    Tuy nhiên, chỉ sử dụng trong trường hợp khẩu phần thiếu hụt Vitamin ADE cho heo. Khẩu phần đã dùng Premix Vitamin, hoặc sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh thì không cần tiêm bổ sung ADE cho heo. Nếu dư thừa thì cũng không tốt. Liều dùng:

    - Heo con 15 - 40 kg:  1ml/ con (1 tháng /1 lần)

    - Heo lớn  50-100 kg: 2 ml/ con (1 tháng/1 lần)

    6. Cách ước tính trọng lượng của heo:

    Có thể dùng phương pháp đo để tính trọng lượng heo thịt như sau:

    Trọng lượng heo thịt (kg) =  [Vòng ngực (m)]2 x dài thân (m) x 87,5

    - Vòng ngực: được đo sát ở phía sau chân trước.

    -  Dài thân: từ điểm giữa 2 tai đến khấu đuôi

    - Tư thế khi đo, heo phải đứng yên, ngẩng đầu lên

   

    PHẦN V: CÁC BỆNH THƯỜNG XẢY RA TRÊN HEO

    I. Phân biệt heo khỏe – heo bệnh:

    Người chăn nuôi nên quan tâm đúng mức để có thể biết được heo khỏe mạnh hay ốm yếu và tìm được nguyên nhân.

    1. Những biểu hiện khi heo khỏe mạnh:

    - Heo khỏe mạnh có những động tác nhanh nhẹn, khi đứng lúc nào cũng có vẻ tìm tòi cái gì trên mặt đất. Chân cứng cáp, cơ bắp khỏe mạnh, đi lại vững chắc, tai vễnh, đuôi phe phẩy, lưng thẳng.

    - Heo khỏe ăn ngon miệng có khi tỏ ra tham ăn, đến giờ ăn mà chưa được ăn thì kêu la và phá chuồng.

    - Lông mịn, mềm bóng. Mũi màu hồng tươi, ướt và mát

    - Phân có khuôn mềmvà không dính mũ, máu. Nước tiểu nhiều, trong.

    2. Những biểu hiện khi heo bệnh:

    - Dáng buồn bực, nằm im lìm, đi lại xiêu vẹo. Có khi heo sốt cao nhiệt độ lên đến 40 – 420C, heo không muốn cử động nữa dù bị đánh cũng không muốn đứng dậy.

    - Mũi heo khô, nóng, bầm đen. Mắt nhắm hoặc chỉ hé mở

    - Đuôi bỏ thỏng, lông khô xù xì.

    - Heo bị táo bón hay tiêu chảy, phân thúi khắm. Có bệnh làm cho heo tiểu ít, nước tiểu đỏ hoặc có màu cà phê.

    - Nhịp thở chậm hoặc nhanh hơn bình thường, thở đứt quãng, không đều và thở theo kiểu chó ngồi, thở bằng bụng 

    - Heo bỏ ăn nên sút cân rõ rệt

    3. Chăm sóc khi heo bệnh:

    - Nuôi nhốt riêng heo bệnh, xa đàn tránh lây lan sang con khác.

    - Chuồng phải thoáng mát, yên tĩnh tránh gió lùa. Có nước sạch để heo khát thì uống nước.

    - Nếu heo chưa bỏ ăn thì cho thức ăn dễ tiêu như cháo, rau non.

    - Lấy thân nhiệt ngày 2 lần: Sáng- chiều.

    - Heo sốt cao quá thì chà xát khắp mình bằng dấm hâm nóng hoặc đắp nước đá lên đầu.

    - Điều trị theo sự hướng dẫn của thú y.

    II. Phòng bệnh cho đàn heo:

    1. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng và thực hiện đúng quy trình vệ sinh thú y:

    - Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, hàng ngày phải quét dọn chuồng sạch sẽ, chuồng trại phải khô ráo.

    - Khi phát hiện heo bệnh phải cách ly ngay và điều trị kịp thời.

    - Hạn chế người vào chuồng heo.

    2. Tiêm phòng vaccin:

    - Đối với vaccin dịch tả heo:

    + Vùng an toàn dịch: Heo con 40 - 45 ngày tuổi tiêm phòng dịch tả, 2 ml/1 liều.

    + Vùng bị dịch:

    Lần 1: Heo con 21 ngày tuổi, chích ½ liều (đối với những heo con của những nái chưa được tiêm phòng). Heo con 30 ngày tuổi chích ½ liều (đối với những heo con của những nái đã được tiêm phòng) .

    Lần 2: Heo con đến 55 ngày tuổi chích 1 liều.

    Riêng heo hậu bị (chuẩn bị để nái): được tiêm phòng 2 tuần đến 3 tuần  trước khi phối giống. Những lần sau cứ 6 tháng tiêm 1 lần, mỗi lần 1 liều, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt.

    - Vaccin tụ huyết trùng:

    Heo con 50 ngày tuổi tiêm 1 con/1 liều. Những lần sau cứ 6 tháng tiêm 1 lần.

    - Vaccin phó thương hàn:

    Lần 1: Tiêm lúc heo con 21 ngày tuổi, liều tiêm: ½ liều

    Lần 2: 21 ngày sau chích 1 liều.

    Những lần sau cứ 6 tháng

    - Vaccin LMLM: vào lúc heo con được 8 tuần tuổi, nếu heo nái chưa được tiêm phòng thì tiêm vaccin LMLM cho heo con sớm hơn: 2 tuần, rồi 8 tuần tuổi tiêm lặp lại.

    Vị trí chích dưới da sau gốc tai hoặc mặt trong đùi của heo con.

    II. Những bệnh thường xảy ra trên heo:

    1. Dịch tả heo:

    Nguyên nhân gây bệnh:  Đây là một bệnh truyền nhiễm do vi rus gây ra

    Triệu chứng của bệnh:

    Thời gian nung bệnh từ 4-8 ngày (tối đa 2 – 30 ngày), bệnh xuất hiện qua 3 thể:

    - Thể quá cấp tính: Bệnh phát ra nhanh, heo đang khỏe mạnh tự nhiên bỏ ăn, sốt cao 41- 420C. Heo giãy giụa rồi lăn ra chết, tỷ lệ chết rất cao từ 90-100%. Bệnh tiến triển rất nhanh trong thời gian 1-2 ngày.

    -Thể cấp tính: Heo biếng ăn, sốt cao từ 40,5 – 41,50C trong 4-5 ngày, heo ủ rũ, hay nằm chồng lên nhau hoặc chui vào dưới rơm để nằm, mắt có ghèn. Heo đi phân táo bón sau đó tiêu chảy nặng có khi có cả máu tươi, mùi hôi thối. Trên da ở những vùng da mỏng (bẹn) có xuất hiện những chấm đỏ xuất huyết. Có con bị co giật, bại liệt hoặc đi chệnh choạng. Heo cái  sinh sản có chửa thường bị sẩy thai.

    - Thể mãn tính: Khi bệnh cấp tính kéo dài, thì chuyển sang thể mãn tính. Heo lúc táo bón, lúc tiêu chảy. Heo gầy còm, suy nhược, thích uống nước nhiều bệnh kéo dài 1- 2 tháng,  heo kiệt sức rồi chết. Nếu heo khỏi bệnh có miễn dịch nhưng gieo rắc mầm bệnh rất nguy hiểm.

    Bệnh tích:

    - Thể quá cấp: thường bệnh tích không rõ ràng, thấy niêm mạc viêm đỏ, các hạch lâm ba sưng và tụ huyết.

    - Thể cấp tính:  Lách bị nhồi huyết, rìa lách xuất huyết hình răng cưa. Thận xuất huyết. Niêm mạc đường tiêu hóa xuất huyết, van hồi manh tràng thường bị loét. Hạch lâm ba tụ máu, sưng. Phổi viêm tụ máu.

    - Thể mãn tính: Bệnh tích thường thấy ở phổi và ruột. Ruột viêm và bị loét, phổi dính vào lồng ngực.

    Cách phòng bệnh:

    Bệnh này do virus gây ra nên không có thuốc chữa, chủ yếu là áp dụng các biện pháp phòng ngừa như sau:

    - Tiêm phòng đúng qui trình.

    - Khi phát hiện heo nghi là bệnh dịch tả phải cách ly ngay và thực hiện nghiêm ngặt việc vệ sinh thú y và tiêu độc sát trùng chuồng trại, dụng cụ

    - Phải định kỳ sát trùng chuồng trại 1 tháng/1 lần, chuồng trại luôn sạch sẽ và hạn chế người ra vào. Luôn bảo đảm khẩu phần ăn cho heo đúng số lượng và chất lượng.

    2. Tụ huyết trùng:

    Nguyên nhân: Bệnh tụ huyết trùng heo do vi khuẩn Pasteurella Multocida gây ra. Bệnh xảy ra trên mọi lứa tuổi của heo, thường phổ biến ở heo 3-6 tháng tuổi.

    Triệu chứng:

    Thời gian nung bệnh thường từ 1-2 ngày, có khi vài giờ.

    - Thể quá cấp: Heo sốt cao 410 C, thở khó, ho, tím tái. Phù thủng ở dưới da vùng hầu, mặt. Heo chết nhanh trong vòng 1-2 giờ

    - Thể cấp tính: Heo ủ rũ bỏ ăn, sốt cao 410 C. Niêm mạc mũi bị viêm, heo thở khó, chảy nước mũi, ho khan từng tiếng, co rút toàn thân. Xuất hiện nhiều vết tím đỏ trên da, đặc biệt là vùng hầu, niêm mạc tím tái. Thường heo chết sau 3-4 ngày do hiện tượng ngạt thở.

    - Thể mãn tính:  Thường kế tiếp sau thể cấp tính, heo thở khó, thở nhanh, ho liên tục. Khớp xương bị viêm, sưng nóng đau. Da đỏ ứng từng mảng bong vảy. Heo gầy dần kiệt sức rồi chết.

    Bệnh tích:

    - Thể quá cấp: Heo chết đột ngột, xuất huyết và xung huyết khắp cơ thể.

    - Thể cấp tính: Xuất huyết trên da, nhất là vùng dưới hầu, cổ tai, dưới bẹn. Xoang ngực và xoang bụng tích nước. Bao tim tích nước, trên tâm nhĩ có nhiều điểm xuất huyết.  Viêm phổi nặng, xơ và hoại tử trong phổi.

    - Thể mãn tính: Phổi bị xơ hóa, viêm màng phổi, viêm dính màng phổi và hoành cách mô. Đôi khi viêm khớp có mũ.

    Phòng bệnh: Heo phải mua ở những vùng an toàn dịch và heo đã được tiêm phòng vaccin tụ huyết trùng trước khi nhập heo vào chuồng. Chuồng trại phải được tiêu độc trước khi nhập heo về. Vệ sinh chăm sóc tốt đàn heo để heo tăng sức chống đỡ bệnh tật, thức ăn phải đảm bảo chất lượng

    Điều trị: Có thể sử dụng một trong những kháng sinh sau để trị bệnh tụ huyết trùng cho heo: Gentamycine: 1ml/ 10 kg thể trọng/ ngày. Lincoseptryl: 1ml/ 10 kg thể trọng/ ngày. Norflox: 1ml/10 kg thể trọng/ ngày. Kết hợp với các thuốc trợ sức như Vitamin C, B complex, ADE và thuốc hạ sốt Anagin.

    3. Phó thương hàn:

    Bệnh này thường xảy ra trên heo cai sữa và sau cai sữa đến 4 tháng tuổi, và tác động chủ yếu trên bộ máy tiêu hóa của heo gây viêm dạ dày , viêm ruột, làm cho heo tiêu chảy nặng.

    Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh phó thương hàn  heo do vi khuẩn Salmonella Choleraesuis và Salmonella Typhisuis gây ra.

    Triệu chứng của bệnh:

    - Thể cấp tính:  Heo sốt cao 41,5 -42 0C, heo bỏ ăn, lúc đầu táo bón sau tiêu chảy phân lỏng, phân có màu vàng mùi hôi. Heo cũng khó thở, thở gấp. Trên da xuất hiện những mảng đỏ ở hai tai, vùng dưới bẹn, mặt trong đùi ngực. Bệnh kéo dài 2-5 ngày heo tiêu chảy nặng, gầy còm rồi chết.

    - Thể mãn tính: Thấy heo gầy còm, ăn uống giảm dần, xanh xao, thiếu máu. Trên da có những mảng đỏ hoặc tím bầm. heo đi lại khó khăn, mệt nhọc, thở khó. Bệnh kéo dài trong vài ba tuần thì heo chết vì kiệt sức. Một số heo còn sống sót khỏi bệnh nhưng nuôi rất chậm lớn.

    Bệnh tích:

    - Thể cấp tính: Lách sưng to dai như cao su, có màu xanh thẩm. Hạch lam ba sưng và tụ huyết. Gan có các nốt hoại tử. Niêm mạc dạ dày, ruột viêm, xuất huyết, có nốt loét. Phúc mạc cũng bị viêm có bài xuất huyết tương. Phổi tụ máu.

    - Thể mãn tính:  Niêm mạc ruột viêm đỏ thành từng đám. Ở ruột già và ruột non có những đám loét bờ cạn, phủ fibrin. Gan có nốt viêm hoại tử.  Phổi viêm sưng có hoại tử.

    Phòng bệnh:  Phải tiêm phòng vaccin cho heo, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn heo, đặc biệt là heo con mới mua về. Tẩy uế chuồng trại trước khi nhập heo con về

    Điều trị: Có thể sử dụng các loại kháng sinh sau: C.O.D ( Chloroxysone):10 ml/10 kg thể trọng/ ngày. Norflox 10 %: 1ml/5 kg thể trọng/ ngày. Genta-Colenro: 1ml/10 kg thể trọng/ ngày. Kết hợp trợ sức cho heo bằng cách cung cấp nước, chất điện giải khi heo tiêu chảy nặng và bồi dưỡng bằng các Vitamine C, B complex fort… Dùng Atropin liều 2ml/ 15 kg để chữa triệu chứng tiêu chảy. Dùng Dexa liều 1ml/20 kg thể trọng để kháng viêm.

    4. Bệnh E. Coli:

    Bệnh do vi khuẩn sinh độc tố E.Coli (Escherichia Coli) gây ra. Vi khuẩn E.Coli luôn hiện diện trong ruột của heo, khi gặp điều kiện bất lợi như heo bị stress do thay đổi thời tiết, heo con sau khi cai sữa, thay đổi thức ăn … hoặc chuồng trại dơ bẩn, mất vệ sinh tạo điều kiện cho vi khuẩn E.Coli phát triển gây bệnh.

    Có nhiều nhóm E.Coli gây bệnh với những đặc điểm khác nhau, nhưng có 2 nhóm gây bệnh quan trọng cho heo gây nhiều thiệt hại kinh tế là: Nhóm gây tiêu chảy nặng cho heo và nhóm gây phù thủng, tích nước, bại liệt cho heo.

    Triệu chứng gây bệnh:

    - Nhóm E.Coli gây tiêu chảy cho heo con thường gặp ở heo sơ sinh, heo đang theo mẹ đặc biệt là heo sau khi cai sữa. Khi heo bị bệnh E.Coli heo thường tiêu chảy rất nặng, đi toàn nước có mùi khó chịu, heo thót bụng lại, mắt lõm sâu, mõm, tai tím tái heo tiêu chảy bị mất nước nhanh nên heo chết trong vòng 12-24 giờ.

    - Nhóm E.Coli gây phù, bại liệt thường gặp heo sau cai sữa và heo lớn hơn. Thường gây chết những heo lớn nhất trong đàn trước, heo có triệu chứng: đi đứng xiêu vẹo, lờ đờ, co giựt rồi bại liệt, mắt bị phù, hôn mê rồi chết.

    Bệnh tích: Không có bệnh tích đặc biệt. Một số có xuất huyết và xung huyết ở ruột. Trường hợp bị trúng độc của nhóm E.Coli gây phù thì thường phù ở mí mắt, có thủy thủng ở các cơ quan trong nội tạng. Xoang bụng tích đầy nước.

    Phòng bệnh: Tăng cường công tác vệ sinh chăm sóc nuôi dưỡng cho heo nhằm giảm số lượng E.Coli gây bệnh tấn công từ môi trường. Hạn chế tối đa các trường hợp gây stress cho heo.

    Cần tiêm phòng vaccin E.Coli cho heo nái chửa 2 lần, lần 2 trước khi đẻ 10 –14 ngày, lần 1 trước đó 14 ngày.

    Có thể đưa kháng sinh trộn vào thức ăn cho heo. Đặc biệt khi heo tập ăn hoặc sau khi cai sữa như : Enro-Colistin liều dùng100 gr/ 60 kg thức ăn.

    Trị bệnh: Sử dụng các loại kháng sinh sau để trị bệnh E.Coli cho heo Norfloxacin 1ml/10 kg thể trọng/ngày. Spectylo: 1ml/10 kg thể trọng/ngày

    Khi heo bị tiêu chảy thì cấp nước kịp thời, chất điện giải như Electrolytes và kết hợp cung cấp Vitamin để tăng kết quả điều trị. Serum glucose: 20 ml/ con ngày 3-4 lần , chích xoang bụng, B complex: 1ml/ con/ngày, chích 3-4 ngày; Vita- electrolytes: 2 g / lít nước cho heo con uống liên tục trong ngày.

    5. Bệnh viêm phổi địa phương:

    Bệnh thường gây cho heo 2-4 tháng tuổi, bệnh xảy ra quanh năm nhưng nghiêm trọng nhất là lúc trời lạnh và ẩm.

    Nguyên nhân: Bệnh do Mycoplasma suipneumoniac gây ra, tác động chủ yếu trên đường hô hấp.

    Triệu chứng:

    - Thể cấp tính: heo bệnh thường hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, heo thở khó thở nhanh và nhiều. Heo bệnh thường chậm lớn, da nhợt nhạt, thân nhiệt sốt nhẹ 39,5 - 400C, heo ho liên tiếp 2-3 tuần rồi giảm nhưng cũng có khi kéo dài hơn. Heo con bị bệnh lúc 3-4 tháng tuổi thì chết nhiều nhất.

    - Thể mãn tính: Thường chuyển từ thể cấp tính sang, heo ho khan từng tiếng hay ho liên tục một chuỗi dài. Đặc biệt lúc trời lạnh, hoặc vào ban đêm, sáng sớm heo hay ho, nếu chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý tốt heo có thể phục hồi.

    - Thể ẩn: thấy ở heo trưởng thành, heo lớn, heo chỉ ho nhẹ, tăng trọng chậm.

    Bệnh tích:  Phổi bị viêm tập trung thành từng vùng lớn và có tính đối xứng. Phổi bị gan hóa, khi cắt chảy chất màu vàng. Màng phổi bị viêm nặng. Khí quản, phế quản viêm, có dịch nhầy màu hồng. Hạch Lâm ba phổi sưng to (gấp 2-5 lần), tụ máu.

    Phòng bệnh: Chưa có vaccin phòng bệnh, chủ yếu là tăng cường công tác vệ sinh thú y, tăng cường việc chăm sóc nuôi dưỡng và tiêu độc định kỳ để hạn chế bệnh xảy ra.

    Điều trị bệnh: Có thể dùng một trong những kháng sinh sau: Tiamuline: 1ml/10 kg thể trọng/ngày. Genta- colenro: 1ml/ 10 kg thể trọng / ngày. Lincoseptryl: 1ml/ 10 kg thể trọng / ngày. Điều trị trong 5 ngày liên tục. Trong quá trình điều trị cần tăng cường thuốc trợ sức như Vitamin C, Bcomplex và kết hợp thuốc kháng sinh như Dexa 1ml/20 kg thể trọng.

    6. Bệnh lở mồm long móng:

    Đây là bệnh truyền nhiễm cho nhiều loài động vật có móng guốc như heo, trâu bò, dê. Ở nước ta hiện có 3 type gây bệnh : O,A,C

    Bệnh do virus gây ra, virus LMLM có khả năng biến dị rất lớn, từ chủng này biến qua chủng khác, từ type này biến qua type kia.

    Triệu chứng: Heo sốt cao, đứng lên nằm xuống khó khăn, kém ăn, rồi xuất hiện các dấu hiệu điển hình.

    - Lở mồm: nướu răng, lưỡi, vành mõm nổi mụn thành loét

    - Long móng: phần tiếp giáp giữa móng và chân bị nổi mụn nước, sau đó vỡ ra, nhiễm trùng thú đau đớn, đi khẩp khểnh. Bệnh năng có thể sút móng.

    Ngoài ra có các triệu chứng phụ như nước miếng nhiều, lưỡi cứng thè ra ngoài.

    Bệnh thường xảy ra ở thú non, ít gây chết cho thú trưởng thành nhưng làm giảm năng suất và sản lượng. Đối với nái chửa có thể gây sẩ thai.

    Bệnh tích :  Miệng có vết loét ở lợi, chân răng, hầu, thực quản, lưỡi. Phổi có thể bị viêm. Tim mềm, tim có vằn. Lách sưng đen. Ở 4 chân móng long hoặc sút hẳn ra.

    Phòng bệnh: Tiêm vaccin lở mồm long móng đúng type virus gây bệnh                  (O, A, hoặc C) cho heo. Khi phát hiện heo bệnh không nên giết mổ hoặc bán mà phải báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để hướng dẫn xử lý tránh lây lan.

    Chỉ mua heo nuôi khi đã qua kiểm dịch và đã được tiêm phòng lở mồm long móng. Sát trùng triệt để chuồng trại và dụng cụ thú y bằng formol từ 2-5%, Biodin 0,2%, NaOH (sút) 3-5 %.

    Trị bệnh : Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, có thể dùng kháng sinh chữa các mụn loét ở miệng, móng và vú. Dùng các chất chua như khế, chanh để rửa miệng hàng ngày cho sạch, sau đó dùng xanh Methylen 5% hay thuốc đỏ 2% bôi vào các mụn loét. Hằng ngày rửa sạch ở chân và kẽ móng chân bằng thuốc tím 2%, sau đó bôi sulfat đồng 3% hoặc nước cresyl 5%.

    7. Bệnh cúm heo:

    Đây là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do virus gây ra, đặc trưng bởi những triệu cứng xảy ra thình lình nhưng chóng khỏi, con vật sốt cao, ho, thở khó. Chủ yếu ở heo con còn bú (1-2 tháng tuổi). Heo trưởng thành cũng có thể mắc bệnh nhưng nhẹ hơn. Bệnh chủ yếu lây lan qua đường hô hấp. 

    Triệu chứng : Bệnh xảy ra thình lình, toàn đàn đều mắc bệnh. Con vật sốt 40 -41 0C, viêm kết mạc mắt, chảy nước mắt, hắt hơi, ho khan, co giật từng cơn, thở nhanh, thở khó… Ngoài ra còn có những triệu chứng như nổi mẫn đỏ ở da tai, da chân hoặc có những vết tím bầm. Heo có thể táo bón hoặc tiêu chảy. Heo nái mang thai ở cuối kỳ có thể bị sẩy thai. Bệnh thường kéo dài 2-7 ngày.

    Bệnh tích : Phế quản có chứa nhiều dịch đục nhầy, phổi có nhiều ổ viêm có màu nâu đỏ hoặc màu nâu xám, hạch lâm ba ở phổi sưng to thủy thủng. Ở heo 3-4 tuần tuổi hoặc những trường hợp bệnh kéo dài, phổi  viêm xẹp xuống, cuống phổi sưng to có nhiều dịch mủ.

    Ở thể mãn tính, phổi xẹp, có màu xám đỏ hoặc xám trắng, những chổ hoại tử có màu xám vàng , có nhiều mủ trong các tiểu khí quản.

    Phòng bệnh: Chuồng trại khô ráo, thông thoáng, nhiệt độ thích hợp. Tăng cường nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng của heo. Khi bệnh xảy ra nên loại thải những con yếu, cách ly đàn heo bệnh, tẩy uế chuồng trại…

    Trị bệnh: Bệnh không có thuốc đặc trị chủ yếu dùng kháng sinh như: Ampiseptryl 1ml/10 kg thể trọng/ ngày. Colenro 1ml/10 kg thể trọng/ ngày Kết hợp thêm vitamin C, B complex…

    8. Bệnh giun đũa: Do Ascaris suum, sống ký sinh trong ruột non của heo, heo 2-7  tháng có tỷ lệ nhiễm cao. Thường làm tắc ruột, chui vào ống dẫn mật làm tắt ống dẫn mật hoặc tác động bằng độc tố lên thần kinh trung ương làm heo bị co giật, động kinh.

    Triệu chứng: Heo có triệu chứng xù lông, chậm chạp, tiêu chảy, còi cọc, rối loạn tiêu hoá, phổi sưng, chậm lớn, ho, thở gấp, kém ăn…

    Bệnh tích: Mổ khám thấy ruột có nhiều giun, phổi viêm xuất huyết, niêm mạc ruột non loét có nhiều dịch nhầy. Ruột giãn rộng và sưng to. Gan,Phổi viêm xơ hóa.

    Phòng trị: Tẩy giun định kỳ cho heo mỗi năm 2 lần bằng các loại thuốc Levavet: 1ml/10 kg thể trọng, chích bắp. Ivermectin 1ml/10 kg thể trọng.

    9. Bệnh giun phổi heo: Bệnh giun phổi heo do 3 loài Mestastronggylus clognatus, M. pudentotectus, Msalmi ký sinh phổi heo. Giun có hình sợi chỉ màu trắng , heo từ 2-6 tháng tuổi mắc nhiều nhất.

    Triệu chứng: Khi nhiễm giun, heo thường ho, ho nặng khi thời tiết thay đổi hoặc khi vận chuyển. Triệu chứng thường thấy là mũi chảy nước nhờn màu vàng, heo chậm lớn thở nhanh.

    Bệnh tích: Phổi có đốm trắng nhất là ở rìa phổi, cắt ra thấy nhiều giun ở phế quản nhỏ. Nhiều thùy phổi trở nên cứng và dày, giun bít cả khí quản nhỏ.

    Phòng và trị bệnh: Định kỳ tẩy giun bằng các loại thuốc sau: Levavet: 1ml/10 kg thể trọng, chích bắp.Ivermectin 1ml/10 kg thể trọng, chích bắp.

 

TTKNKNBT