Đang online: 6
Hôm nay: 155
Trong tuần: 1866
Trong tháng: 8325
Tổng truy cập: 660361

Kế hoạch sản xuất vụ Đông xuân năm 2018 – 2019

Thứ Sáu 07/12/2018 16:52
118

Ngày 03/12/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn số 3967/SNN-VP  về kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019.


I. Kế hoạch gieo trồng:

Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Đông xuân 2018 – 2019 là 45.600 ha; trong đó cây lương thực 40.000 ha (lúa 36.000 ha, bắp 4.000 ha), sản lượng lương thực 260.000 tấn (lúa 233.000 tấn, bắp 27.000 tấn).

II.  Cơ cấu giống và thời vụ:

1. Cơ cấu giống:

a) Giống lúa:

Các giống lúa được phép sản xuất đại trà: ML48, ML202, ML214, TH6, Đài Thơm 8, giống lúa OM5451, OM4900, OM6162, OM6377 của Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long…được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản xuất phù hợp với vùng sinh thái tỉnh Bình Thuận.

Mỗi vùng nên bố trí 2 – 4 giống chủ lực, mỗi giống chiếm từ 20 – 25% tổng diện tích gieo trồng; tùy theo điều kiện thực tế các giống đang canh tác tại các địa phương, khả năng cung ứng giống, điều kiện đất đai, khí tượng thủy văn của từng tiểu vùng mà xác định các giống lúa thích hợp.

b) Giống bắp: các giống PAC669, PAC999 Super, CP311, CP511, NK67, NK7328, SSC131… được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản xuất phù hợp với vùng sinh thái tỉnh Bình Thuận.

2. Thời vụ gieo trồng:

Khung thời vụ chung trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 20/11/2018 đến 20/01/2019. Riêng cây lúa, tập trung xuống giống từ ngày 15/12/2018 đến ngày 05/01/2019. Trong đó, các địa phương cần lưu ý:

- Phải bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa, tối thiểu là 3 tuần.

- Tùy theo điều kiện nguồn nước, dự báo rầy nâu di trú của Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật để triển khai xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy cho từng khu vực, từng cách đồng. Vì vậy, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thời gian di trú của rầy nâu và đỉnh cao rầy nâu vào đèn để xác định lịch xuống giống cụ thể tại địa phương để né rầy.

- Trên cơ sở khung thời vụ nêu trên: tùy theo tình hình thực tế của địa phương để xây dựng cụ thể lịch thời vụ gieo trồng cho phù hợp.

III. Các nội dung cần lưu ý trong sản xuất vụ Đông xuân 2018 – 2019:

1. Đối với sản xuất lúa và các cây hàng năm khác:

- Các địa phương cần nắm chắc tình hình thời tiết, nguồn nước để xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí thời vụ phù hợp với tình hình của từng vùng, từng địa bàn, đồng thời hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, đất đai để chủ động trong sản xuất vụ Đông xuân.

- Khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa xác nhận để gieo trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày.

- Lượng giống lúa gieo phải đảm bảo mật độ khuyến cáo là từ 120 – 150 kg/ha, không gieo dày trên 150 kg/ha để dễ quản lý sâu bệnh hại và bón phân cân đối (bón đạm vừa phải, SRI, nông – lộ - phơi…để tiết kiệm nước), tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp để phục vụ cho sản xuất vụ Đông xuân 2018 – 2019 thuận lợi.

- Bám sát đồng ruộng, theo dõi, dự tính, dự báo để chỉ đạo sản xuất: có phương án đối phó và chủ động tổ chức phòng chống dịch, xử lý kịp thời không để sâu bệnh hại phát sinh trên diện rộng và hướng dẫn cho nông dân tổ chức phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả. Đặc biệt, tăng cường công tác theo dõi, phòng chống bệnh khảm lá gây hại trên cây khoai mì, để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất cho bà con nông dân.

- Thường xuyên kiểm tra hệ thống thủy lợi, cải tạo, nâng cấp thủy lợi nội đồng để chủ động tích trữ nước khi vào mùa khô hạn; tăng cường công tác tiếp nhận thông tin và dự báo đến nông dân những diễn biến của tình hình khí tượng, thủy văn ảnh hưởng đến sản xuất.

- Nghiên cứu chỉ đạo thực hiện xây dựng cánh đồng lớn cả về diện tích, số lượng, hình thức hợp tác để tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm.

- Tiếp tục triển khai công tác quản lý đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghi định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.

2. Đối với sản xuất cây lâu năm:

- Rà soát tình hình sản xuất cây lâu năm trên địa bàn, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển bền vững, tập trung thâm canh, chăm sóc cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, dự tính dự báo tình hình sâu bệnh hại; nắm chắc diễn biến của khí hậu thời tiết, biến đổi khí hậu để có giải pháp ứng phó kịp thời. Chỉ đạo tái canh, tham canh điều bằng giống mới được công nhận và phù hợp với địa phương; quản lý dịch hại trên cây hồ tiêu, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm.

- Tiếp tục áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại; chú trọng đến chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm trái cây.

- Riêng đối với cây thanh long, cảnh báo bà cong nông dân không phát triển thêm diện tích; tập trung tham canh, sản xuất theo hướng an toàn và tăng cường vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối và kiểm soát sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh đốm nâu trên thanh long.

IV. Tổ chức chỉ đạo, thực hiện:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Đề nghi UBND các huyện, thành phố, thị xã nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết, nguồn nước của các công trình thủy lợi trên địa bàn, tình hình rầy nâu di trú và rầy nâu tại chỗ để có phương án chỉ đạo bố trí sản xuất, tiến độ gieo trồng, thời vụ xuống giống sát với tình hình của từng vùng, từng cánh đồng để chủ động triển khai kế hoạch sản xuất Đông xuân.

- Trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật trồng bắp, đậu…trên đất lúa; gắn phát triển cây màu với nhu cầu thị trường để tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT tăng cường phổ biến, tuyên truyền nông dân sử dụng các giống lúa xác nhận vào sản xuất; tăng cường giám sát, kiểm tra đồng ruộng, quản lý tốt chất lượng giống, vật tư nông nghiệp để phục vụ tốt sản xuất vụ Đông xuân.

- Tăng cường công tác kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh tham gia liên kết với các tổ chức nông dân để đẩy mạnh phát triển chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

2. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tỉnh:

- Triển khai gia cố các hồ đập, tu sửa kênh mương, kiểm tra hệ thống đê bao…; điều tiết, cân đối nguồn nước hợp lý để phục vụ sản xuất.

- Chỉ đạo các Chi nhánh công ty thường xuyên kiểm tra, điều tiết, cân đối nguồn nước các hồ chứa để đảm bảo cấp nước suốt vụ Đông xuân 2018 – 2019.

3. Trung tâm Khuyến nông:

- Tiếp tục chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về thâm canh lúa; kỹ thuật trồng bắp, đậu trên cây lúa; hướng dẫn nông dân sử dụng bón phân cân đối, hợp lý; vận động bà con nông dân sử dụng công cụ sạ hàng, giống lúa xác nhận để nâng cao năng suất lúa.

- Tiếp tục triển khai các mô hình xã hội hóa giống lúa trong vụ Đông xuân, phổ biến nhân rộng việc ứng dụng có hiệu quả các giống lúa xác nhận; chú trọng triển khai nhân rộng các giống lúa mới có năng suất cao, kháng rầy.

4. Trung tâm Giống nông nghiệp:

Có kế hoạch tổ chức triển khai chương trình xã hội giống lúa, hướng dẫn, chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân quy trình sản xuất lúa giống xác nhận để đẩy mạnh công tác xã hội hóa giống lúa trên địa bàn Tỉnh. Đồng thời, phối hợp Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn nông dân ứng dụng các giống lúa mới kháng rầy, có năng suất cao đưa vào sản xuất cho các địa phương trong tỉnh.

5. Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long:

Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo các huyện, tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển thanh long theo hướng an toàn. Phối hợp chặt chẽ với Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn nông dân phòng chống các đối tượng dịch hại nguy hiểm đối với cây thanh lobg, nhất là bệnh đốm nây trên cây thanh long.

6. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật:

- Tăng cường công tác kiểm tra đối với các đại lý kinh doanh thuốc BVTV, phân bón, giống trên địa bàn toàn Tỉnh để bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.

- Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành phố, thị xã bố trí cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình rầy nâu, và tăng cường công tác dự tính, dự báo sát với tình hình sâu bệnh nhằm tham mưu kịp thời cho UBND huyện, thị xã, thành phố các phương án xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

- Hướng dẫn nông dân áp dụng chương trình 3 tăng 3 giảm; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng; tuyệt đối không sử dụng vật tư nông nghiệp không rõ nguồn gốc, không có nhãn hiệu, quá thời gian sử dụng; đặc biệt là các loại thuốc không có trong danh mục BVTV do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.

- Tăng cường công tác dự tính dự báo, kiểm tra đánh giá tình hình diễn biến bệnh đốm nâu hại thanh long, bệnh khảm lá trên cây khoai mì.

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp chỉ đạo tốt các biện pháp nêu trên và yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngành Nông nghiệp thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đã được phân công nhằm đạt được mục tiêu sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Thủy Tiên (Theo Sở NN&PTNT BT)