Đang online: 8
Hôm nay: 166
Trong tuần: 1292
Trong tháng: 7751
Tổng truy cập: 659787

THÔNG BÁO Cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Thứ Tư 04/12/2019 10:57
1152
Thực hiện thông báo số 457/TB-SNN ngày 25/11/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT  V/v Thông báo cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trung tâm Khuyến nông triển khai nội dung thông báo cụ thể như sau.

I   Các giống cây trồng được phép sử dụng:

1.   Giống cây lương thực

a)  Giống lúa:

Các giống lúa được phép sản xuất đại trà: các giống lúa của Trung tâm giống lúa Nông nghiệp Bình Thuận (ML48, ML202, ML214, TH6…), các giống lúa của Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long và các giống lúa của các tổ chức, cá nhân khác được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống cây trồng chính thức, phù hợp với vùng sinh thái của Bình Thuận.

b)  Giống bắp: các giống bắp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống cây trồng chính thức, phù hợp với vùng sinh thái của tỉnh Bình thuận như: PAC 669, PAC999 super, CP 512, CP 811, NK 67, SSC 131,…

c)   Giống khoai mì: KM 94, KN 98-5, KM98-1, SM937-26,…

2  Giống cây công nghiệp ngắn ngày

a) Giống đậu phụng: Giống lỳ  tuyển (VD 1), (VD 2), HL 25,…

b) Giống  mía đường:

-   Nhóm chín sớm: VN 84- 4137, R 570, QD 86-368,…

-   Nhóm chín trung bình: ROC 16, ROC25,…

-   Nhóm chín muộn: K 84-200, My 5514,…

3. Các giống cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả

a. Giống cao su: VN 515, PB 235RRIM 600, RRIM712,RRIV 107, RRIV 124, PB 235, RRIC 121, PH 60, GT 1,… và các giống khác theo khuyến cáo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

b. Giống cây điều: PN1 và các giống khác đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống cây trồng chính thức, phù hợp với vùng sinh thái của tỉnh Bình Thuận.

c. Giống cây ăn quả: Chỉ được phép sử dụng các giống do Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận phù hợp với điều kiện của địa phương.

II. Thời vụ gieo trồng:

Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân Tỉnh, tình hình thực tế về sâu bệnh trên cây trồng, mực nước tại các hồ chứa và diến biến về thời tiết hiện nay; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn khung thời vụ gieo trồng chung trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 như sau:

1.   Vụ đông xuân 2019 – 2020

Từ ngày 20/11/2019 đến 05/01/2020; tập trung xuống giống trong thời gian từ 15/12/2019 đến 05/01/2020.

2.   Vụ hè thu

Thời vụ gieo trồng vụ hè thu bắt đầu từ 05/04 và kết thúc vaò 30/06, cụ thể:

-   Đối với những vùng chủ động nước:

  Xuống giống tập trung từ 10/04 đến ngày 30/05, đặc biệt lưu ý đối với các chân ruộng nước nhĩ quanh năm cần chỉ đạo chặt chẽ thờ vụ xuống giống, phải bảo đảm thời gian cách ly ít nhất 20 ngày so với vụ trước.

Riêng hai huyện Đức Linh và Tánh Linh, một số vùng bố trí sản xuất vụ hè thu sớm để né lũ (không sản xuất vụ mùa) thì cần tính toán cân đối nguồn nước, thời vụ xuống giống phải tập trung, né rầy; thường xuyên kiểm tra, quản lý và theo dõi chặt chẽ tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đảm bảo không gây ảnh hưởng dến diện tích lúa hè thu chính vụ ở trong vùng và toàn Tỉnh.

-  Đối với các vùng chưa chủ động hoàn toàn nguồn nước tưới:

Tùy tình hình nguồn nước tại chỗ và diễn biến thời tiết, phòng Nông nghiệp và PTNT/ phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố bố trí lịch thời vụ cụ thể cho từng vùng phù hợp với địa phương mình, đến 30/06 là chấm dứt thời vụ gieo trồng vụ hè thu.

Các cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và trồng mới cây lâu năm xuống giống vào đầu mùa mưa, khi đất đủ ẩm.

3.   Vụ mùa

- Đối với vùng không chủ động nước (chủ yếu dựa vào nước trời) thời vụ gieo trồng từ 01/07 đến ngày 31/07.

- Đối với vùng chủ động nước (hè thu cấy lại) xuống giống từ 05/07 và kết thúc vào 25/08, chậm nhất 31/08 chấm dứt thời vụ gieo trồng vụ mùa.

Riêng đối với những vùng dự kiến bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ đông xuân, thời vụ gieo trồng như sau:

* Trên các chân ruộng dự kiến bố trí 2 lúa + 1 màu (bắp, đậu phụng, rau quả…) nên sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trường 85 – 90 ngày; trong đó:

+ Vụ I (lúa hè thu): bắt đầu xuống giống từ ngày 20/03 – 05/04 chấm dứt gieo sạ, thu hoạch khoảng đầu tháng 07.

+ Vụ II (lúa vụ mùa): bắt đầu xuống giống từ 10/07 – 20/07, thu hoạch từ ngày 20/10 – 25/10.

+ Vụ III (trồng màu, rau quả hoặc cây công nghiệp ngắn ngày): xuống giống tháng 11, chậm nhất 15/12, kết thúc thu hoạch trong tháng 3 năm sau.

* Trên các chân ruộng dự kiến 1 lúa + 1 màu

+ Vụ I (hè thu muộn, mùa sớm): Bắt đầu xuống giống từ 20/05, chậm nhất đến 10/07, thu hoạch từ 20/09 – 20/10.

+ Vụ II (trồng màu, rau quả hoặc cây công nghiệp ngắn ngày): xuống giống tháng 11, chậm nhất ngày 15/12, kết thúc thu hoạch trong tháng 3 năm sau.

III. Những vấn đề cần lưu ý:

1.   Thời vụ gieo trồng

- Trên cơ sở khung thời vụ chung của tỉnh, tùy theo tình hình thực tế của địa phương, các địa phương cần nắm chắc tình hình thời tiết, nguồn nước để xây dựng cụ thể lịch thời vụ gieo trồng tại địa phương mình cho phù hợp với kế hoạch sản xuất, bố trí thời vụ phù hợp với tình hình của từng vùng, từng địa bàn, đồng thời hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, đất đai để chủ động trong sản xuất;

- Chỉ đạo kiên quyết lịch thời vụ, không để tình trạng xuống giống kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho các ổ dịch phát sinh, mặt khác sẽ gây khó khăn cho việc điều tiết nguồn nước và tổ chức phòng trừ sâu bệnh hại. Đối với sản xuất lúa, bố trí xuống giống cho từng vùng, từng cánh đồng phải thực hiện phương châm “đồng loạt tâp trung”.

- Tùy theo điều kiện nguồn nước, dự báo rầy nâu di trú của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để triển khai xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy cho từng khu vực, từng cánh đồng; các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thời gian di trú của của rầy nâu và đỉnh cao rầy nâu vào đèn để xác định lịch xuống  giống cụ thể tại địa phương để né rầy.

- Đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa ít nhất là 20 ngày, khuyến cáo nông dân áp dung biện pháp cày ải phơi đất, làm đất kỹ nhằm tiêu diệt mầm mống sâu bệnh còn tồn lưu trong đất;

- Lượng giống lúa gieo phải đảm bảo mật độ khuyến cáo là từ 120 – 150 kg/ha không gieo dày trên 150kg/ha để dễ quản lý sâu bệnh hại và bón phân cân đối (bón đạm vừa phải, tăng cường thêm kali, lân; áp dụng mô hình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRI, nông - lộ - phơi… để tiết kiệm nước), tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ.

- Khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa xác nhận để gieo trồng nhằm tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm; giống kháng rầy để gieo trồng và thực hện tốt các biện pháp quản lý sâu bệnh thật chặt chẽ, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, chú ý phát hiện rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen hại lúa. Cán bộ Bảo vệ thực vật phải theo dõi chặt chẽ số lượng rầy vào đèn để tham mưu xác định thời gian xuống giống tại địa phương.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đồng ruộng dự tính dự báo để chỉ đạo sản xuất; có phương án đối phó và chủ động phòng chống dịch, xử lý kịp thời không để sâu bệnh hại phát sinh trên diện rộng và hướng dẫn cho nông dân tổ chức phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả. Việc tổ chức phun thuốc để phòng trừ sâu bệnh phải ra quân đồng loạt và tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

- Tăng cường công tác theo dõi, phòng chống bệnh khảm lá gây hại trên cây khoai mì, để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất cho bà con nông dân.

- Thường xuyên kiểm tra hệ thống thủy lợi, cải tạo, nâng cấp thủy lợi nội đồng để chủ động tiêu nước trong mùa mưa lũ và tích trữ nước khi vào mùa khô hạn; tăng cương công tác tiếp nhận thông tin và dự báo tới nông dân nhưng diễn biến của tình hình khí tượng, thủy văn ảnh hưởng đến sản xuất.

- Nghiên cứu chỉ đạo thực hiện xây dựng cánh đồng lớn cả về diện tích, số lượng, hình thức hợp tác để tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm.

- Thường xuyên cập nhật tình hình triển khai công tác quản lý đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cây trồng theo quy định tại nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai.

2. Sản xuất và kinh doanh giống cây trồng:

Các đơn vị sản xuất – kinh doanh giống cây trông khi đưa các giống cây trồng vào sản xuất lần đầu tiên trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu sau đây:

a.   Đối với cây trồng ngắn ngày:

- Giống phải được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận chính thức hoặc có trong Danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam (phù hợp với vùng sinh thái của tỉnh Bình Thuận); đối với các giống cây trồng như luá, bắp, đậu phụng, đậu tương, khoai tây phải thực hiện việc chứng nhận và công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

- Cung ứng, kinh doanh đúng cấp giông, hạn sử dụng ghi trên bao bì, nhãn hiệu và chịu trách nhiệm về chất lượng giống do đơn vị cung ứng, phải bồi thường cho người sản xuất nếu thiệt hại do nguyên nhân giống gây ra.

- Khi xây dựng mô hình trình diễn các giống mới phải phối hợp với các đơn vị chuyên môn như: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Gống nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông, Phòng  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố để thống nhất địa điểm, quy mô diện tích, thời gian tổ chức tập huấn kỹ thuật, hội thảo đánh giá kết quả về năng suất, chất lượng, sự thích nghi của giống tại địa phương và báo cáo kết quả thực hiện mô hình bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) để xem xét bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh.

b. Đối với cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả:

+ Giống phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và có trong Danh mục được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam ( phù hợp với vùng sinh thái của Tỉnh Bình Thuận).

+ Được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( nơi sản xuất cây giống) xác nhận nguồn gốc cây giống được nhân từ vườn đầu dòng hoặc cây đầu dòng.

+ Đơn vị sản xuất, kinh doanh giống phải công bố tiêu chuẩn về chất lượng cây giống; bao bì, nhãn mác phải ghi rỏ tên giống và đơn vị sản xuất giống ( địa chỉ, số điện thoại…) theo đúng quy định, đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng giống và có tài liệu hướng dẫn cho khách hàng về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân…

Ngoài ra, các loại cây có múi như cam, quýt, chanh, bưởi: Các tổ chức, cá nhân khi nhập giống vào tỉnh để sản xuất kinh doanh phải được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền ( nơi sản xuất giống) chứng nhận là cây giống sạch bệnh.

3.Hoạt động quảng cáo, tổ chức hội thảo, trình diễn, sản xuất thử:

Các hoạt động quảng cáo, tổ chức hội thảo, trình diễn, sản xuất thử về vật tư nông nghiệp ( phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng) trên địa bàn tỉnh phải có văn bản trả lời, thống nhất về nội dung của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

IV. Tổ chức thực hiện:

1.   Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật

 - Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, đánh giá kế hoạch sản xuất trồng trọt hàng năm, hàng vụ của địa phương; hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng, thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống theo thời vụ, thời vụ sản xuất trên địa bàn;

- Phối hợp các cơ quan chuyên môn có liên quan của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã bố trí cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến rầy nâu, đốm nâu trên thanh long, sâu keo mùa thu, bệnh khảm lá mì…và tăng cường công tác dự tính, dự báo sát với tình hình sâu bệnh hại nhằm tham mưu kịp thời các phương án xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

- Hướng dẫn bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, không lạm dụng thuốc trong thời gian cây lúa còn non, không phun thuốc trừ rầy tràn lan, chưa thật cần thiết để tránh trường hợp rầy bọc phát về sau; chú ý các đợt rầy di trú, bệnh đạo ôn…để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

- Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc chuyển giao ứng dụng mô hình “ 3 giảm 3 tăng”; “ 1 phải, 5 giảm” trong canh tác lúa ra diện rộng.

-Tăng cường công tác kiểm tra đối với các đại lý kinh doanh thuốc BVTV, phân bón, giống trên địa bàn toàn tỉnh để đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.

2.   Chi cục Thủy lợi:

- Chủ động làm việc với các cơ quan, địa phương có liên quan để tham mưu giám đốc Sở công tác chỉ đạo, điều hành đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp năm 2020;

- Phổ biến các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho cây lúa và cây trồng cạn như: SRI, nông - lộ - phơi, nhỏ giọt, phun mưa để phổ biến đến các địa phương áp dụng thực hiện.

3.   Trung tâm Giống Nông nghiệp:

 Có kế hoạch tổ chức triển khai cung ứng giống nông nghiệp đảm bảo phục vụ cho sản xuất theo kế hoạch; hướng dẫn, chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân quy trình sản xuất lúa giống xác nhận để đẩy mạnh công tác xã hội hóa giống lúa trên địa bàn tỉnh; Đồng thời, phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn nông dân ứng dụng có hiệu quả các giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa mới kháng rầy, có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất cho các địa phương trong tỉnh

4. Trung tâm Khuyến nông:

- Tiếp tục chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về sản xuất theo hướng bền vững, thâm canh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; phổ biến hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả; hướng dẫn nông dân sử dụng bón phân cân đối, hợp lý;

- Hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả, đảm bảo thời gian cách ly khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón thừa phân đạm…

- Phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan vận động, tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn, tư vấn cho bà con nông dân thực hiện sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm trên rau, quả, lúa, thanh long,…

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương có liên quan trên địa bàn tổ chức triển khai các nội dung:

- Nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết, nguồn nước của các công trình thủy lợi trên địa bàn, tình hình rầy nâu di trú và rầy nâu tại chỗ để có phương án chỉ đạo, bố trí sản xuất, theo dõi tiến độ gieo trồng, thời vụ xuống giống sát với tình hình của từng vùng, từng cánh đồng;

- Căn cứ cơ cấu giống, thời vụ chung của tỉnh để xây dựng cơ cấu giống cụ thể tại địa phương, không kéo dài thời gian xuống giống nhằm tránh ảnh hưởng các vụ lúa còn lại trong năm 2020; đề xuất thay thế, loại bỏ các giống không hiệu quả, không còn phù hợp, bị thoái hóa, lẫn tạp, nhiễm sâu bệnh nặng.

- Tiếp tục triển khai công tác quản lý đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định 01/2017/NĐ- CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai;

- Tăng cường cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất, triển khai có hiệu quả, kịp thời các biện pháp phòng chống sâu bệnh cho cây trồng để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm;

- Tổ chức vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm nước; phối hợp với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ nguồn nước, tránh thất thoát, lãng phí, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả;

- Đối với những vùng sản xuất cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, cần khẩn trương khai thác các biện pháp kỹ thuật để hạn chế thấp nhất thiệt hại, kịp thời khôi phục sản xuất;

- Tổ chức triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập cho nông dân;

- Tăng cường công tác kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh tham gia liên kết với các tổ chức nông dân để đẩy mạnh phát triển chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản

6. Công ty TNHHMTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận:

Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, cân đối nguồn nước và nắm chắc tình hình sản xuất thực tế tại địa phương để phối hợp và có kế hoạch cấp nước phục vụ sản xuất kịp thời, đầy đủ; thường xuyên kiểm tra, điều tiết nguồn nước các hồ chứa để đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Đỗ Thị Lý