Đang online: 3
Hôm nay: 28
Trong tuần: 352
Trong tháng: 6811
Tổng truy cập: 658847

ĐÁ LIẾM BỔ SUNG KHOÁNG CHO GIA SÚC NHAI LẠI

Thứ Năm 09/02/2017 14:44
1872

Nhu cầu khoáng đa lượng vi lượng cho gia súc nhai lại rất lớn, đặc biệt là vào mùa khô nhu cầu này càng rất cao nhưng thức ăn cho gia súc nhai lại có nguồn gốc thực vật thường bị thiếu khoáng. Đối với gia súc ăn cỏ việc bổ sung từng chất khoáng riêng lẻ gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp vì : những chất khoáng, nhất là khoáng vi lượng chỉ cần một số lượng rất nhỏ nên rất khó định lượng và không chính xác. Vì vậy, để bổ sung khoáng cho gia súc nhai lại được thuận tiện người ta thường phối hợp nhiều loại khoáng với nhau theo một tỷ lệ nhất định dưới dạng Premix rồi đóng thành tảng gọi là “Đá liếm”.

Mặc dù Premix khoáng để trộn vào thức ăn tinh cho gia súc nhai lại rất tốt, nhưng không kiểm soát được hàm lượng khoáng theo nhu cầu từng con. Đá liếm đơn giản, dể thực hiện, dể sử dụng và có nhiều ưu điểm hơn. Đây là một tiến bộ khoa học hữu hiệu nhất về việc bổ sung chất khoáng cho gia súc nhai lại.

 

Tảng đá liếm

Chức năng quan trọng của tảng đá liếm là nguồn bổ sung các khoáng chất và các nguyên tố khoáng vi lượng mà nhu cầu cơ thể của thú nhai lại cần để sinh trưởng và phát triển. Sự thiếu khoáng chất cũng như nguyên tố vi lượng sẽ làm giảm năng suất của động vật. Mỗi nguyên tố khoáng có sự liên kết lẫn nhau, nếu thiếu nguyên tố này sẽ ảnh hưởng đến nguyên tốkia.

Thực trạng thiếu khoáng:

- Sẽ gây rối loạn trao đổi chất, khả năng tiêu hóa kém dẫn đến không hấp thu được chất dinh dưỡng.

- Làm cho sức khỏe của gia súc giảm sút, da lông khô, dể mắc các bệnh về chân móng đặc biệt là bệnh sinh sản.

- Năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi không cao, không bền vững.

          + Bệnh bại liệt trước khi sanh: thường gặp ở bò trước khi đẻ, 2 chân sau bại liệt, con vật không đứng được. Bệnh thường phát ra ở những tháng chữa cuối.

          + Thiếu kẽm gây sừng hóa làm da dày lên và nứt nẻ, dể gây viêm móng.

Thành phần của đá liếm gồm rất nhiều các nguyên tố đa và vi lượng như:

- Natri: tác dụng giữ nước, cân bằng axit- kiềm cũng như đóng vai trò trong hoạt động thần kinh và hệ cơ. Kích thích nước bọt tạo axit Buffer trong dạ cỏ.

- Mg: nguyên tố cần thiết cho hệ thống Enzyme và giúp cho quá trình trao đổi chất và tạo cấu trúc của xương.

- Canxi: là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của xương, cũng như chất lượng, sản lượng của sữa.

- Phosphorus: kết hợp với Canxi trong sự phát triển của xương, cân bằng tỷ lệ Ca/P, tham gia vào quá trình trao đổi chất.

- Fe: tăng cường hoạt động của các cơ quan, có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy.

- Cu: đóng vai trò quan trọng trong trao đổi chất, cần thiết cho hệ thống Enzym.

- Se: kích thích sinh sản, ngăn ngừa tình trạng run cơ, kết hợp với Vitamin E trong hoạt động chống oxy hóa.

- Iod: cần thiết cho hoạt động của tuyến giáp, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của động vật.

          Sử dụng đá liếm là một phương pháp để bổ sung khoáng chất cho gia súc rất có hiệu quả. Chúng sẽ tự xác định được lượng muối và khoáng mà chúng cần qua hình thức liếm. Chúng liếm nhiều hay ít tùy thuộc vào nhu cầu khoáng và muối thiếu hụt trong cơ thể vì vậy không có tình trạng quá liều hay bị ngộ độc khi sử dụng đá liếm. Hơn nữa đá liếm dễ sử dụng, được đặt ở bãi chăn, treo ở chuồng nuôi, đặt lên máng ăn…

          Trong chăn nuôi gia súc nhai lại nói chung và nghề chăn nuôi bò sữa, bò cái sinh sản nói riêng nhất là chăn nuôi bò theo phương thức nuôi nhốt hay cầm cột tại chuồng, bò thiếu vận động, thiếu ánh sáng mặt trời, thiếu Vitamine, nhất là Vitamine D và thiếu khoáng nhất khoáng vi lượng do thức ăn gia súc không đảm bảo thành phần và giá trị dinh dưỡng…dẫn đến tình trạng rối loạn trao đổi chất,làm ảnh hưởng khả năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng, khả năng sinh sản và tiết sữa…làm cho sức khỏe bò bị giảm sút, bò ốm yếu, da lông khô cứng, dể mắc các bệnh về chân, móng và các bệnh về sản khoa. Thời gian khai thác bò sữa, bò sinh sản ngắn, tỷ lệ loại thải cao, phối giống khó đậu thai, động dục và động dục trở lại nhiều, số lượng và chất lượng bê sơ sinh không cao, khoảng cách giữa 2 lứa đẻ kéo dài, năng suất chất lượng sữa không cao…như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò và chăn nuôi sẽ không bền vững.

Chú ý :

- Khối đá liếm nên đặt ở khu vực gần nơi gia súc ăn, uống hoặc nơi mà gia súc sử dụng tập trung:

          + Để trong máng ăn

          + Treo lên phía trên máng

          - Nên để cho gia súc liếm tự do, theo nhu cầu.

Lê Ngọc Minh