Đang online: 82
Hôm nay: 363
Trong tuần: 5611
Trong tháng: 133639
Tổng truy cập: 10300606

Quy trình Kỹ thuật (tạm thời): Ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) đối với lúa gieo sạ

Thứ Hai 08/04/2019 10:47
2656

Ngày 19/12/2018 Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định số 1241/QĐ-SNN về việc ban hành Quy trình Kỹ thuật (tạm thời): Ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) ĐỐI VỚI LÚA GIEO SẠ

QUY TRÌNH KỸ THUẬT (TẠM THỜI)

Ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) đối với lúa gieo sạ

 (Kèm theo Quyết định số 1241/QĐ-SNN ngày 19/12/2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận)

I. Bốn nguyên tắc của SRI áp dụng đối với lúa gieo thẳng

1. Mật độ sạ: sạ lan/sạ hàng lượng giống từ 8 - 12 kg /sào 1000 m2;

2. Quản lý nước tưới tiêu theo nguyên tắc khô ướt xen kẽ;

3. Làm cỏ kết hợp phá váng mặt ruộng để thông khí cho đất;

4. Bảo tồn hệ sinh thái đất, nước nhờ tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh và giảm chất hóa học
   II. Những điểm bắt buộc phải thực hiện khi áp dụng kỹ thuật SRI

1.   Ruộng phải được lên luống và tạo rãnh thoát nước chung xung quanh, san phẳng mặt luống trước khi gieo sạ;

2.   Giảm lượng giống gieo;

3.   Giảm lượng phân hóa học đặc biệt là phân đạm;

4.   Quản lý nước theo phương pháp nông – lộ - phơi (ướt, khô xen kẽ);

5.   Dặm tỉa sớm khi cây lúa có 2-2,5 lá đối với đất không nhiễm phèn/mặn, 4 lá đối với đất phèn/mặn;

6.   Quản lý dịch hại theo phương pháp IPM.

7.   Có hệ thống thủy lợi nội đồng thuận lợi cho việc tưới, tiêu nước khi cần thiết.

III. Kỹ thuật gieo sạ và chăm sóc:

1. Giống:

1.1 Giống lúa đảm bảo một số yêu cầu sau:

- Phải sử dụng giống lúa xác nhận;

-  Có tiềm năng năng suất cao;

-  Có thời gian sinh trưởng trung bình và ngắn ngày;

-  Ít nhiễm sâu bệnh;

-  Thích hợp với đặc điểm đất đai từng địa phương, từng mùa vụ cụ thể;

-  Phẩm chất gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, phù hợp với nhu cầu thị trường;

-  Độ thuần, tạp chất và tỷ lệ nảy mầm: Áp dụng QCVN 01-54:2011/BNNPTNT, cụ thể: Đối với tiêu chuẩn cấp giống xác nhận: độ sạch (% khối lượng) >= 99%; hạt khác giống (%) <= 0,3%; hạt cỏ (số hạt/kg) <= 10 hạt; độ ẩm (%) <= 13,5%; tỷ lệ nảy nầm (%) >= 80%.

Lưu ý: Trên một cánh đồng nên bố trí 2-3 giống chủ lực, mỗi giống từ 25-30% tổng diện tích gieo trồng.

1.2. Mật độ gieo (Áp dụng cho những vùng chủ động tưới tiêu):

Chân đất, thâm canh

Lượng giống gieo sạ cho 1 ha (kg)

Đất tốt, thâm canh cao

80 - 100

Khá tốt, thâm canh khá

100 - 110

Đất dinh dưỡng trung bình, thâm canh ít

110 - 120

2. Lịch thời vụ:

Trên cơ sở hướng dẫn khung thời vụ chung của Sở Nông nghiệp và PTNT, tùy điều kiện cụ thể, địa phương bố trí lịch thời vụ thích hợp với từng tiểu vùng. Cụ thể:

- Vụ Hè thu: Nên gieo sạ đồng loạt, lịch gieo từ cuối tháng 4 đến tháng 6.

- Vụ Mùa: Lịch gieo trồng kết thúc cuối tháng 8 đầu tháng 9, nếu ruộng làm vụ Đông xuân thì lịch gieo trồng kết thúc trung tuần tháng 8.

- Vụ Đông xuân: Kết thúc vụ gieo trồng từ cuối tháng 11 đến  tháng 12, chậm nhất đầu tháng giêng năm sau. Nên sử dụng giống ngắn ngày để tránh hạn cuối vụ.

3. Kỹ thuật ngâm, ủ giống:

3.1. Xử lý giống:

- Trước khi ngâm ủ, phơi hạt giống 1-2 nắng nhẹ (8-12giờ) phơi xong đem hong nơi râm mát để nhiệt độ trở lại bình thường trước khi ngâm.

- Cho hạt giống vào nước đãi, loại bỏ các tạp chất, hạt lép, lửng.

- Sau đó, xử lý giống bằng nước vôi 2% ngâm hạt giống trong nước vôi trong khoảng 3 giờ (tỷ lệ: 1 phần giống/3 phần nước vôi trong). Sau đó vớt ra đãi sạch hoặc dùng các thuốc xử lý hạt giống trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam được ban hành hằng năm (như: Cruiser 312.5FS, Vithoxam 350SC, Agrilife 100SL).

- Xử lý giống bằng biện pháp ngâm với nước ấm khoảng 540C (2 sôi -3 lạnh) trong 2 giờ hoặc dùng các thuốc xử lý hạt giống (như Cruiser Plus 312.5FS).

3.2. Ngâm - ủ giống:

- Ngâm giống: Hạt giống sau khi đã được xử lý, đem ngâm vào nước sạch với tỷ lệ: 1 phần giống 3 phần nước, thời gian ngâm khoảng 24 giờ. Trong quá trình ngâm giống, cứ 6 giờ thay nước, rửa sạch nước chua một lần.

- Ủ giống:

+ Đối với gieo sạ tay: Sau khi ngâm, tiến hành vớt hạt giống ra, đãi sạch, để ráo nước rồi đem ủ ngay. Thời gian ủ trong khoảng 36-48 giờ, cứ 12 giờ tưới nước ấm và đảo giống 01 lần, khi rễ dài bằng hạt lúa, mầm bằng ½ hạt lúa thì tiến hành gieo sạ.

+ Đối với gieo sạ bằng công cụ sạ hàng: Lúa phải ngâm ủ đúng kỹ thuật, khi hạt nhú mầm trắng là vừa (thời gian ủ khoảng 18-20 giờ).

4. Kỹ thuật làm đất

- Ruộng phải được cày ải sớm trước khi gieo 15-20 ngày để diệt cỏ dại, mầm sâu bệnh, tạo điều kiện khoáng hóa tốt để tăng cường dưỡng chất cung cấp cho cây phát triển thuận lợi ngay đầu vụ và giảm nhẹ lượng phân hóa học, nếu đất phèn nhiều cần bón vôi (300 – 1.000 kg vôi/ha) và cày cạn 5-10 cm, xới đất vừa phải;

- Ruộng phải cày bừa hoặc trục kỹ (ít nhất 2 lần);

- Trước khi gieo 1 ngày cần bón lót toàn bộ phân hữu cơ và phân lân, bừa lần cuối để chôn vùi phân trong đất;

- San phẳng mặt luống, san thật bằng phẳng tránh đọng nước thành vũng để tưới tiêu thuận lợi, giúp cây lúa mọc đều, hạn chế công dặm;

- Vét mương chia luống: mỗi luống rộng 2-3m, mương rộng 25cm và sâu 10 - 20cm, xung quanh ruộng tạo rãnh thoát nước chung và rút cạn nước trên ruộng trước khi gieo sạ.

5. Kỹ thuật gieo sạ:

- Gieo sạ bằng tay: Chia đều số hạt giống cho từng luống riêng biệt để đảm bảo lượng giống đồng đều; gieo lần lượt từng luống.

- Gieo sạ bằng công cụ sạ hàng: Chia đều lượng giống vào các trống chứa giống. Khi gieo đi đều và điều chỉnh các lỗ trên các trống đảm bảo lượng giống xuống đều. Lưu ý: Đất cát, đất thịt nhẹ làm đất xong gieo ngay; đất sét, đất thịt nặng cần để lắng bùn mới gieo để tránh hạt mầm vùi sâu trong đất.

6. Kỹ thuật sử dụng phân bón:

Tùy thuộc vào đặc điểm từng loại đất, mùa vụ và từng loại giống khác nhau mà thay đổi lượng phân bón cho phù hợp. Kỹ thuật bón phân có thể dựa vào bảng so màu lá lúa (xem phụ lục 2) hoặc dựa vào công thức khuyến cáo in trên vỏ bao.

6.1 Lượng phân bón khuyến cáo cho 1 ha:

- Vôi: 250-1000 kg (tùy theo pH đất);

- Phân hữu cơ: 500 kg phân hữu cơ vi sinh hoặc 5-10 tấn phân chuồng hoai;

- Phân vô cơ :  Theo công thức phân chung: 

+ Vụ Đông xuân: 90 N _ 70 P2O5 _ 80 K2O

(Tương đương 195 kg urê; 430 kg super lân; 130 kg kaliclorua).

+ Vụ hè thu và vụ Mùa: 80 N _ 70 P2O5 _ 80 K2O

(Tương đương 175 kg urê; 430 kg super lân; 130 kg kaliclorua).

Nếu sử dụng phân hỗn hợp NPK cần dựa vào lượng phân nguyên chất để tính lượng phân bón hợp lý tương ứng với công thức phân chung.

Lưu ý:

- Đối với các loại phân vi lượng, đa lượng khác, theo khuyến cáo riêng đối với giống, chân đất.

- Bón vôi: 

+ Rải đều vôi lên mặt đất sau đó tiến hành xới trộn lớp đất canh tác.

+ Sau 15 ngày, bón phân NPK sẽ cho hiệu quả cao.

+ Không nên bón vôi chung với phân chuồng, phân đạm, phân lân.

+ Lượng vôi theo bảng sau:

Đất có tỷ lệ sét cao (đất thịt nặng)

- pH từ 3,5 – 4,5: bón 2 tấn vôi/1ha

-pH từ 4,6 – 5,5: Bón 1 tấn vôi/1 ha

-pH từ 5,5 – 6,5: bón 0,5 tấn vôi/1 ha

* 2-3 năm bón 1 lần

Đất có tỷ lệ cát cao:

- pH từ 3,5 – 4,5: bón 1 tấn vôi/1ha

-pH từ 4,6 – 5,5: Bón 0,5 tấn vôi/1 ha

-pH từ 5,5 – 6,5: bón 0,25 tấn vôi/1 ha

* 1 năm bón 1 lần



6.2 Cách bón:

-  Bón lót: bón vôi (nếu có) trước khi cày vỡ, ngay trước khi gieo sạ 1 ngày bón lót toàn bộ lân và hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai.

- Bón thúc:

+  Thúc lần 1: Bắt đầu đẻ nhánh (7-10 ngày tuổi): 1/3 đạm  + 1/4  kali

+  Thúc lần 2: Đẻ nhánh rộ (18-25 ngày tuổi):  1/3 đạm  + 1/4  kali

+  Thúc lần 3: Bón đón đòng trước trổ 20-22 ngày:  1/3 đạm  + 2/4  kali

Bảng 1. Sử dụng phân bón cho lúa sạ

Loại phân, cách bón

Vụ Hè thu (kg/ha)

Vụ Đông xuân (kg/ha)

Thời điểm bón phân

Bón lót

Vôi

250-1000

250-1000

Trước khi cày vỡ

Phân hữu cơ

500

500

Trước khi bừa cuối

Lân nung chảy hoặc lân Super

430

430

Bón thúc 1

7 – 9 ngày sau gieo sạ vụ Hè Thu và vụ Mùa

8 -10 ngày sau gieo sạ vụ Đông xuân

Urea

60

65

Kali

30-35

30-35

Bón thúc 2

18 – 20 ngày sau gieo sạ vụ Hè thu và vụ Mùa

20 - 22 ngày sau gieo sạ vụ Đông xuân

Urea

60

65

Kali

30 -35

30 -35

Bón thúc 3

35-37 ngày sau gieo sạ vụ Hè thu và vụ Mùa

37- 40 ngày sau gieo sạ vụ Đông xuân

Urea

40-60

50-65

Kali

60-70

60-70

* Lưu ý:

- Đối với ruộng nhiều rong nên tìm cách diệt rong trước (bón vôi, rút nước) và lùi ngày bón phân lân lại, nhưng không vượt quá 20 ngày sau sạ. Vì bón phân lân sớm sẽ phát sinh thêm nhiều rong và tạo váng ở mặt ruộng.

- Bón thúc lần 1 và lần 2 phải đúng ngày, đúng kỹ thuật, không được chậm trễ, nếu bón rãi rác, bón muộn sẽ phát sinh nhiều chồi vô hiệu.

- Ruộng đất xấu, phèn nhiều, nên sử dụng lân nung chảy (lân Văn Điển hoặc lân Ninh Bình).

- Khi bón đón đòng chỉ bón đạm khi 2/3 ruộng lúa chuyển màu vàng chanh, nếu lá lúa màu xanh đậm chỉ bón kali.

7. Quản lý nước và thông khí định kỳ cho đất

7.1. Quản lý từ gieo sạ đến đứng cái:

- Rút nước trước khi gieo sạ, không để nước ngập mặt ruộng trong vòng 4-5 ngày đầu nhưng phải đảm bảo đủ ẩm cho đất.

- Tưới nước lần 1: Khoảng 4 - 5 ngày sau gieo sạ tiến hành tưới nước cho ruộng bằng cách đưa nước ngập mặt ruộng (1-2 cm) trong vòng 1 ngày.

- Khô lần 1: Sau đó tiếp tục duy trì mặt ruộng khô (nhưng phải đảm bảo đủ ẩm cho đất) cho đến lần tưới nước tiếp theo.

- Tưới nước lần 2 - bón thúc lần 1 sau gieo sạ 7 – 9 ngày (vụ Hè thu), sau gieo sạ 8 – 10  ngày (vụ Đông xuân) đưa nước ngập mặt ruộng và bón phân thúc lần 1 ngay, duy trì mức nước ruộng 2 - 3cm trong vòng 5 - 7 ngày liên tục sau khi bón phân.

- Khô lần 2: Sau đó tiếp tục duy trì mặt ruộng khô nẻ chân chim (nhưng phải đảm bảo đủ ẩm cho đất) trong vòng 1 tuần.

- Tưới nước lần 3 - bón thúc lần 2: Khoảng 18 - 20 ngày sau gieo (vụ Hè thu), khoảng 20-22 ngày (vụ Đông xuân) duy trì mức nước ruộng 3-5cm trong vòng 5-7 ngày liên tục.

- Khô lần 3: Sau đó rút kiệt nước mặt ruộng (nhưng phải đảm bảo đủ ẩm cho đất) trong vòng 5-7 ngày.

7.2. Giai đoạn từ hình thành khối sơ khởi đến chín

- Tưới nước lần 4 - bón thúc lần 3: Vào giai đoạn lúa hình thành khối sơ khởi, khoảng 35 - 37 ngày sau gieo sạ (vụ Hè thu), khoảng 37- 40 ngày sau gieo sạ (vụ Đông xuân) duy trì mức nước ruộng 5-7cm trong vòng 7-10 ngày để lúa làm đòng xong.

- Khô lần 4: Khoảng 45-50 ngày sau gieo sạ (trước khi lúa trổ 15 ngày), tiến hành rút nước để khô 5-7 ngày để hạn chế bệnh hại như bệnh khô vằn, thối bẹ.

- Tưới nước lần 5: Khoảng 50-55 ngày sau gieo, duy trì mức nước ruộng 5-7cm cho đến hết giai đoạn chín sữa.

- Khô lần 5: khi lúa chín sáp (10-15 ngày trước thu hoạch), rút cạn nước ruộng đến khi thu hoạch.

 8. Kỹ thuật quản lý dịch hại:

-   Không sử dụng thuốc BVTV hóa học cho sâu ăn lá, rầy giai đoạn từ sau gieo sạ đến 20 ngày. Trường hợp đặc biệt cần phun, phải có hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật BVTV. Các giai đoạn sau, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết (mật độ sâu cao có khả năng gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất lúa.

-   Không sử dụng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm muộn vì áp dụng quy trình để ruộng khô lần 1, lúc này mật độ cây lúa còn thưa, đất ẩm, cỏ dại rất dễ phát triển nên trong trường hợp cần thiết phải khuyến cáo sử dụng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm.

-   Hạn chế sử dụng thuốc trừ ốc bươu vàng, khi thật cần thiết sử dụng thuốc dẫn dụ trừ ốc, chỉ dùng thuốc này rải trên cạn ven bờ ruộng không rải trực tiếp xuống nước, hẹn chế gây hại cho động vật thủy sinh. Chú ý thu gom, diệt ốc bươu vàng tại các rãnh thoát nước.

-   Giai đoạn sau đứng cái (hình thành khối sơ khởi trở đi) tuyệt đối không bón đạm, phân bón lá khi lúa có màu xanh đậm.

-   Không bón phân thúc khi lúa đang nhiễm bệnh (đạo ôn, bệnh vi khuẩn…)

-   Dùng thuốc BVTV đúng đối tượng phòng trừ của nhà sản xuất đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuân thủ quy định về “Nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV”, giảm nguy cơ do thuốc BVTV đối với người và môi trường.

8.1. Cỏ dại: Cỏ dại trong ruộng lúa sẽ cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, nước và là nơi trú ẩn của sâu bệnh hại, làm giảm năng suất và phẩm chất lúa. Do đó cần làm sạch cỏ dại trước 30 ngày sau gieo sạ.

- Trên đồng ruộng có nhiều loài cỏ dại, có thể chia làm 3 nhóm :

+     Cỏ hòa bản: như cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, cỏ mồm...

+     Cỏ lác:  như chác, cỏ cháo ...

+     Cỏ lá rộng:  rau bợ, cỏ xà bông

- Các biện pháp phòng trừ cỏ dại trong ruộng lúa :

+ Biện pháp canh tác :

•   Làm đất kỹ lúc gieo sạ

•   Sử dụng hạt giống sạch không lẫn cỏ dại

•   Làm cỏ bằng tay kết hợp với các lần bón thúc 

•   Luân canh với cây trồng cạn như bắp,bông vải, rau…

+ Biện pháp hoá học:

•   Tuỳ thuộc ruộng lúa có nhóm cỏ nào chủ yếu mà chọn loại thuốc thích hợp.

•   Trước khi sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn thuốc.

•   Tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc khi sử dụng thuốc như: thời gian, lượng thuốc, cách pha chế (nồng độ), điều kiện áp dụng, biện pháp an toàn khi sử dụng thuốc.

+ Một số thuốc thông dụng hiện nay:

ü Nhóm thuốc tiền nẩy mầm, chọn lọc:  Sofit, Ronstar, Rifit...

ü Nhóm tiền nẩy mầm và hậu nẩy mầm, chọn lọc:  Londax, Saturn, các thuốc có chứa hoạt chất Butachlor như Echo, Meco...

8.2 Ốc bươu vàng (OBV):

-       Thường xuyên thu gom ốc và ổ trứng trên đồng, ao hồ, kênh rạch công cộng trước và sau khi gieo sạ để hạn chế mật số OBV.

-       Trước khi gieo sạ/cấy, nên đánh rãnh trên ruộng và những chỗ có nhiều nước ốc sẽ tập trung, thuận tiện cho việc thu gom.

-       Dùng lưới chắn ốc ở đường nước chảy hay khi bơm.

-       Thả vịt vào ăn ốc nhỏ ở trước sạ và sau khi lúa lớn.

-       Nếu mật số ốc cao cần có mạ dự phòng khi gieo sạ hay chuyển sang phương thức cấy. Cắm cọc nhử ốc đến đẻ rồi gom để diệt.

-       Chủ động quản lý nước làm giảm khả năng di chuyển của ốc.

-       Hạn chế diệt OBV bằng hóa chất vì rất dễ gây tác động xấu cho môi trường

8.3. Chuột hại: Xây dựng mô hình tổ chức cộng đồng diệt chuột; dùng rào chắn nilon để ngăn chuột, dùng thuốc đặc hiệu diệt chuột theo hướng dẫn của cơ quan BVTV.

8.4. Sâu bệnh hại:

-       Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM),

-       Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh trên đồng ruộng:

+     Từ khi lúa gieo đến đẻ nhánh: 3 ngày/ lần thăm đồng một lần để phát hiện sâu bệnh kịp thời.

+     Lúa từ đẻ nhánh đến chín: thăm đồng hàng ngày để phát hiện sâu bệnh kịp thời.

+     Muốn năng suất cao: phải giữ 3-4 lá trên cùng không bị sâu bệnh phá hại  (từ lúc lúa làm đòng cho đến lúc chín).

-       Khi áp lực sâu bệnh cao, có thể dùng biện pháp hóa học để phòng trừ.


BBT