Đang online: 15
Hôm nay: 314
Trong tuần: 1143
Trong tháng: 1143
Tổng truy cập: 662479

TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN SĂN BẮT TRÁI PHÉP, QUẢN LÝ NUÔI CHIM YẾN VÀ ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU CÁC SẢN PHẨM TỔ YẾN TẠI TỈNH BÌNH THUẬN

Thứ Năm 31/08/2023 08:48
124
         Ngày 24/8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Công điện số 595/CĐ-TTg, ngày 30/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến.

Nhà yến trên địa bàn xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận

Sản phẩm tổ yến chưa qua sơ chế

Để chủ động ngăn chặn tình trạng săn bắt chim yến trái phép, đồng thời tổ chức tốt công tác quản lý nuôi chim yến, góp phần xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ tổ yến; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện các nội dung sau:

       - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Công điện số 595/CĐ-TTg ngày 30/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường rà soát, thực hiện hiệu quả các quy định về quản lý vùng nuôi chim yến theo Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 09/5/2023 của HĐND tỉnh về Quy định vùng nuôi chim yến; khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác; chính sách hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, đuổi, bắt, giết, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau).

        Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương: Tổ chức phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh trên gia cầm (như Cúm gia cầm, Newcastle, ...) để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh sang đàn chim yến trên địa bàn. Chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn thuộc Cục Chăn nuôi, rà soát, đánh giá và cấp mã số cho các nhà nuôi chim yến hiện có trên địa bàn tỉnh, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; lập danh sách các cơ sở đáp ứng yêu cầu gửi Cục Thú y để hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức sản xuất phục vụ xuất khẩu. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu nuôi chim yến của tỉnh để phục vụ truy xuất nguồn gốc; cơ sở dữ liệu về dịch bệnh, kết quả giám sát các dịch bệnh; cơ sở dữ liệu về giám sát an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

        Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nuôi, phòng, chống dịch bệnh, quản lý nuôi chim yến, bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ tổ yến. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các điều kiện, tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động nuôi chim yến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương, người nuôi, doanh nghiệp tổ chức sản xuất nuôi chim yến theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

        - Sở Công Thương: Thông báo, triển khai Chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương và các đơn vị Xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tổ chức, trong đó có các chương trình về phát triển thị trường dành cho tổ yến để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lựa chọn chương trình phù hợp để tham gia. Phối hợp tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm tổ yến của tỉnh Bình Thuận thông qua các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong và ngoài nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang các nước.

         - Sở Tài nguyên và Môi trường: Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các hoạt động quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các hoạt động quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp săn bắt chim yến trái phép.

        - Công an tỉnh: Phối hợp với Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về săn bắt, giết, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, trong đó có chim yến.

        - UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng săn bắt chim yến; tổ chức thu hồi các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép; chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, bẫy, vận chuyển, tiêu thụ chim yến; tổ chức triệt phá dứt điểm các tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, chim yến trái pháp luật trên địa bàn. Thực hiện quản lý hoạt động nuôi chim yến theo Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 09/5/2023 của HĐND tỉnh về Quy định vùng nuôi chim yến; khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác; chính sách hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1751/UBND-KT ngày 19/5/2023 về việc triển khai Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đúng quy định pháp luật. Tổ chức phòng, chống có hiệu quả các dịch bệnh trên gia cầm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân không săn bắt, tiêu thụ chim yến, kịp thời tố giác những hành vi săn bắt chim yến trên địa bàn. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên gia cầm nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan sang đàn chim yến; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và chế biến các sản phẩm tổ yến tại địa phương.

        Chim yến được chính thức công nhận là động vật trong chăn nuôi tại Luật Chăn nuôi năm 2018. Trong thời gian qua, ngành nuôi yến đã có bước phát triển mạnh mẽ; đến nay 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nuôi chim yến với khoảng trên 24.000 nhà yến, sản lượng 120 - 150 nghìn tấn/năm, giá trị khoảng trên 500 triệu USD, tạo nhiều công ăn việc làm và nguồn thu nhập lớn cho người dân. Việt Nam là một trong bốn nước (Malaysia, Indonesia, Thái Lan) được Trung Quốc chấp thuận cho phép xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến.

         Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phản ánh của một số cơ quan liên quan, công tác quản lý nuôi chim yến hiện nay vẫn còn một số tồn tại, bất cập, cụ thể: việc phát triển các cơ sở nuôi chim yến chủ yếu theo hình thức tự phát, không theo quy định của pháp luật về chăn nuôi, gây khó khăn cho công tác quản lý và giảm hiệu quả đầu tư;tình trạng săn bắt chim yến theo kiểu tận diệt xảy ra ở nhiều địa phương làm suy giảm đàn chim yến cả ngoài tự nhiên và tại các cơ sở nuôi, gây bức xúc trong dư luận; Việc sơ chế, chế biến các sản phẩm tổ yến chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.

Theo Công điện số 595/CĐ-TTg, ngày 30/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ

QT