Giải pháp nào để phát triển dân sinh kinh tế cho ngư dân dọc theo ven biển từ Thắng Hải (Hàm Tân) đến La Gàn (Tuy Phong) của Bình Thuận. Đây là sự trăn trở của các ban, ngành cho đến những ngư dân bám biển gần cả cuộc đời. Đóng tàu để vươn khơi xa ư? Hiệu quả trước mắt đã thấy: những tàu đánh cá hạ thủy theo Nghị định 67 của Chính Phủ, sau một thời gian hoạt động, tới nay, 70% số tàu hạ thủy phải nằm bờ hoặc hoạt động kém hiệu quả (16 tàu nằm bờ không hoạt động, 67 tàu hoạt động không hiệu quả trong tổng số 111 tàu hạ thủy); phần còn lại, các con tàu vượt khơi xa cho những chuyến đi biển đầy rẫy may rủi, bấp bênh.
Sau những chuyến đi biển: dài ngày có, ngắn ngày có; những chuyến đi biển trở về với khoang tàu trống rỗng; họ nhận ra rằng: nguồn lợi trong và dưới đáy biển đã cạn kiệt. Bởi các năm trước đây, một số khai thác nguồn lợi bằng cách: tàu lặn dùng xung điện, chất nổ, hóa chất, lưới cào vùng ven bờ bắt khoảng 30% loại thủy sản còn non trong một mẻ đánh bắt và phá vỡ môi trường sống của tất cả các loài dưới biển. Thêm vào đó, các hoạt động trên bờ dưới biển làm môi trường biển ô nhiễm và hiện tượng tự nhiên tảo nở hoa làm cho các loài thủy tộc chết ngạt hàng loạt.
Bình Thuận: thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản
Những ngư dân trong vùng, chịu khó đến các nơi tàu thuyền ít qua lại và khó cho việc thả lưới thì nguồn lợi thủy sản còn chút đỉnh. Từ đây, những ý nghĩ tạo ra môi trường trú ẩn cho các loài thủy sản như thả cội chà, thả các vật cản nặng nề xuống đáy biển để giảm việc đánh bắt bằng lưới giã cào. Hoặc khoanh dưỡng để tự tái sinh tự nhiên. Hoặc mua con giống về, thả vào vùng có môi trường sống và thức ăn phù du, sau một thời gian thì khai thác. Như Hội quán ngư dân Thuận Quí, nhận thấy, mua con giống Sò lông nơi khác về thả xuống khoanh nuôi, tỷ lệ sống sót sau một thời gian chỉ còn khoảng 30% lượng thả xuống. Vì vậy, Hội quán này áp dụng mua Sò lông khai thác tại chỗ đem về thả nuôi trong vùng quản lý để chăm sóc và thu hoạch. Hình thức này dần dần làm cho môi trường nước vùng khoanh nuôi ít bị khuấy động và dẫn dụ các loài thủy sản khác về quần cư. Mỗi thành viên trong Hội quán đóng góp 300 triệu đồng mua giống Sò lông thả khoanh nuôi để tái tạo tự nhiên. Vì vùng biển này phù hợp với loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ và Sò lông là đối tượng nuôi lợi thế. Nhưng đối với Hội cộng đồng ngư dân Tân Thành, Tân Thuận thả cội chà làm nơi trú ngụ dẫn dụ, tái tạo tự nhiên. Chọn việc nuôi biển mới tạo ra sinh kế bền vững và chọn con Vẹm xanh, Sò lông làm đối tượng nuôi lợi thế. Khi đã có vùng khoanh nuôi của cộng đồng thì cần có đội tàu giám sát phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn việc đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển khoanh nuôi. Còn Hội cộng đồng ngư dân Phước Thể chọn đối tượng nuôi lợi thế của vùng là Sò lông, Điệp quạt. Theo khảo sát, đánh giá vùng biển này có sự ưu đãi của tự nhiên: có dòng nước trồi ngoài khơi, thức ăn phù du dồi dào cho sinh vật tầng đáy phát triển tốt. Khi khai thác cần phối hợp liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm nuôi biển. Việc chọn thành lập Hội cộng đồng ngư dân tự nguyện có tư cách pháp nhân sẽ giúp tạo sự liên kết chuỗi giá trị sản phẩm tiêu thụ sau này, nhưng vẫn cần quy chế phối hợp giữa chính quyền và hội. Bên cạnh đó, việc đào tạo năng lực quản lý Hội cộng đồng trên các lĩnh vực: kế hoạch, kỹ thuật công nghệ, xây dựng thương hiệu… là cần thiết. Song, việc nuôi biển cần vốn đầu tư rất lớn là một trở ngại mở rộng quy mô hay ứng dụng công nghệ tiên tiến vào. Mô hình khuyến ngư trên vùng biển trao quyền đồng quản lý để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản cần một hành lang pháp lý để Hội cộng đồng ngư dân có sự đầu tư lâu dài với quy mô lớn hơn. Chính vì vậy, trong hội thảo ngày 20/3/2024 của Sở Nông nghiệp & PTNT Bình Thuận, chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam: PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng có đề xuất:
- Xây dựng đề án phát triển và chính sách quản lý nuôi biển bền vững lâu dài,
- Xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn trong nuôi biển bền vững và điều kiện để được cấp phép nuôi biển,
- Phải xây dựng hạn mức sản lượng nuôi biển và cấp hạn ngạch cho chủ thể có đủ điều kiện, phân bổ hạn ngạch công khai trong cộng đồng nuôi biển,
- Thủy sản nuôi biển phải có hồ sơ truy nguyên nguồn gốc sau này khi cần thiết,
- Tích hợp nghề nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác để khai thác hết tiềm năng trong vùng biển trao quyền đồng quản lý,
- Một việc hết sức quan trọng là bảo vệ môi trường nuôi biển, cũng là bảo vệ tái tạo lại nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Những đề xuất này là tiền đề cho việc phát triển nghề nuôi biển tại Bình Thuận sau này. Và trong hội thảo ngày 21/3/2024 của Trung tâm khuyến nông với các Hội cộng đồng ngư dân huyện Hàm Thuận Nam. Ông Nguyễn Văn Chiến, PGĐ Sở Nông nghiệp & PTNT Bình Thuận, có phát biểu: Mô hình nuôi biển ở Hàm Thuận Nam, có sự tham gia của các chuyên gia sẽ tạo nên một vùng biển khác với các nơi khác. Kết hợp cộng sinh với các ngành kinh tế biển khác để phát triển, khai thác hết tiềm năng biển. Việc quy hoạch nuôi biển trong 6 hải lý và ngoài 6 hải lý so với bờ để bảo vệ môi trường. Bảo vệ, duy trì, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên và phát triển nghề nuôi đáy với đối tượng nuôi lợi thế, phù hợp. Sự tham gia của cộng đồng ngư dân trong đồng quản lý vùng biển là quan trọng nhất.
Với việc bảo vệ môi trường biển; bảo vệ, duy trì, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên và phát triển nghề nuôi biển là hướng đi đúng. Hội cộng đồng ngư dân có nhiều cơ hội cải thiện đời sống dân sinh kinh tế và làm giàu trong tương lai với nghề nuôi biển trong vùng biển đồng quản lý. Chính điều này, Hội cộng đồng ngư dân xã Tân Thuận lấy phương châm: “Bảo vệ, duy trì, tái tạo nguồn lợi thủy sản là bảo vệ cuộc sống chính mình” làm tiền đề hoạt động. Với sự quyết tâm của cộng đồng, sự thành công với nghề nuôi biển sẽ không xa ./.
Khánh Vương