Đang online: 20
Hôm nay: 450
Trong tuần: 5698
Trong tháng: 133726
Tổng truy cập: 10300693

Chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm thanh long sấy

Thứ Tư 29/12/2021 09:32
841

Chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm thanh long sấy

Trong những năm gần đây, số lượng các trường hợp nông sản, thực phẩm Việt Nam bị từ chối nhập khẩu luôn ở mức tương đối cao. Cụ thể, năm 2019, có 101 trường hợp bị từ chối nhập khẩu vào Nhật Bản và 65 trường hợp bị từ chối nhập khẩu vào EU, 226 trường hợp hàng nông sản Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào Hoa Kỳ [4]. Nguyên nhân chính bị từ chối là do nông sản Việt Nam không đạt tiêu chuẩn về thành phần, dư lượng chất cấm vượt mức cho phép hoặc quá trình đóng gói, vận chuyển. không đảm bảo ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Thông tin tìm trên hệ thống Rapid Alert System for Feed and Food- RASFF cho thấy từ ngày 1/1/2015 đến ngày 1/8/2021 không có một trường hợp cảnh báo mối nguy an toàn thực phẩm nào trên sản phẩm thanh long sấy. Chỉ có 01 trường hợp cảnh báo về dư lượng Carbendazim cao (0,35 ± 0,18 bzw. 0,38 ± 0,19 mg/kg – ppm) trong trái thanh long ruột trắng của Thái Lan nhập khẩu vào thị trường Đức ngày 18/12/2020. Mức dư lượng tối đa cho phép đối với Carbendazim ở thị trường Đức là 0,1mg/kg-ppm. Một cảnh báo không chỉ rõ tên loại trái cây sấy, song Công ty Oregon Freeze-Dry Inc, có trụ sở tại Albany (Mỹ) tuyên bố thu hồi sản phẩm trái cây sấy khô Kirkland Signature do nhiễm khuẩn salmonella. Sản phẩm bị thu hồi gồm 59.780 trường hợp trái cây khô Kirkland Signature cắt lát. Việc thu hồi được thực hiện sau khi công ty nhận được báo cáo rằng trái cây sấy khô có khả năng bị nhiễm khuẩn salmonella. Công ty cho biết rằng chưa nhận được bất kỳ báo cáo của người tiêu dùng về việc ngộ độc salmonella. Do đó, việc thu hồi sản phẩm này là một biện pháp phòng ngừa.

Chất lượng, an toàn thực phẩm của các sản phẩm thanh long sấy tại Việt Nam

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, từ năm 2015 đến 2018 đã có 17 trường hợp cảnh báo thanh long nhiễm dư lượng các thuốc bảo vệ thực vật gồm: Carbendazim, dithiocarbamates, carbofuran, permethrin, dimethroat, iprodione, azoxystrobin. Trong số đó, các lô hàng thanh long xuất sang Châu Âu và Úc đều bị từ chối vào thị trường những
nước này, đồng thời nhà nhập khẩu phải tái xuất về nước hoặc tiêu hủy. Riêng 2 trường hợp thanh long sấy khô nhập khẩu vào Hoa Kỳ nhiễm dư lượng carbendazim bị cảnh báo. Bên cạnh đó, thanh long nhập khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ và Châu Âu bị thông báo không tuân thủ vì nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật nước họ, các đối tượng sinh vật hại được tìm thấy là các loài nấm Fusarium solani, Fusarium semitectum, Curvularia lumata, Cladosporium oxysporium và các loài côn trùng Lepidoptera, Pseudococcidae. Hiện nay, chưa ghi nhận thông tin vụ ngộ độc nào liên quan tới sản phẩm thanh long sấy. Có một vài trường hợp ngộ độc do ăn trái long tươi không đúng cách như ăn thanh long quá nhiều hoặc ăn thanh long kết hợp sữa chua có thể bị tiêu chảy do trong thanh long chứa nhiều đường sorbitol và các chất nhầy (albumin tự nhiên, polysaccharide), chất xơ hòa tan (pectin). Theo doanh nghiệp được điều tra, hiện nay thanh long sấy là sản phẩm chế biến được thực hiện do việc tồn dư nguồn nguyên liệu thanh long tươi, việc này đến từ 2 nguyên nhân chủ yếu sau đây:

- Nguyên nhân thứ nhất, tại Việt Nam, hiện nay, diện tích thanh long khoảng 45.450 ha với tổng sản lượng 587.968 tấn, trong đó thị trường nội địa chiếm 15-20% sản lượng; 80-85% sản lượng còn lại được xuất khẩu nhưng thị trường chính là Trung Quốc. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc khiến cho việc xuất khẩu thanh long tươi trở nên khó khăn khi thị trường này có nhiều biến động chẳng hạn như biến động về giá thu mua, biến động về sản lượng thu mua. Các biến động này làm dư thừa một lượng lớn thanh long tươi không thể tiêu thụ được mỗi năm, và từ đó dẫn đến nhu cầu chế biến thanh long thành các sản phẩm có thời gian sử dụng lâu hơn.

- Nguyên nhân thứ hai, là lượng thanh long dư ra sau quá trình phân loại phục vụ xuất khẩu. Đây là những quả có độ chính quá cao, ngoại hình không đồng đều, trọng lượng quá nhỏ hoặc quá lớn, hoặc những quả bị các tác động cơ học trong quá trình vận chuyển ảnh hưởng đến cảm quan bên ngoài. Các nguyên liệu này cũng được đưa vào chế biến. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, nếu đánh giá về thị hiếu, thị trường vẫn chuộng thanh long tươi hơn sản phẩm thanh long sấy. Nên hiện nay, một số doanh nghiệp không chú trọng quá nhiều vào việc đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất thanh long sấy, hoặc các dây chuyền thường đơn giản theo công nghệ cũ, lỗi thời. Từ đó các tiêu chuẩn về sản phẩm đầu ra cũng khá đơn giản, phần lớn các doanh nghiệp áp dụng theo tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) mà doanh nghiệp tự công bố ( xem thêm ở phụ lục), dựa trên các tiêu chuẩn trong nước về vi sinh, hóa sinh, kim loại nặng do Bộ y tế ban hành. Với đặc trưng về công nghệ chế biến hiện nay, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của sản phẩm thanh long sấy phụ thuộc vào chất lượng và dư lượng của nguyên liệu đầu vào. Trong quá trình gia nhiệt thì sản phẩm sẽ thay đổi trạng thái, cấu trúc, màu sắc, mùi vị và hàm lượng các chất dinh dưỡng, tuy nhiên chất lượng về an toàn VSTP như tồn dư thuốc BVTV hay kim loại nặng sẽ không thay đổi. Chất lượng này có thể vẫn sẽ giữ nguyên từ nguyên liệu ban đầu cho tới sản phẩm thành phẩm trong suốt quá trình chế biến. Vì vậy việc kiểm soát an toàn chất lượng nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất là hết sức quan trọng. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho sản phẩm thành phẩm sau cùng. Do đó, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng vào sản xuất các sản phẩm thanh long sấy cho thấy việc đầu tư nghiêm túc vào chất lượng sản phẩm, nhằm tạo ra các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu chất lượng ở những thị trường khó tính nhất.

Tham quan trang trại thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu  (Ảnh: Công Bá)

CÔNG BÁ – NGÔ ĐỒNG